“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho đến khi nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận cho những năm tháng đã sống hoài sống phí”! – Nikolai Ostrovsky. Vậy sẽ có bao nhiêu người dám từ bỏ những cái mình đang có vì không thích để theo đuổi niềm đam mê, ước mơ của mình?
Tương lai của bạn hay của ai? Đã bao giờ bạn trả lời câu hỏi đó? Ảnh minh họa
1. Từ một chủ đề trong lớp học anh văn
Tôi tham dự một lớp anh văn giao tiếp vào buổi tối, sau giờ làm việc. Mỗi một buổi học sẽ có một “topic” để mỗi người thảo luận. Điều tôi thích thú nhất là thầy giáo đứng lớp luôn đặt ra những câu hỏi để mỗi người phải suy nghĩ về chính bản thân họ.
Một buổi học, chúng tôi thảo luận về “Money and success”!
Thầy giáo của tôi kể rất nhiều chuyện. Nhưng tôi rất ấn tượng về chuyện các học sinh du học của Việt Nam tại Mỹ, các nước châu Âu và các quốc gia khác nói tiếng Anh chủ yếu là học BBA (Barchelor Bussiness of Administration). Trong khi đó những người trẻ tuổi ở những nước ấy lại học những ngành đó rất ít. Họ thường theo học các ngành rất lạ như: BRS (Barchelor Religious of Studies), BWS (Barchelor Women of Studies), Africa Studies, Prychocogy Studies, Vidio – audio Product, Produce film…
Thầy đặt ra câu hỏi: “Phải chăng nước họ giàu hơn chúng ta nên không cần học về các ngành về kinh tế? Họ học những thứ đó để làm gì? Phải chăng họ sẽ kiếm được nhiều tiền từ việc nghiên cứu phụ nữ hay sẽ trở thành một nhà sản xuất phim lừng danh cỡ Steven Spielberg mặc dù ai cũng biết trong cả ngàn người, thậm chí cả triệu người mới có một người như ông?!”.
Và một câu trả lời rất thuyết phục rằng: “Rõ ràng đó không phải là lý do. Lý do duy nhất là họ thích, đơn giản vậy thôi”!
2. Suy nghĩ cá nhân
Tất cả chúng tôi đều ngồi nghe thầy thuyết trình bằng tiếng Anh, cũng đôi khi nói chuyện bằng tiếng Việt. Tôi suy nghĩ nhiều từ những gì thầy nói, về chính bản thân và những gì đã được biết.
Từ khi tôi còn học Phổ thông đã được nghe câu ca: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa” hoặc là: “Nhất Kinh nhì Luật” từ những người thầy giáo của mình. (Kinh là Kinh tế).
Mỗi kỳ thi đại học xong, rất nhiều những cuộc phỏng vấn trên báo chí, về những công dân trẻ chuẩn bị đại diện cho một thế hệ, một bước nhảy mới của đất nước, đã nói rằng: “Đó là do cha mẹ em chọn chứ em không chọn”.
Nếu nói ở những vùng nông thôn xa xôi, thông tin hay mọi thứ khác đều thiếu thốn thì mỗi người đều nuôi một ước mơ từ nhỏ là sẽ trở thành cô/thầy giáo, bác sĩ, kỹ sư xây dựng…vv thì ở những nơi thành phố lại là những ý kiến của cha mẹ: “Học cái đó mai kia ra làm gì?! Cái đó khi ra trường rất khó xin việc….”!
Nếu nói rằng, học kinh tế để kiếm tiền làm giàu cho mình. Mà làm giàu cho mình chính là làm giàu cho đất nước. Điều đó thật tuyệt nhưng nó sẽ chẳng để làm gì khi không có sự thích thú hoặc không phải là sở trường của mình nhưng vẫn chọn vì mọi tiêu chuẩn của xã hội vốn đã thế.
Làm những gì mình muốn, học những gì mình thích có vẻ là cái gì đó quá xa xỉ và xa vời với nhiều người! Vì cái gì? Câu trả lời của tôi chỉ có thể là: “Vì tâm lý đã đè nặng quá nhiều, quá sâu vào mỗi người, kể cả các bậc làm cha làm mẹ, những người có thể tác động vào thế hệ trẻ khi hướng nghiệp”. Nào là, phải học kinh tế thì mới có thể làm kinh doanh, kiếm được nhiều tiền. Phải học những thứ trong những trường nổi tiếng mới có thể kiếm ra nhiều tiền trong tương lai. Thước đo sự thành công của con người chính là tiền! Cán cân của sự thành đạt trong xã hội là tiền.
Trong khi đó, ý nghĩa của những năm tháng thanh xuân là được làm những gì mình thích và khiến cuộc sống này vì ta mà tốt đẹp hơn. Và ai – những người đi trước sẽ là người nhận ra, ủng hộ, giúp đỡ những đứa trẻ mới bước vào cuộc sống như tôi lựa chọn những điều tôi thích nhưng họ không thích?
3. Tương lai của bạn hay của ai? Thành đạt hay thành tiền?
“Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho đến khi nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận cho những năm tháng đã sống hoài sống phí”! – Nikolai Ostrovsky. Vậy sẽ có bao nhiêu người dám từ bỏ những cái mình đang có vì không thích để theo đuổi niềm đam mê, ước mơ của mình?
Có rất nhiều cánh cửa và rất nhiều con đường để ta bước nhưng cái quan trọng có thể đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã hay không? Có đủ bản lĩnh để phân biệt được những cám dỗ xung quanh? Có bao giờ sợ rằng khi bắt đầu thì thời gian đã muộn với mình và không dám mơ ước tiếp bởi nghĩ rằng đó là những điều viển vông?