Không biết tạo động lực cho nhân viên thì bạn là người quản lý tồi

Không phải tất cả những người giỏi chuyên môn đều có năng lực quản lý. Quản lý là một nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Một người quản lý giỏi cần phải biết tạo động lực làm việc cho nhân viên, phải coi nhân viên là “linh hồn” của doanh nghiệp. Dưới đây là 5 nguyên tắc quan trọng để tạo động lực làm việc cho nhân viên.

Ảnh minh họa
Khiến nhân viên tích cực và hào hứng làm việc
Bạn quản lý nhân viên. Họ là những người làm công ăn lương. Tuy nhiên, nếu như đối với họ, công việc họ làm “chỉ đơn thuần là công việc” thì bạn không bao giờ khiến họ có thể làm việc hiệu quả nhất. Nếu họ đến chỗ làm mà chỉ mong hết giờ và làm việc cầm chừng thì coi như bạn đã thất bại. Nhưng ngược lại, nếu như họ tìm thấy niềm vui trong công việc, họ đến làm việc với tâm trạng hào hứng phấn khởi và tích cực lăn xả vào công việc thì bạn hoàn toàn có cơ hội để sử dụng được những năng lực nổi trội nhất của họ. 
Vấn đề là việc chuyển đổi từ một nhóm làm việc chậm chạp, kém hiệu quả thành một nhóm làm việc hiệu quả hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Chính bạn là người phải khuyến khích, lãnh đạo, thúc đẩy, kêu gọi và khiến họ tham gia tích cực vào công việc. 
Bạn phải làm cho họ ý thức về giá trị công việc mà họ đang làm, công việc của họ có ảnh hưởng gì đến cuộc sống, đem lại những nhu cầu cần thiết cho người khác, bằng cách nào mà họ có thể tạo ấn tượng với người khác thông qua sản phẩm mà họ làm ra.
Bạn hãy làm cho họ tin rằng những gì họ làm có ý nghĩa rất lớn. Ở một mức độ nào đó, những việc họ làm cũng chính là những đóng góp cho xã hội chứ không phải chỉ làm giàu cho cổ đông, chủ công ty.
Cho phép nhân viên được phép mắc sai lầm
Người Trung Quốc có câu “Nói cho tôi biết thì tôi sẽ nhớ được một giờ, chỉ cho tôi thấy thì tôi sẽ nhớ được một ngày, nhưng cho tôi tự tay làm thì tôi sẽ nhớ suốt đời”. Câu nói khá chính xác. Nếu như bạn để cho nhân viên tự làm thì lúc đầu có thể họ làm chưa tốt lắm, họ sẽ mắc phải những sai lầm. Tuy nhiên, bạn vẫn phải chấp nhận điều này.
Nếu bạn là cha mẹ và có đứa con 2 tuổi thì bạn sẽ cảm nhận được nỗi lo âu khi thấy con mình cứ nhất định muốn được tự tay rót nước uống và rồi nó làm đổ hết ra bàn. Bạn đứng bên cạnh cầm sẵn khăn lau tay vì bạn biết rằng: 
– Con bạn sắp làm đổ nước
– Chính bạn phải là người lau sạch
Nhân viên không phải là những đứa con của bạn nhưng nhất thiết phải để cho họ “làm tràn nước” nếu như họ muốn tiến bộ. Bạn cần phải cầm khăn lau đứng đằng sau sẵn sàng lau cho họ.
Động viên nhân viên
Nếu bạn không để cho nhân viên biết rằng bạn hài lòng với họ thì họ sẽ cảm thấy chán nản. Họ làm việc vì rất nhiều lý do. Một trong những lý do chưa được tiết lộ, chưa được nói tới, chưa bao giờ được viết ra đó là mong muốn được “ông chủ khen ngợi”. Đấy chính là phần việc của bạn với tư cách là một ông chủ.
Họ có thể coi việc bạn ca ngợi họ là sự “thừa nhận” hoặc là “sự đền ơn” hoặc là “cảm giác tôi đã làm việc tốt”. Nhưng làm sao họ biết được điều này? Họ biết vì bạn sẽ nói cho họ. 
Vậy từ giờ bạn có thể khen ngợi họ rồi. Bạn cứ đợi họ hoàn thành công việc một cách tốt đẹp rồi bạn hãy nói với họ rằng làm việc tốt. Hoặc bạn có thể động viên họ trước, đây là kiểu động viên rất tích cực. Trước khi họ tiến hành công việc bạn hãy nói với họ rằng họ sẽ làm tốt. Tại sao bạn phải làm thế? Bạn làm vậy thì cơ hội hoàn thành công việc một cách tốt đẹp sẽ cao hơn. 
Hãy biết nhận trách nhiệm
Người lãnh đạo làm việc hiệu quả nhất sẽ không bao giờ nói “Tôi”. Họ không suy nghĩ cho “Tôi”. Họ nghĩ cho cả nhóm của mình.
Tuy nhiên, thật không may nếu như nhóm của bạn làm hỏng mọi chuyện thì đó cũng là lỗi của bạn. Nếu như họ làm tốt mọi chuyện thì vinh quang thuộc về họ. Một người quản lý tốt là người luôn biết nhận trách nhiệm. Bạn là người lãnh đạo, người quản lý và là ông chủ. Nếu có chuyện không hay xảy ra thì bạn phải là người đứng ra gánh vác trách nhiệm.
Hãy biết ca ngợi
Nếu nhân viên của bạn đến làm việc một cách hứng khởi, nếu họ không trốn tránh và sợ hãi khi phạm sai lầm, nếu họ cảm thấy vui vẻ, nếu họ tập trung vào phần việc của mình hơn là phải chuẩn bị báo cáo và họp hành,… thì bạn đã trở thành người lãnh đạo thực sự rồi đó.
Những người quản lý giỏi luôn tinh tế. Hàng ngày, họ thường tìm lý do để thưởng nhân viên của mình một cái gì đó, có thể là lời chúc mừng đúng mực vì những kết quả họ đạt được, dù đó là kết quả khiêm tốn. 
Phần thưởng thì sao? Nhỏ thôi. Có thể là một hộp bánh rán. Hay bạn có thể nán lại chia sẻ với họ.
Bạn đừng chỉ chúc mừng những thành công lớn mà cũng phải chúc mừng cả những thành công nhỏ nữa. Tất nhiên, thành công nhỏ thì chúc mừng nhỏ, nhưng dù nhỏ thì cũng phải làm cho đúng nghĩa của chúc mừng.

Theo “Những nguyên tắc trong quản lý”/DNSG