Thể hiện tự tin qua ngôn ngữ cơ thể

Sự tự tin trong môi trường làm việc góp phần đem tới cho bạn thành công trong công việc. Không chỉ được thể hiện qua lời nói, sự tự tin còn có thể được truyền tải qua những ngôn ngữ cơ thể như ánh mắt, cái bắt tay, trang phục bạn mặc…

Ảnh minh họa

Thông điệp cơ thể là thứ mà bạn không ngừng truyền đi tới những người xung quanh. Bởi thế, nếu truyền đi những thông điệp không phù hợp, bạn có thể gặp kết quả không mong muốn. Trái lại, những thông điệp phù hợp giúp bạn gặt hái thành công, và điều này hoàn toàn có thể có được thông qua việc rèn luyện.
Dưới đây là 10 thông điệp cơ thể truyền tải sự tự tin và tin tưởng ở công sở:

Ánh mắt
Theo bà Darlene Price, tác giả cuốn sách “Well Said! Presentations and Conversations That Get Rusults” về các bí quyết giao tiếp ở công sở, ánh mắt là công cụ đầu tiên để bạn thiết lập các kết nối không lời với những người xung quanh. 
“Ánh mắt truyền tải mức độ tham gia, mối quan tâm và sự ấm áp của bạn. Khi trao đổi với người khác, lý tưởng nhất là nhìn thẳng vào mắt họ ít nhất 2-3 giây trước khi nhìn đi chỗ khác hoặc chuyển ánh mắt sang người tiếp theo. Chỉ nhìn thoáng vào mắt một người trong vòng 1 giây đồng hồ hoặc ít hơn có thể truyền tải sự thiếu tin tưởng, lo lắng hoặc lảng tránh”, bà Price đưa ra lời khuyên.

Bắt tay
Giao tiếp thông qua sự tiếp xúc cơ thể là một ngôn ngữ cơ thể quan trọng khác. “Hãy luôn đưa tay ra để bắt tay. Một cái bắt tay tốt kinh điển là khi toàn bộ lòng bàn tay của bạn và người bắt tay với bạn áp vào nhau”, ông Patti Wood, một chuyên gia về ngôn ngữ cơ thể, khuyến nghị.
Trong kinh doanh, bắt tay thường là ngôn ngữ cơ thể duy nhất có sự tiếp xúc cơ thể. Bởi thế, việc bắt tay “chuẩn” là rất quan trọng. “Cái bắt tay tốt là khi toàn bộ hai lòng bàn tay áp chặt vừa phải và chắc chắn. Hãy rung tay 1-2 lần, cùng với đó nở nụ cười thân thiện và ánh mắt ấm áp. Tránh bắt tay hời hợt hoặc bắt quá chặt. Hãy chọn đúng điểm cân bằng để có được một cái bắt tay chặt vừa chuẩn để truyền tải sự tin tưởng mà vẫn phù hợp với độ chặt trong cái bắt tay của đối tác. Hãy đối xử công bằng với nam giới và phụ nữ khi bắt tay”, ông Wood nói.

Cử chỉ
Cử chỉ là chuyển động thể chất giúp bày tỏ ý tưởng, quan điểm hay cảm xúc của bạn. “Hãy cố gắng để có những cử chỉ tự nhiên, sống động và có mục đích. Hãy là chính mình và để cảm xúc của bạn phù hợp với thông điệp. Tránh những cử chỉ thái quá như chỉ trỏ, đứng ngồi không yên, gãi đầu gãi tai, nghịch tóc, vặn tay…”, bà Price đưa ra lời khuyên.

Ăn mặc
Theo chuyên gia Price, đối với cả nam giới và phụ nữ, ngôn ngữ mà trang phục truyền tải đều có trọng lượng như nhau trong môi trường công sở. Hãy đảm bảo rằng, cách ăn mặc đơn giản của bạn không phải là tùy tiện.
Việc chọn những sản phẩm quần áo chất lượng tốt, phù hợp vóc dáng truyền tài sự chuyên nghiệp. Tùy thuộc vào văn hóa doanh nghiệp của công ty, bạn nên mặc vest hoặc ít nhất là sơ mi lịch sự trong những cuộc họp quan trọng, nhất là khi có mặt cấp trên hoặc khách hàng. Tránh những món trang sức rườm rà, những họa tiết gây “nhức mắt”, những bộ trang phục quá bó hay cổ quá sâu. 
Hãy ăn mặc cho công việc mà bạn mong muốn, thay vì công việc mà bạn có. Nếu thăng tiến trong sự nghiệp là mục tiêu của bạn, hãy xuất hiện ở công sở với vẻ ngoài chuyên nghiệp và lịch sự.
Bên cạnh đó, nên sử dụng các sản phẩm kiểm soát tiết mồ hôi, tránh dùng nước hoa hoặc nước thơm đậm mùi, giữ hơi thở thơm tho, móng chân và móng tay sạch sẽ.

