Doanh nghiệp Việt đang yếu nhất chỗ nào?

Phần lớn các doanh nghiệp “chết” đều là vì khả năng quản lý tài chính yếu kém, TS. Trần Du Lịch nhận định. Đó là một loại yếu kém mà theo TS. Trần Du Lịch, doanh nghiệp cần phải khắc phục ngay để có thể tồn tại và phát triển.

Ảnh minh họa
TS. Trần Du Lịch chỉ ra rằng: ở nhiều doanh nghiệp, người làm kế toán được đưa lên đảm nhận vị trí giám đốc tài chính, trong khi vị trí này cần người có chuyên môn đảm nhiệm.
Quản lý tài chính là một yếu kém cần khắc phục ngay, để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển
Các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua đang kinh doanh theo phong trào, làm ăn theo kiểu “tay không bắt giặc”, thấy người ta làm cái gì có lợi nhuận là chạy theo. Theo ông Lịch, đã đến lúc doanh nghiệp Việt bước vào giai đoạn chấm dứt hoàn toàn việc làm ăn kinh doanh không bài bản, chộp giật, lấy sở đoản làm sở trường; và phải hướng tới sự phát triển bền vững.

Một điểm yếu tiếp theo vẫn còn tồn tại ở các doanh nghiệp là tác phong của đội ngũ công nhân còn chưa chuyên nghiệp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại chưa chú trọng vào khâu đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Theo TS. Trần Du Lịch, để thoát ra khỏi những khó khăn, việc làm đầu tiên của doanh nghiệp phải là nhìn thấy cơ hội. Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có rất nhiều cơ hội mở ra và doanh nghiệp cần phải biết nắm bắt lấy.
Nhưng nếu chỉ có doanh nghiệp nỗ lực thì không đủ, cần phải có sự hỗ trợ từ phía nhà nước. Theo TS.Trần Du Lịch, Nhà nước cần điều chỉnh lại một số chính sách như: thay vì miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì cần có biện pháp điều chỉnh lãi suất vay ngân hàng cho doanh nghiệp.
Khi mức lãi suất cho vay trung hạn ở các ngân hàng vẫn là mười mấy phần trăm thì doanh nghiệp rất khó có “cửa” kinh doanh. Hiện tại ở TP.HCM, chỉ có khoảng 35% doanh nghiệp hoạt động phát triển tốt, 30% doanh nghiệp đang chòi đạp để sống, còn lại 1/3 đã “chết chưa mà được chôn”.
Do đó, TS.Trần Du Lịch cho rằng: Việt Nam cần phải cải cách thể chế kinh tế, gắn hoạt động của doanh nghiệp với thị trường; đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội thực hiện những hoạt động sản xuất kinh doanh mang tính đột phá, sáng tạo.
Nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao. Nhưng doanh nghiệp mong muốn khi đầu tư thì phải sinh lợi. Vì vậy nhà nước cần phải có nhiều hơn những chính sách hỗ trợ, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Sắp tới, khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định TPP sẽ phải chịu áp lực đổi mới môi tường kinh doanh và từ đây doanh nghiệp Việt cũng sẽ được hưởng nhiều lợi ích.
TPP cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải tăng cường tính liên kết để có tốc độ đáp ứng thị trường nhanh. Ví dụ: trường hợp đối tác giao cho doanh nghiệp hợp đồng trong 3 tháng phải làm được 500 sản phẩm; nhưng khi đơn hàng tăng lên 1.500 sản phẩm cũng trong thời hạn 3 tháng mà doanh nghiệp không làm được thì có thể giao cho doanh nghiệp A hoặc B nào đó, nếu đã thiết lập được mối liên kết.
Sự hỗ trợ của các tổ chức, hiệp hội trong việc đẩy mạnh liên kết các doanh nghiệp cũng đóng vai trò rất quan trọng. Theo TS. Trần Du Lịch, trong thời gian qua tổ chức hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Mặc dù còn nhiều vấn đề tồn tại cả ở phía doanh nghiệp và những bất cập, hạn chế từ các chính sách, nhưng TS. Trần Du Lịch vẫn cho rằng: Việt Nam hội nhập sẽ thắng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt vẫn tiếp tục mở ra và Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trở thành nước công nghiệp.
Để chuẩn bị cho việc gia nhập Hiệp định TPP, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế kinh tế, đầu tư nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Việc làm này được ví như tạo đường ray cho đoàn tàu chạy. Như tuyến đường sắt Bắc Nam, có nhiều đoạn hư hỏng thì phải củng cố, để các doanh nghiệp có cơ hội đón nhận dòng đầu tư và thích nghi với môi trường của hiệp định TPP.

Theo Bizlive