Công tác xã hội là một công việc còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhiều bạn sinh viên học ngành này còn không biết khi ra trường mình sẽ làm công việc cụ thể ra sao? Những đơn vị nào tuyển nhân viên công tác xã hội?…
Ảnh minh họa
Không lo khó kiếm việc
Tại hội thảo “Định hướng nghề công tác xã hội” do Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức mới đây, rất nhiều sinh viên ngành Công tác xã hội (CTXH)bày tỏ lo lắng của bản thân về vấn đề tìm việc làm sau khi ra trường.
Trang, một sinh viên ngành CTXH của ĐH Mở TPHCM cho biết: “Em cũng chưa biết ngành của mình thì khi ra trường có đơn vị nào nhận không. Hiện nay sinh viên các ngành xã hội khó kiếm việc quá, nhiều ngành có mã ngành nghề hẳn hoi và phổ biến như báo chí, xã hội học còn khó kiếm việc nữa là ngành của em. Nhiều lúc người thân hỏi học ngành CTXH ra trường làm gì em cũng không biết nói sao nữa”.
Phát biểu tại hội thảo, Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hiền, phụ trách khoa Xã hội học – CTXH – Đông Nam Á học, Trường ĐH Mở TPHCM khẳng định đó là lo lắng của không ít sinh viên theo học ngành CTXH tại Trường ĐH Mở TPHCM cũng như các trường ĐH khác trên địa bàn TPHCM.
Tuy nhiên, ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động – Thương binh & Xã hội TPHCM) trấn an các sinh viên CTXH không nên quá lo lắng vì nhu cầu của ngành này hiện nay rất cao và trong tương lai còn lớn hơn nữa.
Ông Giang cho biết: “Với định hướng chăm lo an sinh xã hội là mục tiêu hàng đầu của TP thì TPHCM là địa bàn sử dụng nhân lực ngành này rất cao. Thành phố cũng như nhiều tỉnh thành khác cũng đang ráo riết triển khai Đề án phát triển nghề CTXH của Chính phủ nên nhu cầu nhân lực ngành này trong tương lai càng cao hơn nữa”.
Theo ông Giang, hiện chỉ riêng các cơ sở bảo trợ xã hội trực thuộc Sở đã có hơn 40 đơn vị, các cơ sở ngoài công lập là hơn 60 đơn vị. Đó là chưa kể mạng lưới các cơ sở công tác xã hội của các sở ngành, địa phương, trường học, cơ sở y tế, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội trong nước, các cơ quan đoàn thể… Đây là đều những đơn vị mà nhân viên CTXH có thể làm việc, phát triển nghề nghiệp.
Đam mê và chịu khó
Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương lai thì cho các em sinh viên tham gia hội thảo một lời khuyên: “Ngoài rèn luyện năng lực bản thân, là sinh viên CTXH các em cần phải biết làm tình nguyện và thực tập tại các tổ chức xã hội để lấy kinh nghiệm. Rất nhiều cơ hội việc làm đến với sinh viên CTXH chính là từ những công việc thực tập và các tổ chức xã hội thì luôn sẵn sàng đón nhận sinh viên thực tập”.
Thạc sĩ Lê Thị Mỹ Hiền cũng đồng tình với ý kiến này. Bà Hiền cho biết ĐH Mở TPHCM cũng đã từng làm 1 cuộc khảo sát trong 98 sinh viên CHTX ra trường và có việc làm cho thấy: 57% số sinh viên này đã có việc làm chắc chắn trước khi tốt nghiệp, chủ yếu là từ những cơ hội thực tập tại các cơ sở xã hội.
Ông Trương Công Bình, cán bộ UNICEF thì cho là sinh viên CTXH phải có 2 yếu tố là đam mê và chịu khó. Bởi bản chất của nghề này là hỗ trợ để giải quyết các vấn đề của xã hội, nếu không có đam mê thì rất khó làm việc. Đặc biệt, trong giai đoạn khởi đầu nghề nghiệp thì sinh viên ngành này phải làm việc rất gian khổ với những công việc cực nhọc, có thể là nguy hiểm mà thu nhập không cao, nếu không chịu khó rất khó đeo đuổi nghề.
Còn bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, cán bộ tổ chức Worldwide Orphans Foundation tại Việt Nam (Quỹ Trẻ em Mồ côi Quốc tế – WWO) thì khuyên sinh viên CTXH trong thời gian ở trường học phải tham gia tình nguyện ở nhiều lĩnh vực đề tìm kiếm lĩnh vực phù hợp với khả năng và sở thích của mình, định hướng phát triển nghề nghiệp sau này. Bà cho rằng: “Có bạn thì thích trẻ em, có bạn thích lĩnh vực giáo dục, có bạn lại phù hợp làm việc với người già, thanh thiếu niên… CTXH rất rộng, cần chính các em tìm hiểu công việc phù hợp với bản thân mình. Có vậy thì tương lai phát triển nghề nghiệp của mình mới thuận lợi”.