Đến hẹn lại lên, cứ sau kỳ nghỉ Tết, cuộc “đua” thường niên tìm nhân tài giữa các công ty lớn nhỏ lại diễn ra. Khi chúng ta mải mê tìm kiếm các bí quyết tuyển dụng hoặc phát hiện nhân tài, có thể chúng ta lại quên mất việc tìm hiểu tại sao những nhân viên tài giỏi trong công ty lại ra đi và làm thế nào để giữ chân họ lại. Theo kết quả nghiên cứu gần đây, tình trạng thiếu hụt nhân lực có thể tiếp diễn trong thời gian tới. Do đó, để có chiến lược giữ chân nhân viên lâu dài, chúng ta cần hiểu lý do nào khiến họ rời bỏ công ty.
Ảnh minh họa
Lương bổng
Vấn đề: Mặc dù không phải ai cũng thừa nhận điều này, nhưng yếu tố tiền lương vẫn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc “chia tay” giữa nhân viên và công ty. Vì thế, một mức lương cạnh tranh thật sự vẫn là một trong những công cụ “ràng buộc” nhân viên hữu hiệu.
Giải pháp:
– Tận dụng những nghiên cứu trong ngành và các dữ liệu khác để luôn cập nhận thông tin về xu hướng lương thưởng.
– Để cả công ty và nhân viên cùng hài lòng, hãy đặt ra chính sách tăng lương dựa trên những thành tích và đóng góp mang lại cho công ty.
– Thu thập thông tin khi bàn giao công việc với nhân viên sắp nghỉ để định hình xu hướng xin thôi việc và dùng làm cơ sở để đề xuất từng mức tăng lương cụ thể với ban lãnh đạo.
– Thăm dò ý kiến nhân viên để biết được những hình thức khen thưởng và các loại “bổng lộc” khác có thể giữ chân họ, bên cạnh tiền bạc.
Quản lý
Vấn đề: Một lý do nghỉ việc kế tiếp chính là việc quản lý kém. Việc nhân viên cho rằng họ “không thích hoặc không hợp tính với sếp” cũng là một nhân tố quan trọng trong quyết định thôi việc. Phần lớn nhân viên ở lại với công việc là do những mối quan hệ mà họ đã tạo dựng được – chủ yếu là với sếp. Khi các mối quan hệ này có dấu hiệu “rạn nứt”, nhiều người sẽ ra đi.
Giải pháp:
– Giúp nhà quản lý nâng cao khả năng lãnh đạo, và giao tiếp qua các khóa đào tạo và phản hồi từ nhân viên. Trong bảng đánh giá năng lực, nên có phần chấm điểm những kỹ năng này và đặt tiêu chí thưởng theo những gì họ thể hiện.
– Thiết lập một môi trường và quy trình thuận tiện để nhân viên có thể chia sẻ những điều họ quan tâm với cấp trên. Và nhanh chóng giải quyết mỗi khi có vấn đề phát sinh.
Truyền đạt thông tin
Vấn đề: Khi được hỏi họ có lời khuyên gì với ban lãnh đạo về việc giữ chân nhân tài, không ít nhân viên đồng ý rằng việc truyền đạt rõ ràng mục tiêu hoạt động, kỳ vọng và chính sách khen thưởng là điều cần thiết.
Giải pháp: Một vài gợi ý nhỏ:
– Truyền đạt mục tiêu rõ ràng, với nguồn thông tin nhất quán, thể hiện tinh thần đồng đội và tôn trọng nỗ lực của nhân viên.
– Thường xuyên chia sẻ mục tiêu hoạt động và định hướng của công ty.
– Hợp tác, giao tiếp và lắng nghe. Khi nhân viên hài lòng họ sẽ mang về những kết quả mỹ mãn.
Hãy chủ động
Thay vì phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên trong vài tháng hoặc nhiều năm sắp tới, bạn có thể bắt tay vào việc giữ chân nhân viên ngay từ lúc này. Hiểu được lý do tại sao nhân viên giỏi lần lượt ra đi sẽ giúp bạn vạch ra được một chiến lược đúng đắn để giúp công ty nuôi dưỡng và phát triển nhân tố con người – nguồn lực quan trọng nhất để thành công.