Xanh là tiền, sạch là bạc

Phát triển xanh không chỉ mang lại những giá trị về thương hiệu mà đang trực tiếp tạo ra tăng trưởng doanh thu.
Ảnh minh họa
Xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng chiếm ưu thế khi người tiêu dùng trên khắp thế giới đang ủng hộ những công ty biết tích cực chia sẻ lợi ích với cộng đồng, đặc biệt là những giá trị bảo vệ môi trường sống.

Những tác hại xấu đến môi trường làm ảnh hưởng chung đến cả nhân loại, từ các khu rừng nhiệt đới bị hủy hoại, băng tan, từ nhiều người sống không có điện cho tới thực phẩm và tình trạng khan hiếm nước. Hiện trạng này đòi hỏi phải có sự thay đổi triệt để ở nhiều khía cạnh, từ cách sản xuất và tiêu thụ cũng như các giá trị cấu trúc nền tảng của xã hội.
Các thương hiệu lớn, có quy mô sản xuất lớn và tầm ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng nhận ngọn cờ tiên phong trong những nỗ lực này. Theo Interbrand, trong thập kỷ tới, những công ty đầu tư vào các sáng kiến cải thiện và bảo vệ môi trường sống sẽ có những lợi thế cạnh tranh đặc biệt.
Tạp chí Fortune mới công bố 50 Thương hiệu xanh tốt nhất toàn cầu (Best Global Green Brands) thông qua các khảo sát được tiến hành với sự kết hợp của Công ty Tư vấn Deloitte và Interbrand. Danh sách này lần đầu tiên công bố vào năm 2011 cùng báo cáo thường niên Best Global Brands của Interbrand, trong đó xếp hạng 100 thương hiệu có giá trị nhất trên thế giới.
Năm nay, 50 công ty trong danh sách Best Global Green Brands đã được xếp hạng theo hai cách: các sáng kiến phát triển bền vững và nhận thức của người tiêu dùng về những nỗ lực này của các công ty.
Cụ thể, Deloitte đo lường mức độ và hiệu quả của các nỗ lực hành động vì môi trường của các công ty. Sau đó, Interbrand sẽ khảo sát người tiêu dùng cảm nhận như thế nào về những nỗ lực này của các thương hiệu. Khảo sát được tiến hành với 10.000 người ở các nước có GDP lớn nhất để đo độ “cảm nhận xanh” của mỗi thương hiệu.
Điều gây ngạc nhiên trong danh sách năm nay là Ford thay thế Toyota ở vị trí số 1. Triết lý phát triển bền vững thực sự được Ford ứng dụng hiệu quả trong kinh doanh. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, tổng lượng nước được sử dụng tại các nhà máy của Ford trên toàn thế giới giảm từ 64 triệu m3 xuống còn 25 triệu m3 mỗi năm.
Hãng này cũng phát triển 7 dòng xe chạy điện, gồm 6 mẫu xe lai và 1 mẫu Focus Electric – xe điện sử dụng “pin tinh khiết”. Hai thương hiệu tăng hạng nhiều nhất trong năm nay là IKEA (số 19) và Zara (số 34). IKEA hợp tác với Nissan (5) để xây dựng các trạm sạc xe điện cho khách hàng ở tất cả các cửa hàng tại Anh.
IKEA là một trong những nhà bán lẻ lớn đầu tiên cung cấp trạm sạc điện cho khách hàng. Trước đó, hãng nội thất của “tỷ phú hà tiện” Ingvar Kamprad này đặt ra mục tiêu giảm được 50% mức năng lượng tiêu thụ và lượng nước dùng sản xuất sản phẩm vào năm 2015.
IKEA cũng muốn thương hiệu của mình phải bao hàm cả giá trị đạo đức, điều đó được khẳng định bằng những vật liệu mà họ sử dụng và lực lượng lao động đáp ứng quy định sản xuất bền vững và các điều lệ quốc tế…
Trong khi đó, hãng bán lẻ Tây Ban Nha Zara cam kết thực hiện các hoạt động bền vững thông qua nhiều hoạt động, từ giới thiệu chính sách quản lý chất thải, sử dụng bông hữu cơ và các loại vải sinh thái đến giáo dục nhân viên về hoạt động bền vững. Mục tiêu đến năm 2020, tất cả các cửa hàng hiện tại của Zara trên toàn thế giới đạt 100% hiệu quả sinh thái.
Hơn ai hết, Zara hiểu rõ giá trị của các sản phẩm thân thiện với môi trường sau khi Tổ chức Greenpeace chỉ mặt các thương hiệu nổi tiếng như: Emporio Armani, Mango, Zara, Gap, Victorias Secret, Levis, Calvin Klein và Benetton… phát hiện có chất độc hại trong sản phẩm. Zara hứa hẹn bằng mọi giá sẽ loại bỏ tất cả các hóa chất độc hại được sử dụng trong các sản phẩm quần áo của Hãng đến năm 2020.
“Ngày càng có nhiều công ty xem xét mục đích xã hội và quyền lợi của người tiêu dùng như là một phần trong việc xây dựng các giá trị kinh doanh cốt lõi. Vì sao? Vì nó sẽ giúp thúc đẩy bán hàng”, Jez Frampton, Giám đốc Điều hành Toàn cầu của Interbrand, cho biết.
Trung tâm Nghiên cứu thị trường bán lẻ châu Âu dự đoán, doanh thu mà các thương hiệu này tạo ra tăng từ 10,3 tỷ euro (tương đương 12,6 tỷ USD) tại thời điểm năm 2000 lên 56 tỷ euro trong năm 2009 và ước đạt 114 tỷ euro vào năm 2015, tương đương khoảng 5% tổng doanh thu thị trường bán lẻ.

Theo DNSG