Văn hóa “làm hài lòng khách hàng”

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một cuộc hành trình dài, là một bài toán khó rất cần lời giải linh hoạt từ phía các doanh nghiệp…


Nhân viên tươi cười khi bán hàng sẽ gây được thiện cảm với khách hàng (ảnh minh họa)

Khi “thượng đế” phải bỏ tiền mua dịch vụ
Hết rồi cái thời bao cấp ngày xưa, khi khách hàng phải tìm đến doanh nghiệp, tìm kiếm dịch vụ, bỏ tiền túi ra “mua vào mình” những bực dọc từ thói hách dịch, cửa quyền, thái độ phục vụ kém cỏi của nhân viên bán hàng. Khi đó, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa đến người tiêu dùng theo kiểu phân phối.
Thời kinh tế mở, dịch vụ bán hàng được coi trọng, được hoàn thiện, phát triển để phục vụ khách hàng một cách hiệu quả nhất. Bởi, các nhà quản lý doanh nghiệp đều hiểu rằng, nếu không có dịch vụ trước và sau bán hàng tốt, khách hàng chỉ tìm đến một lần, rồi một đi không trở lại, điều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ sớm lụi tàn.

Cạnh tranh về chất lượng dịch vụ cũng đồng thời trở thành cuộc đua củng cố, phát triển văn hóa doanh nghiệp. Vì, một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa tốt, sẽ cho ra đời những sản phẩm hàng hóa tốt, dịch vụ trước và sau bán hàng tốt. Một doanh nghiệp chưa xây dựng được nền tảng văn hóa, chế độ đãi ngộ thấp, đời sống CBCNV không được đảm bảo, chắc chắn doanh nghiệp đó sẽ không thể có đội ngũ nhân viên nhiệt huyết, sáng tạo, yêu nghề, biết chăm sóc, duy trì lượng khách hàng, để tăng hiệu suất công việc, tăng doanh thu và lợi nhuận.

Văn hóa “làm hài lòng khách hàng”
Nhận được sự hài lòng của các đối tượng khách hàng luôn là thách thức đối với doanh nghiệp. Hoàn thiện, phát triển dịch vụ bán hàng cũng chính là một trong những cách nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững.

Có câu chuyện “thật như đùa” về một doanh nghiệp: Khi thấy khách hàng cứ lần lượt “ra đi”, sếp của một doanh nghiệp nọ không thể lý giải nổi tại sao sản phẩm của họ tốt, công ty có nhiều nhân lực tài giỏi nhưng vẫn không giữ được chân khách hàng. Đích thân vi hành, ông mới thấy một điều khác lạ từ nhân viên công ty mình là hầu như họ “không biết cười” khi thực hiện giao dịch. Sau đó, ông lên kế hoạch đào tạo nhân viên “phải biết cười”, nếu nhân viên nào không cười khi thực hiện giao dịch sẽ bị sa thải. Sau những ngày tháng nghiêm túc “tập cười”, dịch vụ bán hàng của công ty tốt hơn hẳn, có nhiều phản hồi tích cực từ phía khách hàng, số hợp đồng nhiều hơn, lợi nhuận của công ty vì thế cũng tăng đáng kể.

Từ câu chuyện trên, có thể nhận thấy doanh nghiệp muốn phát triển, ngoài sản phẩm, nhân lực tốt còn phải biết làm hài lòng khách hàng thông qua chất lượng dịch vụ bán hàng. Ngoài tài năng, tay nghề, người lao động cần có cái tâm cống hiến, luôn ý thức làm hài lòng khách hàng.

Cuộc đua phát triển dịch vụ, thu hút khách hàng, giành thị phần tiêu thụ, luôn là một bài toán khó. Chỉ có những doanh nghiệp biết đặt lợi ích của người tiêu dùng lên trên tất cả, xây dựng và thực thi tốt văn hóa doanh nghiệp mới có khả năng trường tồn..