Đã đến lúc Việt Nam cần những thay đổi mạnh mẽ; Nóng câu chuyện tái cơ cấu 14 ngân hàng lớn tại TP.HCM; Doanh nghiệp Việt hiểu WTO, FTA hơn cả Trung Quốc; GDP của Việt Nam sẽ đạt 205 tỷ USD vào năm 2015… là những thông tin kinh tế nổi bật nhất trong tuần qua.
Việt Nam đang gặp thử thách trong việc tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp Việt am hiểu và sử dụng các điều lệ của WTO nhiều nhất, vượt qua cả 7 nước phát triển bậc nhất thế giới như Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Úc, Malaysia, Ấn Độ và Indonesia.
Đây là kết quả cuộc khảo sát để tìm hiểu về sự hiểu biết của các doanh nghiệp về các Hiệp ước Thương mai tự do ( FTA- Free trade agreement) mà nước họ ký kết, do nhóm nghiên cứu của báo The Economist, Economist Intelligence Unit thực hiện
Cuộc khảo sát này tổng hợp ý kiến của những nhà lãnh đạo cao cấp của 800 công ty tại 8 quốc gia gồm Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Trong đó, 80% các doanh nghiệp tham gia khảo sát có doanh thu từ 50 – 150 triệu USD và 20% các doanh nghiệp còn lại có doanh thu trên 150 triệu USD.
World Bank cho Việt Nam vay 500 triệu USD để phát triển ngành điện
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã thông qua khoản vay 500 triệu USD giúp nâng cao công suất, hiệu suất và mức độ ổn định mạng truyền tải điện. Dự án này tập trung vào thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long và khu vực miền Trung.
Theo đó, Ngân hàng Thế giới sẽ tài trợ xây dựng đường dây và trạm biến áp 220 và 500 kv nhằm nâng cao công suất và mức độ ổn định của mạng lưới truyền tải điện, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu tăng trưởng mạng lưới điện của Việt Nam giai đoạn 2015-2020.
Tổng vốn đầu tư của dự án ước khoảng 731,25 triệu USD, trong đó 500 triệu USD sẽ do Ngân hàng Quốc tế cho Tái Thiết và Phát triển – tổ chức thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới chuyên cấp vốn cho các nước thu nhập trung bình cho vay.
Khoản 231,25 triệu USD còn lại sẽ do Chính phủ Việt Nam cung cấp
14 ngân hàng TP. HCM sẽ tái cơ cấu thế nào?
Theo UBND TP.HCM, hiện có 14/14 ngân hàng có trụ sở chính đặt trên địa bàn đã xây dựng phương án cơ cấu giai đoạn 2013 – 2015 trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phê duyệt phương án cơ cấu lại của 11/14 ngân hàng thương mại cổ phần. Ba ngân hàng chưa được Thống đốc phê duyệt phương án tái cơ cấu là Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng Phát triển Thành phố và Ngân hàng Phương Nam.
NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng vốn điều lệ của 14 ngân hàng có trụ sở chính tại thành phố tính đến ngày 28/2/2014 đạt 86.772 tỷ đồng, không thay đổi so với cuối năm 2013; trong đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín có mức vốn điều lệ cao nhất là 12.425 tỷ đồng.
Hiện tổng tài sản của 14 ngân hàng này đạt 1.192.083 tỷ đồng, giảm 0,6% so với cuối năm 2013.
Những thống kê giật mình về số doanh nghiệp “chết”
Sức sống của của doanh nghiệp Việt Nam dường như đang cho thấy điều ngược lại với những cải thiện của nền kinh tế. Số doanh nghiệp “chết” vẫn tiếp tục tăng so với cùng kỳ, trong khi lượng doanh nghiệp hồi sinh trở lại vẫn xu hướng giảm.
Về số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký của cả nước là 37.612 doanh nghiệp, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
2015: GDP Việt Nam khoảng 205 tỷ USD
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị Toàn quốc ngành Kế hoạch và đầu tư vừa diễn ra cho thấy, tốc độ tăng GDP bình quân 2011 – 2013 đạt khoảng 5,6%/năm; các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều phát triển khá ổn định.
Quy mô GDP năm 2015 dự báo khoảng 205 tỷ USD, gấp 1,85 lần so với năm 2010.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, phấn đấu đạt cao nhất mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, trong đó quan trọng là mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 6,5 – 7%, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,5%/năm, từng bộ, ngành, từng địa phương cần nghiêm túc đánh giá các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong 3 năm 2011-2013, dự báo thực hiện năm 2014 – 2015, xác định rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để xây dựng và thực hiện tốt hơn kế hoạch 5 năm 2016-2020. (Theo VnEconomy)
Tập đoàn Thái Lan mua Metro Việt Nam với giá 879 triệu USD
Đại gia Thái Lan sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan.
Tập đoàn Metro (Đức) cho biết vừa ký thỏa thuận với Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan về việc bán lĩnh vực kinh doanh sỉ (bán buôn) tại Việt Nam.
Theo đó, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (MCC Việt Nam) bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan với giá trị 655 triệu euro (tương đương 879 triệu USD). Đại diện Metro cho biết dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2015.
7 kế sách “cứu” thị trường bất động sản Việt Nam
Cho ngân hàng yếu kém phá sản là một trong những biện pháp mạnh của Nhật Bản để “cứu” thị trường bất động sản thoát khỏi bong bóng giá.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, tại Việt Nam, nguồn vốn cho thị trường bất động sản chủ yếu đến từ ngân hàng, trong khi các nguồn vốn từ các định chế tài chính khác (các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm…) còn hạn chế.
Nhìn lại các nguyên nhân gây ra bong bóng bất động sản và khiến nền kinh tế khủng hoảng kéo dài sau khi xảy ra đổ vỡ trên thị trường bất động sản của Nhật Bản, các diễn giả Nhật Bản cho rằng Việt Nam có thể rút ra một số bài học và kinh nghiệm.
Nợ xấu của ngân hàng tại TP.HCM gần 46.000 tỉ đồng
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính đến tháng 2-2014, tổng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM là gần 46.000 tỉ đồng.
Báo cáo cũng cho biết, tình hình thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của thành phố đã và đang có những bước tiến triển khả quan. (Theo Tuổi trẻ)
Theo Bizlive