Nguyên do Microsoft dời dây chuyền Nokia từ Trung Quốc sang Việt Nam

“Công ty lên kế hoạch tập trung sản xuất điện thoại chủ yếu tại Hà Nội”, Giám đốc đơn vị thiết bị của Microsoft khẳng định.
Ảnh minh họa.
Công ty TNHH Nokia Việt Nam cho biết hãng Microsoft – chủ đầu tư mới của Công ty Nokia Việt Nam – sẽ đóng cửa một phần hoạt động của các nhà máy tại Bắc Kinh và Đông Quảng (Trung Quốc), toàn bộ các nhà máy sản xuất tại Komarom (Hungary) và chuyển nhà máy tại Reynosa (Mexico) thành một trung tâm sửa chữa để tập trung phát triển Nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh (Việt Nam), theo công văn gửi tới Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan.

Đây là một động thái trong quá trình tái cấu trúc đơn vị Nokia sau khi công ty này về tay Microsoft vào cuối tháng Tư vừa qua, bao gồm cả Nokia Việt Nam – thành lập năm 2011 tại Bắc Ninh.

Trước đó, trong tháng Bảy, Microsoft cũng cho biết sẽ sa thải 18.000 nhân viên, phần nhiều trong số đó là các công nhân nhà máy tại Trung Quốc. 

Theo ông Stephen Elop – Giám đốc đơn vị thiết bị của Microsoft – cho biết công ty phần mềm sẽ dịch chuyển các đơn vị sản xuất thiết bị và hoạt động marketing tới các thị trường nơi Windows Phone có lợi thế. 

Trong một email gửi tới toàn bộ nhân viên công ty, Elop cho biết Microsoft sẽ thu hẹp hoạt động kỹ thuật tại Bắc Kinh, còn hoạt động sản xuất sẽ được Microsoft chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, Brazil và Mexico,

Cụ thể, bộ phận kỹ thuật điện thoại sẽ được tập trung tại Salo, Phần Lan, phục vụ phát triển các mẫu sản phẩm Lumia cao cấp trong tương lai; và Tampere, Phần Lan, phục vụ các sản phẩm tầm trung. 

Công ty lên kế hoạch sẽ thu hẹp hoạt động kỹ thuật tại Bắc Kinh, Trung Quốc và San Diego, Mỹ, mặc dù hai khu vực này sẽ tiếp tục vai trò hỗ trợ, trong đó Bắc Kinh chịu trách nhiệm với các sản phẩm giá rẻ, San Diego chịu trách nhiệm các sản phẩm thiết kế đặc biệt phục vụ thị trường Mỹ. 

Hoạt động sản xuất sẽ được Microsoft cơ cấu lại theo chiến lược mới, tận dụng các cơ hội hội nhập. 

“Công ty lên kế hoạch tập trung sản xuất điện thoại chủ yếu tại Hà Nội (Việt Nam), với một phần nhà máy sản xuất vẫn tiếp tục hoạt động tại Bắc Kinh và Đông Quảng”, ông Elop viết. 

“Các nhà máy sửa chữa và sản xuất khác của Microsoft sẽ được chuyển tới Reynosa (Mexico) và Manaus (Bồ Đào Nha), đồng thời ngừng dần sản xuất tại Komarom, Hungary”.

“Tóm lại, công ty sẽ tập trung khối lượng Lumia tại những khu vực chúng ta đã thành công để gây dựng thị trường cho Windows Phone. 
Khi đà tăng tốc, công ty sẽ đạt được thành công trên thị trường điện thoại thông minh giá rẻ với nhiều sản phẩm mới đa dạng. 
Trong các thị trường tập trung nhiều sản phẩm và dịch vụ của Microsoft, công ty sẽ nỗ lực lôi kéo thêm nhiều khách hàng mới”. 
Theo thông tin từ Nokia Việt Nam, công ty này sẽ chuẩn bị sản xuất dòng điện thoại LUMIA630 và LUMIA530 chạy hệ điều hành Windows, hạng cao cấp và hiện đại nhất của Bộ phận thiết bị Microsoft ở nhà máy tại Bắc Ninh vào cuối tháng Tám tới.

Microsoft dự tính nâng số lượng dây chuyền sản xuất của nhà máy Nokia Bắc Ninh từ 6 dây chuyền trong năm 2013 lên 39 dây chuyền tính đến cuối năm 2014, với sản lượng hàng tháng tăng 3 lần so với sản lượng cuối năm 2013. 

Nhìn lại, Microsoft không phải là tập đoàn công nghệ đầu tiên muốn thu hẹp sản xuất tại Trung Quốc và nhắm tới Việt Nam. 

Trong tháng Năm vừa qua, Samsung, hãng sản xuất smartphone Android lớn nhất thế giới sẽ chuyển hầu hết các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, truyền thông Trung Quốc đưa tin
Samsung Electronics Vietnam Thái Nguyên đã đầu tư hai tỷ USD xây dựng khu tổ hợp công nghệ cao tại Thái Nguyên, và Samsung Electro-mechanics Vietnam đã đầu tư thêm 1.2 tỷ USD nữa vào khu này.

Dự tính khi khu công nghiệp Yên Bình, Thái Nguyên hoạt động toàn phần vào năm 2015, Việt Nam sẽ sản xuất hơn 80% số điện thoại di động của Samsung.

Intel và LG cũng đang sở hữu dây chuyền sản xuất hơn 1 tỷ USD tại Việt Nam.

Trên thực tế, rất nhiều tập đoàn đa quốc gia đã chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư khi vấp phải những thay đổi bất lợi về mặt kinh tế vĩ mô tại Trung Quốc. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế “thần tốc” đã biến Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế thứ 2 thế giới, đồng thời đẩy cao thu nhập công nhân. 

Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản JETRO, lương cơ bản của công nhân nhà máy tại Bắc Kinh là 466 USD/tháng (~9,8 triệu đồng), trong khi tại Hà Nội chỉ là 145 USD/tháng (~3 triệu đồng).
“Việt Nam ổn định về mặt chính trị và có nguồn nhân lực trẻ, ngày càng được giáo dục tốt. Giống như Hàn Quốc, Việt Nam hiểu cần phải làm gì để kiến thiết nền kinh tế sau một cuộc chiến tranh tàn khốc “, đại diện LG từng khẳng định. 

Ngoài ra, những yếu tố như chi phí phục vụ sản xuất rẻ hơn khi đặt vào so sánh như phí điện, nước, cũng như chính sách quyết liệt của chính phủ, hướng tới mục tiêu 30% sản phẩm sản xuất công nghiệp trong nước thuộc phân khúc công nghệ cao, cũng làm gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến đầu tư trong mắt các tập đoàn công nghệ đa quốc gia.

Theo Bizlive