Từ năm 2013, Ngân hàng Thế giới hằng năm đều công bố nghiên cứu đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh các nước. Từ bảng xếp hạng năm 2014, tuần qua lại nổi lên một câu hỏi: hình như Việt Nam là trường hợp đặc biệt?
Ảnh minh họa
Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh 2014 của Ngân hàng Thế giới đã được công bố từ cuối năm 2013. Ngày 21/7 vừa qua, Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã tổ chức cuộc hội thảo về xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Tại đây, chuyên gia Olin McGill của USAID đã nêu một vấn đề mới: thu nhập của Việt Nam quá thấp so với các nước có hạng tương đương về môi trường kinh doanh.
Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 99 trong 189 nền kinh tế có tên trong bảng xếp hạng. Nếu xét nhóm các nước hạng từ 91 đến 120, bình quân thu nhập đầu người (GNI) của nhóm là 7.545 USD/người, nhưng của Việt Nam chỉ là 1.400 USD/người!
Một câu hỏi là: tại sao cùng hạng mà thu nhập của chúng ta quá thấp? Hay câu hỏi ngược lại là: tại sao chúng ta thu nhập quá thấp mà xếp hạng lại ngang được họ? Và hai yếu tố này có liên quan gì đến nhau? Chúng ta hãy cùng lý giải một số yếu tố sau.
Vừa đá bóng vừa thổi còi
Ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới là nhà tài trợ lớn, có lẽ là lớn nhất, cho các chương trình cải cách chính sách. Uy tín cao đến mức một số nước còn tin tưởng dùng kênh thông qua Ngân hàng Thế giới để tài trợ cho Việt Nam.
Tuy nhiên cũng chính Ngân hàng Thế giới là tổ chức hằng năm thực hiện bảng xếp hạng môi trường kinh doanh. Điều gì xảy ra nếu môi trường kinh doanh của Việt Nam xuống hạng? Ai đó sẽ hỏi: bao nhiêu tiền của hỗ trợ, bao nhiêu nỗ lực như vậy, mà kết quả như vậy?
Cho nên cũng không có gì lạ khi thấy từ năm 2007 đến nay, bất kể khó khăn kinh tế đến đâu thì điểm môi trường kinh doanh của Việt Nam vẫn đều đặn thăng tiến.
Hãy hình dung một cuộc thi thể thao, huấn luyện viên cũng đồng thời là trọng tài. Hay một cuộc thi hoa hậu, ông bầu cũng đồng thời là giám khảo. Chắc là kết quả phải tốt, trừ khi mối quan hệ giữa ông bầu và hoa hậu trở nên cực xấu.
Trước đây, các công ty kiểm toán vẫn tồn tại việc vừa tư vấn kế toán vừa kiểm toán. Nghĩa là vừa làm vừa tự đánh giá kết quả. Các công ty thông báo mình có chính sách tường lửa (còn gọi là Chinese Wall) để ngăn cách hai bộ phận này.
Tuy nhiên, các chính phủ đã mạnh tay sau vụ bê bối tài chính của Tập đoàn Enron năm 2001, kéo theo sự sụp đổ của Arthur Andersen, một trong năm nhà khổng lồ về kiểm toán trên thế giới. Việc một công ty vừa tư vấn kế toán vừa thực hiện kiểm toán đã bị cấm hẳn.
Những hạn chế trong đánh giá
Cách lý giải thứ hai không thuộc về ông bầu mà về hoa hậu. Việt Nam vốn giỏi về luyện thi, lại đã tham gia bảng xếp hạng này gần chục năm nay, chắc hẳn biết rõ cách đạt điểm cao trong các tiêu chí cần thiết.
Đồng thời, các con số thống kê của Việt Nam khi ở trong nước thì thường xuyên bị đặt dấu hỏi về sai lệch. Nhưng khi được các tổ chức quốc tế dùng để tính toán và đánh giá và mang kết quả quay trở lại Việt Nam thì chúng ta lại hồ hởi đón nhận như hàng cao cấp.
Tại hội thảo ngày 21/7, một số chuyên gia đã nói về việc tuy môi trường kinh doanh đứng hạng 99, nghĩa là trên trung bình của thế giới, nhưng nhiều chỉ số cạnh tranh không tốt, nhiều hạn chế của nền kinh tế không được nhìn nhận đúng.
Việc đánh giá dựa vào ý kiến chuyên gia cũng là một điều hạn chế. Cho dù các chuyên gia rất giỏi và công tâm đến đâu, cũng khó có thể hiểu thực tế bằng doanh nghiệp, như một số ví dụ dưới đây.
