Không tin tưởng nhân viên, trút giận lên đầu cấp dưới, hứa mà không làm… là một vài trong số những sai lầm lớn nhất mà các nhà quản lý thường mắc phải.
Ảnh minh họa
Các nhà quản lý, nhất là những người mới, đôi khi không được chuẩn bị kỹ lưỡng cho vai trò làm sếp vì đã quen với vai trò là một cá nhân đóng góp thay vì chịu trách nhiệm về những người khác. Bởi thế, sai lầm là điều không thể tránh khỏi.
Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, những kỹ năng khó nhất trong công việc cũng như trong cuộc sống là làm việc với người khác, bởi ai cũng có những động cơ và quan điểm khác nhau về mọi việc. Là một nhà quản lý, công việc của bạn là hướng cấp dưới vào công việc, đảm bảo rằng nhân viên nào cũng biết trách nhiệm của mình và hoàn thành nhiệm vụ đúng thời hạn. Cấp trên của bạn sẽ chỉ trích bạn nếu có vấn đề xảy ra, cho dù đó là lỗi do cấp dưới của bạn gây ra. Nếu bạn không thực hiện đúng những chức năng của một nhà quản lý, thì không chỉ bạn sẽ gặp rắc rối, mà ngay cả công ty của bạn cũng sẽ chịu ảnh hưởng.
Dưới đây là những sai lầm lớn nhất mà các nhà quản lý thường hay gặp phải:
1. Không tin tưởng nhân viên sẽ làm được việc
Một vài nhà quản lý không tin tưởng ở nhân viên của mình nên họ ôm đồm cả những công việc mà lẽ ra phải giao cho nhân viên làm. Cách này không hiệu quả vì họ không có đủ thời gian để làm hết mọi thứ. Và một khi sếp làm việc của nhân viên, sếp sẽ bị xao nhãng và không thể hoàn thành nhiệm vụ của chính sếp. Nếu nhà quản lý đi vào con đường quản lý vi mô, nhân viên cấp dưới sẽ không học hỏi và phát triển được các kỹ năng để có thể làm tốt hơn, làm nhiều hơn và độc lập hơn.
2. Ít hướng dẫn nhân viên
Là sếp, bạn cần đặt ra các kỳ vọng với nhân viên và giải thích đích xác họ phải đạt được những gì. Bằng cách này, nhân viên sẽ không phải hỏi bạn nhiều cân hỏi và tin tưởng hơn vào sếp. Nhà quản lý càng hướng dẫn tỉ mỉ khi bắt đầu công việc bao nhiêu, thì sẽ càng tiết kiệm được thời gian về sau bấy nhiêu. Các nhân viên đều cần biết hướng đi nói chung của dự án, những mục tiêu, và cách làm thế nào để đạt kết quả.
3. Trút giận lên đầu cấp dưới
Nhiều nhân viên phàn nàn rằng họ phải “giơ đầu chịu báng” mỗi khi sếp giận dữ. Nếu sếp có một ngày tồi tệ và sếp bực mình, sếp sẽ tỏ thái độ và nhân viên phải chịu. Nhưng điều mà các nhà quản lý cần làm khi có chuyện không vui là giữ bình tĩnh vì trước các nhân viên, thái độ của sếp là sự phản ánh không chỉ về con người sếp mà còn cả về công ty. Mọi chuyện không phải lúc nào cũng như ý và nhà quản lý cần hiểu điều đó khi quản lý con người.
4. Đưa ra những lời hứa nhưng không thể thực hiện
Nếu bạn là sếp, bạn nói với một nhân viên là anh/cô ấy sẽ được tăng lương, thăng chức hoặc được thưởng, rồi không bao giờ thực hiện, hình ảnh của bạn sẽ xấu đi và nhân viên sẽ mất niềm tin ở bạn. Nhiều nhà quản lý đưa ra những lời hứa chỉ vì một nỗi lo sợ nào đó. Chẳng hạn, khi lo nhân viên giỏi sẽ chuyển đi mất, họ ngay lập tức đưa ra lời hứa về những ưu đãi thậm chí không tồn tại. Nếu đã hứa với ai đó điều gì, nhà quản lý cần chắc chắn là có thể thực hiện.
5. Không sẵn sàng giúp đỡ nhân viên muốn dịch chuyển
Trong nền kinh tế hiện nay, mọi người không muốn làm một công việc cả đời mà muốn dịch chuyển để thu thập những kinh nghiệm mới. Nhiều nhà quản lý không ủng hộ những nhân viên có mong muốn dịch chuyển và làm mọi thứ trong khả năng quyền lực của mình để cản trở những cơ hội dịch chuyển của nhân viên, thậm chí ngay trong cùng công ty. Các sếp cần hiểu rằng, lợi ích cao nhất của sếp không phải lúc nào cũng là lợi ích cao nhất của nhân viên. Rất có thể, kiểu gì những nhân viên muốn di chuyển cũng sẽ ra đi, cho dù sếp có cản trở họ thế nào. Vì vậy, tốt hơn hết, nhà quản lý không nên cản trở những nhân viên như vậy để duy trì mối quan hệ.
6. Ích kỷ và nhận hết mọi thành tích về mình
Các nhà quản lý thường có xu hướng muốn nhận nhiều công trạng hơn những gì họ xứng đáng được nhận. Chẳng hạn, họ “dán” tên của mình lên những bài thuyết trình mà nhân viên chuẩn bị. Thay vì sự ích kỷ, nhà quản lý sẽ mang một hình ảnh tốt đẹp hơn trong mắt nhân viên nếu chia sẻ thành tích và đề cao những nhân viên đã hoàn thành dự án cho mình. Bằng cách chia sẻ thành tích, nhà quản lý sẽ gây được ấn tượng tích cực hơn với cấp cao hơn, còn nhân viên sẽ làm việc cho họ tích cực hơn.