Phỏng vấn là một nghệ thuật. Nếu phỏng vấn tốt, bạn sẽ tuyển được người tài cho công ty. Nhưng nếu phỏng vấn không hiệu quả, bạn sẽ đánh mất những ứng viên thực sự có năng lực và lầm tưởng một người bình thường là nhân viên xuất sắc. Bốn phương pháp phỏng vấn dưới đây sẽ giúp bạn khám phá được các ưu, nhược điểm và tính cách thật sự của ứng viên.
Ảnh minh họa
1. Phỏng vấn thân thiện
Phương pháp này thường được sử dụng ở vòng phỏng vấn đầu tiên; nhằm khuyến khích các ứng viên thể hiện kỹ năng và sở trường của mình. Người phỏng vấn cần phá tan mọi căng thẳng và ngượng ngập ngay từ những phút đầu. Bạn nên mời ứng viên dùng nước trước khi bắt đầu phỏng vấn. Sử dụng bàn tròn là lý tưởng nhất đối với phương pháp phỏng vấn này; nếu không, bạn nên ngồi cùng phía với ứng viên. Để tạo không khí thoải mái, không nên đặt những câu hỏi quá hóc búa. Thái độ cởi mở của bạn sẽ làm cho ứng viên cảm thấy tự tin và thể hiện tốt hơn.
2. Phỏng vấn gây áp lực
Phương pháp này được sử dụng rất hiệu quả để đánh giá khả năng giải quyết tình huống, cách ứng xử trong những cuộc đối thoại căng thẳng và khả năng làm việc dưới áp lực cao. Bạn nên chuẩn bị các câu hỏi thật hóc búa và gai góc để kiểm tra độ nhạy bén của ứng viên. Đừng quên nhìn thẳng vào ứng viên và hạn chế biểu lộ cảm xúc của bạn trong khi lắng nghe câu trả lời của họ.
3. Phỏng vấn bởi nhân viên công ty
Nhiều ứng viên được đánh giá là hoàn toàn phù hợp khi được cấp quản lý phỏng vấn. Nhưng bạn sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị về tính cách của họ nếu có thể sắp xếp để ứng viên gặp gỡ nhân viên trong công ty – là đồng nghiệp tương lai của ứng viên. Nên thu xếp để các nhân viên này tiếp xúc với ứng viên và xây dựng một cuộc chuyện trò thân thiện. Qua đó ứng viên sẽ bộc lộ những suy nghĩ và tính cách thực sự của họ.
4. Phỏng vấn theo ê kíp
Đây là phương pháp phỏng vấn theo ê kíp gồm một số thành viên với cách đặt câu hỏi khác nhau. Mỗi thành viên sẽ chuẩn bị trước các câu hỏi phỏng vấn. Vì thế, ứng viên sẽ phải đối phó với nhiều dạng câu hỏi và phong cách phỏng vấn khác nhau.
Trong trường hợp ứng viên không phù hợp, trưởng ê kíp phỏng vấn sẽ cắt ngắn cuộc phỏng vấn để tiết kiệm thời gian. Thông thường các thành viên trong ê kíp phỏng vấn không tương đồng ý kiến đánh giá ứng viên; vì thế, họ cần thảo luận, phân tích điểm mạnh và điểm yếu của từng ứng viên để đưa ra quyết định chọn lựa ứng viên phù hợp nhất. Sau đó, người đứng đầu ê kíp phỏng vấn sẽ lần lượt phỏng vấn các ứng viên xuất sắc để quyết định chọn ra ứng viên phù hợp nhất.