Dáng điệu
Dáng đứng thẳng, hai chân hơi chếch ra hai bên giúp bạn gửi đi một thông điệp về sự tự tin, quyền lực và năng lượng. Khi đứng hay ngồi, hãy tưởng tượng như đang có một sợi dây từ trần nhà buộc trên đầu bạn và kéo nhẹ lên phía trên. Hãy cân bằng trọng lượng cơ thể, chân đặt vững trên sàn nhà, cánh tay và bàn tay đặt ở vị trí dễ nhìn, thư giãn và không khoanh tay.
“Dáng điệu tốt tạo ra một sự hiện diện quyền lực và chủ động của bạn, cũng như thái độ lãnh đạo. Ngược lại, dáng điệu dở cho người khác thấy bạn thiếu niềm tin cũng như mức năng lượng thấp”, bà Price nói.

Trạng thái biểu cảm khuôn mặt
“Mỗi một cảm xúc trong số 7 cảm xúc cơ bản của con người (giận giữ, khinh miệt, chán ghét, sợ hãi, vui vẻ, buồn và ngạc nhiên) đều đã được khoa học chứng minh là có một trạng thái biểu cảm trên khuôn mặt đi kèm. Vì các trạng thái biểu cảm khuôn mặt của bạn gắn chặt với cảm xúc, chúng thường xuất hiện một cách không có chủ ý”, bà Price cho biết.
Hãy hình dung ra một thông điệp sai lầm mà bạn gửi đi trên khuôn mặt mang vẻ sợ hãi đăm chiêu khi miêu tả về những tác dụng tốt cho sự sống của một sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới. “Hãy nhận thức rõ về những gì mà khuôn mặt của bạn đang thể hiện trước người đối diện và chọn cách biểu cảm phù hợp với thông điệp mà bạn muốn gửi đi”, bà Price nói.
“Chẳng hạn, nếu bạn muốn truyền tải sự hăng hái và năng lượng, hãy để khuôn mặt của mình trở nên sống động hơn. Hãy tập luyện trước gương cho tới khi bạn cảm thấy tự nhiên nhất. Để cho thấy bạn đang chú ý khi nghe người khác nói, hãy mỉm cười nhẹ, thi thoảng gật đầu, và giữ liên lạc bằng ánh mắt”.

Khởi động sự tương tác
“Hãy là người đầu tiên tương tác bằng ánh mắt trong mỗi cuộc trò chuyện, chủ động đưa tay ra để bắt tay, đưa ra ý tưởng hoặc giải pháp, đi vào phòng và thực hiện cuộc gọi”, ông Wood nói. “Bạn chỉ nên đợi và đi sau cùng khi bạn đang ngồi trong phòng sếp tổng và đã sẵn sàng để nghỉ hưu”.

Cách nói
Nhiều khi, thông điệp không nằm trong lời nói mà nằm trong cách nói, bao gồm giọng nói, tốc độ nói, gián đoạn, ngữ điệu, cách phát âm, những đoạn nhấn mạnh… Cũng giống như biểu cảm khuôn mặt, việc chọn một cách nói phù hợp đóng vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó truyền tải những ý nghĩa cảm xúc, thái độ và ảnh hưởng. Hãy cân nhắc ghi âm lại một vài cuộc hội thoại của bạn trong ngày, nghe lại và đánh giá cách nói của bạn xem đã phù hợp chưa.

Sự chú ý
Theo bà Price, khi nói chuyện với một người nào đó, hãy hướng các ngón chân và vai của bạn về phía họ. “Cách này thể hiện sự chú ý và tạo ra một ngôn ngữ cơ thể cởi mở”. Tránh tạo góc giữa cơ thể của bạn với người đối diện. Tập trung vào cuộc nói chuyện bằng ánh mắt, tai và năng lượng của bạn. “Những biểu hiện này truyền tải sự tôn trọng và đánh giá cao đối với cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với người đối diện. Đừng khoanh tay và bắt chéo chân. 
Bên cạnh đó, tránh làm nhiều việc cùng lúc khi trò chuyện như kiểm tra email, điện thoại, gửi tin nhắn… Những việc đó cho thấy sự thiếu quan tâm và tôn trọng”.

Đáp lại ngôn ngữ cơ thể của người khác
Khi chỉ đạo một cuộc họp, phát biểu trước nhóm, hoặc tương tác giữa hai người, hãy chú ý tới ngôn ngữ cơ thể và ngữ điệu của người đối diện. “Hãy nghe bằng ánh mặt của bạn. Những ngôn ngữ cơ thể của họ có thể cho bạn biết khi họ muốn: đặt câu hỏi, nói gì đó, nhất trí hoặc bất đồng, cần nghỉ, muốn được giải thích, hoặc có phản ứng cảm giác”, bà Price nói. 
Bằng cách đáp lại phù hợp các ngôn ngữ cơ thể của người khác, bạn không chỉ thể hiện sự tự tin vào bản thân, mức độ thấu cảm, nhạy cảm và quan tâm tới họ, theo đó xây dựng niềm tin.