Dấu ấn Satya Nadella

Không ai có thể nhầm lẫn Tổng Giám đốc Satya Nadella với Steve Ballmer, người tiền nhiệm của ông tại Microsoft. Ballmer có dáng người to khỏe, tính tình ồn ào, sôi nổi, có chút tự mãn, trong khi Nadell lại là người có dáng thanh mảnh, nói chuyện từ tốn, thận trọng, lại hay trích dẫn lời của các nhà thơ, nhà triết học…

Nadella tin rằng sự phổ biến của phần mềm Microsoft sẽ tiếp tục mang lại quyền lực cho Tập đoàn.
Phong cách của Nadella có vẻ hơi cổ điển, nhưng nhà đầu tư lại thích. Bằng chứng là kể từ khi Nadella đảm nhận vị trí Tổng Giám đốc Microsoft hồi tháng 2 đến nay, cổ phiếu của Tập đoàn đã tăng khoảng 20%, đạt 43,08 USD/cổ phiếu (5/8/2014). Mức giá cao nhất đạt được là 44.53 USD/cổ phiếu trong phiên đóng cửa ngày 17/7, mức cao nhất kể từ tháng 4/2000.

Vào ngày đầu tiên giữ vị trí mới, Nadella cho biết ông đã lên kế hoạch tổ chức Microsoft sao cho tập đoàn này có thể phát triển mạnh trong một “thế giới di động và đám mây”.
Microsoft, ông vua của triều đại máy tính để bàn, đã bị soán ngôi trong cuộc cách mạng điện thoại thông minh. Nhưng Nadella vẫn tin rằng sự phổ biến của phần mềm Microsoft cả trong các hộ gia đình lẫn trong giới doanh nghiệp sẽ tiếp tục mang lại quyền lực lớn cho Tập đoàn.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, ông đã công bố báo cáo đầu tiên về tình hình tiến triển tại Microsoft thể hiện qua kết quả kinh doanh của quý kết thúc vào ngày 30/6/2014. Các con số cho thấy mảng đám mây là lực đỡ cho Microsoft.
Cụ thể, chi tiêu của doanh nghiệp vào các dịch vụ đám mây trong quý kết thúc vào tháng 6 cao hơn 147% so với cách đây một năm và đang ở vào mức 4,4 tỉ USD mỗi năm.
Dù mảng đám mây đang bắt đầu đơm hoa kết trái, nhưng mảng di động lại đang kìm hãm tập đoàn này. Thương vụ mua lại bộ phận thiết bị di động của Nokia càng làm tồi tệ hơn tình hình của Microsoft.
Thương vụ này dù đã được thỏa thuận xong hồi năm ngoái nhưng mới chỉ hoàn tất vào tháng 4 vừa qua. Nghĩa là khoảng thời gian bộ phận Nokia thực sự có đóng góp cho Tập đoàn chỉ được 2 tháng.
Trong khoảng thời gian 2 tháng gia nhập vào ngôi nhà mới Microsoft, bộ phận di động của Nokia đã đóng góp thêm 2 tỉ USD vào doanh thu, nhưng lấy đi 692 triệu USD khỏi lợi nhuận hoạt động của Microsoft.
Tổng doanh thu trong 3 tháng kết thúc vào tháng 6 là 23,4 tỉ USD, cao hơn so với dự báo của giới phân tích, nhưng “nhờ” Nokia, lãi ròng đã giảm 7% so với cách đây 1 năm, chỉ đạt 4,6 tỉ USD, tương đương mức thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS) là 55 cent.
Đối với mảng di động, Nadella đã có kế hoạch rõ ràng. Vào giữa tháng 7, ông đã nói rằng Microsoft sẽ cắt giảm 18.000 nhân viên (14% lực lượng lao động) trong năm tới. Phần lớn số bị cắt giảm là ở bộ phận di động Nokia.
Đồng thời, Microsoft sẽ tập trung nhiều hơn vào dòng điện thoại thông minh có giá rẻ hơn, vốn là phân khúc đang tăng trưởng nhanh nhất trên thị trường và sử dụng hệ điều hành Windows Phone (dù hệ điều hành này đang bị iOS của Apple và Android của Google bỏ xa). Một dòng điện thoại giá rẻ chạy trên hệ điều hành Android mà Nokia đã tung ra vào tháng 2 cũng sẽ được chuyển sang Windows Phone.
Nhìn về tương lai phía trước, Nadella đang đặt nhiều niềm tin vào cái mà ông gọi là “người sử dụng kép”, tức những người sử dụng công nghệ cả trong công việc lẫn trong đời sống cá nhân. Ông tin rằng Microsoft có thể cho những người sử dụng kép này phần mềm mà họ cần. Để làm được điều này, ông đã gộp một số nhóm kỹ sư thành một nhóm.
Việc phần mềm dành cho “người sử dụng kép” có chạy trên hệ điều hành Windows hay không giờ đây đối với Microsoft không quan trọng. Bởi lẽ, động thái đầu tiên của Nadella khi xuất hiện trước công chúng ở vị trí Tổng Giám đốc hồi tháng 3 là tung ra phần mềm Office dành cho iPad của Apple.
Dưới thời của Nadella, Microsoft dường như đã không còn “kiêu kỳ” về Windows nữa trong khi trước đây, trong con mắt của Ballmer, Windows là trung tâm vũ trụ và tất cả mọi thứ đều phải xoay quanh Windows.
Chắc chắn rằng Tập đoàn sẽ vẫn tiếp tục đẩy mạnh hệ điều hành Windows, không chỉ ở PC và ở các điện thoại do chính mình sản xuất. Các nhà điều hành của Microsoft vẫn rất hào hứng với chiếc Surface Pro 3, phiên bản mới nhất của chiếc Surface chạy hệ điều hành Windows dù chiếc máy tính bảng này đang cạnh tranh không mấy thành công.
Một vấn đề khác được giới phân tích quan tâm là kế hoạch cải tổ của Nadella đối với các lĩnh vực hoạt động. Nadella đã cam kết sẽ làm cho Microsoft trở nên tinh gọn hơn bằng cách giảm các tầng lớp quản lý cũng như cắt giảm lao động ở bộ phận di động Nokia, nhưng ông không cam kết sẽ giảm bớt các lĩnh vực hoạt động.
Ông vẫn giữ lại Xbox, mảng giải trí gia đình, mặc dù thừa nhận nó không phải là lĩnh vực cốt lõi. Theo ông, Xbox vẫn là một trong những thương hiệu tiêu dùng được ưa chuộng nhất.
“Nếu biết cách làm, Xbox có thể trở thành sản phẩm “đinh” cho phép Microsoft nắm bắt thế hệ người sử dụng tiếp theo”, ông viết trong một bản thông báo gửi cho nhân viên.
Nhìn lại, Microsoft thực ra đang bành trướng hơn là tinh gọn (vì có thêm bộ phận điện thoại). Một số chuyên gia phân tích cho rằng đó là động thái không mấy khôn ngoan.
Tuy nhiên, việc bành trướng hay tinh gọn có lẽ chưa thể bàn tới vào lúc này, vì xét cho cùng Microsft là một tập đoàn lớn, nên chuyện tái cấu trúc sẽ mất rất nhiều thời gian. Trước mắt Nadella phải lo cho xong khâu cắt giảm lao động rồi mới có thể tổ chức lại các bộ phận theo cách mà ông muốn.

Theo FT và Economist/DNSG