Chính sách và thực tiễn
Ngân hàng Thế giới đã có nỗ lực rất lớn để đo đếm những yếu tố khó đo đếm. Chỉ nhìn vào những gì đo đếm được trên lý thuyết thì hình như Việt Nam đang làm rất tốt. Theo nghiên cứu của chương trình xếp hạng môi trường kinh doanh, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã làm được 12 điểm cải thiện và chỉ bị một điểm lùi.
Tuy nhiên chính sách nào cũng phải gồm hai phần: ban hành và thực thi. Những quy định trên giấy tờ chỉ là một nửa, có khi nhỏ hơn một nửa, và có khi trái ngược.
Một ví dụ, các doanh nghiệp đều biết trong những năm qua khốn khổ thế nào với vay vốn.
Trong số các nước cùng nhóm tương đương về môi trường kinh doanh, Việt Nam đứng dưới đáy về thu nhập bình quân đầu người. Bảng này bỏ qua Kuwait và Malta vì tuy cùng nhóm nhưng thu nhập quá cao. (Nguồn: WorldBank)
Môi trường kinh doanh của Việt Nam luôn “trên trung bình” và liên tục cải thiện. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam luôn “dưới trung bình” và có xu hướng tụt hạng. (Nguồn: WorldBank và Diễn đàn Kinh tế Thế giới)
Tuy nhiên trong công bố xếp hạng, tiêu chí tiếp cận tín dụng lại là một điểm sáng của Việt Nam, luôn đứng cao và cải thiện. Cụ thể, về tiếp cận tín dụng, năm nay Việt Nam đạt 75 điểm DTF (distant to frontier – khoảng cách đến hàng đầu). Nghĩa là chỉ cách nước đứng đầu thế giới 25 điểm phần trăm.
Một ví dụ khác, ai cũng biết việc được cấp giấy chứng nhận sở hữu bất động sản gian nan như thế nào. Tuy nhiên về mặt này Việt Nam được xếp hạng rất cao, đạt 83 điểm DTF. Nghĩa là chỉ còn thiếu 13 điểm phần trăm là ngang với nước đứng đầu thế giới.
Cụ thể, theo nghiên cứu được công bố, tiến trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ mất 2-4 tuần và chỉ tốn 100 ngàn đồng!
Nên nhìn thẳng vào vấn đề
Chính những bảng xếp hạng như xếp hạng môi trường kinh doanh góp phần làm chúng ta ảo tưởng về vị trí của mình. Trong số 10 quốc gia có thu nhập đầu người tương đương với Việt Nam, môi trường kinh doanh của chúng ta tốt thứ 3 (xếp hạng 99 so với bình quân hạng 117 của nhóm).
Ghi chú: Vị trí trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của 10 nước có GNI đầu người gần tương đương Việt Nam (Nguồn: WorldBank)
Chẳng mấy ai bận tâm giải thích xem tại sao trong xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, vị trí của Việt Nam luôn được cải thiện, nhưng trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam lại luôn có xu hướng tụt hạng?
Chúng ta thích được khen. Chúng ta không thích bị chê. Chúng ta thích tảng lờ những bảng xếp hạng như “cảm nhận tham nhũng” của Tổ chức Minh bạch Thế giới, hay cú sốc tháng 6-2014 khi ông Simon Anholt xếp Việt Nam hạng 124/125 trong bảng đánh giá quốc gia đóng góp gì cho nhân loại.
Có năm một cơ quan trong nước làm đối tác với Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã phải giải trình: tham gia khảo sát thế nào mà để cho năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt hạng? Thậm chí đã có đề xuất Việt Nam tự xây dựng bộ chỉ số cạnh tranh của riêng mình. Nếu một mình một chợ, thì lo gì phải so hạng cao thấp với ai!
Cho đến cuối năm 2013, trong hội thảo bàn về năng lực cạnh tranh do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, đây là một hội thảo hiếm hoi các chuyên gia nói thẳng: thế giới xếp hạng Việt Nam rất thấp. Cũng tại hội thảo này, bà Phạm Chi Lan thẳng thắn đề nghị bỏ đi ý tưởng xây dựng bộ chỉ số cạnh tranh của riêng Việt Nam.
…
Trở lại với cách đặt vấn đề của chuyên gia Olin McGill, bài viết này muốn hướng đến những so sánh thẳng thắn và lý giải tại sao môi trường kinh doanh của chúng ta quá tốt, hay thu nhập của chúng ta quá thấp.
Cũng như chúng ta muốn công nhận thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đứng thứ 170 trên thế giới, hay muốn nói chỉ số hạnh phúc thuộc nhóm đứng đầu thế giới.
Theo Trường Kinh doanh PACE/DNSGCT