Nghề tạo mẫu tóc hiện có sức hút với rất nhiều người trẻ. Hẳn nhiên. Bởi ngoài thu nhập cao, bạn còn có cơ hội quen biết nhiều người. Nhưng để đến với nghề, không phải ai cũng theo đuổi được…
Ảnh minh họa
34 năm theo đuổi nghề làm tóc, cái tên Hùng Pasteur dường như đã trở thành một thương hiệu trong giới làm đẹp ở TPHCM.
Là giáo viên của trung tâm dạy nghề quốc tế, từng làm giám khảo cho các cuộc thi tạo mẫu tóc, là tạo mẫu tóc chính cho những show ca nhạc lớn vậy mà nhiều khi chỉ thấy anh đứng… trong hậu trường thoăn thoắt bới đầu cho người mẫu. “Tôi không câu nệ mình là thợ hay là thầy, miễn sao khách của mình đẹp là được. Đã làm nghề thì phải chịu sống hết mình với nó…” – anh tâm sự.
Bắt đầu từ “chân” sai vặt
12 tuổi, đang phân vân không biết chọn học nghề sửa radio hay sửa xe thì người chú ruột “bốc” anh theo cho học nghề… uốn tóc. Công việc của anh chỉ quanh quẩn là cầm máy sấy tóc, quay nước từ dưới giếng lên, đun sôi làm nước gội đầu cho khách, quét dọn nhà cửa… Hồi đó, anh được người chú dạy theo kiểu “thí công”: không phải đóng phí học nghề, và tất nhiên, anh cũng không được trả tiền công cho những gì mình làm ở tiệm…
Những gì anh học đâu phải công việc của một người thợ uốn tóc?
Nhưng trong 6 năm làm việc lặt vặt đó, tôi đã quan sát và học được rất nhiều thứ: cách bới tóc thế nào, cách cầm kéo ra sao để cắt cho “ngọt”… Và quả thật, khi chú tôi dạy tôi những nhát kéo đầu tiên, tôi đã làm mà không chút bỡ ngỡ…
Từ một người “thợ học trò”, làm sao anh có thể trở thành một người lành nghề như hiện nay?
Đó là cả quá trình học hỏi và phấn đấu lâu dài. Từ thợ học trò lên thợ phụ, lên phụ chánh, rồi mới lên thợ chánh. Không kể 6 năm để sai vặt, gần 10 năm sau tôi mới “bước” lên được thợ chánh. Trong 10 năm đó, không chỉ cắt, uốn, chải bới, tôi còn tự mày mò sáng tạo ra những kiểu tóc phù hợp với từng dạng người. Cái chính là bạn phải chịu sáng tạo, chịu quan sát và chịu… thử nghiệm…
Nghề 10/10
“Vướng” vào nghề này cực lắm vì nó đòi hỏi người thợ gần như cầu toàn. Năng khiếu thẩm mĩ, bộ nhớ tốt, tay chân thao tác nhanh nhẹn, rồi phong cách, khả năng giao tiếp… Nói chung là 10/10.
Xem ra, để trở thành nhà tạo mẫu tóc hình như quá khó?
Không khó, chỉ cần bạn cố gắng là được. Óc thẩm mĩ sẽ giúp bạn biết kiểu tóc nào hợp với người nào, và khi bạn làm thì chỉ có đẹp hơn chứ không xấu hơn. Phải có óc ghi nhớ tốt để quan sát, học hỏi những cái hay, cái lạ mà không bị trùng lặp. Rồi khả năng giao tiếp, điều này rất cần thiết khi bạn tư vấn cho khách những ý tưởng, kiểu tóc mới mà không khiến họ bực mình hay mất niềm tin…
Còn việc chăm sóc tóc, hẳn nhà tạo mẫu tóc cần phải biết?
Điều đó là bắt buộc, nếu không, làm sao bạn tư vấn cho khách. Ví dụ như trong 1 năm bạn chỉ được uốn, nhuộm hoặc duỗi đúng một lần. Với những ai quá lạm dụng hóa chất, thuốc nhuộm tóc, bạn cần tư vấn cho họ dùng lotion vitamin thích hợp cho tóc, dầu xả hoặc hấp dầu thế nào cho tóc không bị “chết”. Những kiến thức này bạn có thể tìm trong sách vở, tạp chí chuyên về tóc…
Nhiều người nghĩ con trai mà theo nghề làm đẹp thì sẽ mất đi vẻ nam tính. Anh nghĩ sao?
Nam tính hay không là do bản thân mỗi người. Theo tôi, tạo mẫu tóc ít thích hợp với tạng người đàn ông mạnh mẽ, gồ ghề vì nó đòi hỏi tính tỉ mỉ, chi li và mềm mại. Tuy nhiên, không phải thanh niên nào theo nghề làm tóc đều… nữ tính đâu.
Nghề hấp dẫn giới trẻ?
Bây giờ muốn trở thành thợ làm tóc, các bạn trẻ có phải theo học việc giống anh lúc trước?
Tiệm của tôi cũng như nhiều tiệm uốn tóc khác đều đã từng nhận học viên, có đóng học phí và theo qui định cụ thể. Nếu không, bạn có thể ghi danh tại Trung tâm Dạy nghề Quốc tế (đường Lê Quốc Hưng, Q.4) – ngôi trường chuyên dạy về tạo mẫu tóc đầu tiên của TPHCM và khi tốt nghiệp, bạn sẽ có bằng chứng nhận hẳn hoi.
Anh từng than nghề này rất “cực”, nhưng công việc làm tóc chủ yếu ở salon, có máy lạnh và những nội thất tiện nghi…
Đó chỉ là một khía cạnh. “Cực” ở đây là bạn phải chạy suốt mỗi khi có yêu cầu, biết xử lý nhanh trong mọi tình huống. Trong một chương trình ca nhạc lớn, một mình tôi phải bới đầu cho… 40 người mẫu trong vòng 10 phút, nếu trễ người mẫu ra không kịp, tôi vẫn bị đạo diễn “nhằn” không thương tiếc. Bởi vậy, dù là thợ học trò hay nhà tạo mẫu tóc danh tiếng, điều cần nhất vẫn là lòng yêu nghề và chịu sống hết mình với nó…