ACB có trên 2.600 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn

Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/6 của ACB đã tăng lên 3,65% tổng dư nợ, so với tỉ lệ 3,03% của thời điểm 31/12/2013. Đáng lo ngại là nợ có khả năng mất vốn tăng tới 23,3% lên 2.616,4 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 64,8% tổng nợ xấu ACB).

Dự phòng rủi ro tín dụng đã kéo lãi ACB giảm 20% so với cùng kỳ mặc dù lợi nhuận thuần trước dự phòng tăng gần 9%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2014 với lợi nhuận sau thuế sụt giảm 21,1% so với quý II/2013, đạt mức 323,26 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, ACB lãi 573,3 tỷ đồng, bằng xấp xỉ 80% cùng kỳ.
Nguyên nhân khiến mức lãi của ACB sụt giảm khá mạnh chủ yếu do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng. Quý II, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của ACB tăng gấp 6,2 lần so với quý II/2013 lên mức 354,1 tỷ đồng. Sáu tháng, con số này là 578,7 tỷ đồng, tăng 123,5% cùng kỳ.
So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ACB đạt 3,32%. Tổng dư nợ tín dụng tại ngày 30/6 đạt 110.751,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, cùng với đó, tổng nợ xấu cũng tăng mạnh 24,5%.
Theo đó, tổng nợ xấu của ACB (bao gồm nợ nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5) tại thời điểm cuối quý II ở mức 4.037,3 tỷ đồng. Trong khi nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 7,3% thì nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 50,9%. Đáng lo ngại là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng tới 23,3% lên 2.616,4 tỷ đồng (chiếm tỉ lệ 64,8% tổng nợ xấu ACB).
Tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/6 của ACB đã tăng lên 3,65% tổng dư nợ tín dụng, so với tỉ lệ 3,03% của thời điểm 31/12/2013. Như vậy, với tỷ lệ nợ xấu hiện tại, ACB nằm trong diện các ngân hàng buộc phải bán nợ xấu cho Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) do có tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tín dụng vượt 3%.
Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh vẫn cho thấy, thu nhập lãi thuần tăng 1,15% so với 6 tháng 2013, đạt 2.422,8 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh gần 13%, đạt 319,7 tỷ đồng. 
Hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trong 6 tháng đầu năm của ACB ghi nhận lãi thuần gần 94 tỷ đồng so với mức lỗ thuần 53,7 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 25,2% lên 103,4 tỷ đồng. Hoạt động khác có lãi thuần 50,84 tỷ đồng so với mức lỗ thuần 2,9 tỷ đồng cùng kỳ 2013.
Trước dự phòng, ACB có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 1.309,26 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ, song khoản dự phòng tăng mạnh đã khiến tổng lợi nhuận trước thuế của ACB giảm còn 730,5 tỷ đồng, bằng 77,25% nửa đầu năm 2013.
Tại ngày 30/6/2014, ACB vẫn đang ghi nhận khoản 718,9 tỷ đồng đã quá hạn liên quan đến VietinBank trong tổng số 3.290,9 tỷ đồng tiền gửi liên ngân hàng bằng đồng nội tệ.
Tổng tiền gửi của khách hàng tăng với tốc độ 6,56% so với thời điểm đầu năm lên 147.173,2 tỷ đồng.Trong đó, tiền gửi tiết kiệm tăng 4,75% lên 111.765 tỷ đồng.
Đến cuối quý II, 9.095 nhân viên (bao gồm cả nhân viên thuộc các công ty con), giảm 613 nhân sự so với 1 năm trước đó. Tuy nhiên, so cùng kỳ năm 2013, ACB đã tăng chi phí cho nhân viên lên 844,17 tỷ đồng (tăng 6,9%).
Sau 6 tháng, tổng tài sản của ACB đã tăng 10.855 tỷ đồng lên 177.454,1 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 11.087,1 tỷ đồng lên 165.181,9 tỷ đồng. Tỷ số nợ trên tổng tài sản ở mức 0,93 lần.

Theo dân trí