Thu hút FDI: Hướng đến các tập đoàn đa quốc gia

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng, Việt Nam lâu nay đã thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các tập đoàn trên toàn cầu, nhưng lại chưa rõ ràng theo nghĩa đối tác để tạo ra các trục ngành cho nền kinh tế. Chính vì vậy, ông này khẳng định: “Tôi cho rằng, nên tìm kiếm và thiết kế các đối tác chiến lược quốc gia theo nghĩa tập đoàn”.

Ảnh minh họa

Ông Thiên còn phân tích rằng, thế giới ngày nay đã khác, sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, chứ không còn mạnh ai nấy làm như trước. Mỗi chuỗi ấy thường có sự tham gia của một hoặc vài tập đoàn, có vai trò quyết định sự tham gia của những công ty khác. “Vì thế, nếu chúng ta muốn được vào chuỗi giá trị đó, phải mời được các tập đoàn lớn đầu tư vào VN và bằng cách nào đó, để họ kết nối được với DN trong nước”, ông Thiên nhấn mạnh.

Trên thực tế, trong chiến lược thu hút FDI, một trong những cái đích mà Việt Nam hướng tới là các tập đoàn đa quốc gia. Sự xuất hiện của các tập đoàn đa quốc gia, trên thực tế, chỉ trở nên thật sự sôi động sau sự xuất hiện của Intel vài năm trước đây, với kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Vào thời điểm đó, để thu hút được dự án này, Chính phủ đã gật đầu với khá nhiều cơ chế ưu đãi cho Intel. Nhưng đúng là sau đó, “chim mồi” Intel đã góp phần mang tới Việt Nam rất nhiều đại gia, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, như Samsung, Nokia, LG… Sự xuất hiện của Samsung cũng vậy, đã có trên 6,85 tỷ USD được tập đoàn Hàn Quốc này đổ vào Việt Nam. Các dự án lớn được đầu tư nhanh và mang lại hiệu quả cao khiến Samsung có lợi thế rất lớn trong đàm phán các cơ chế ưu đãi đối với Chính phủ. Thậm chí, một tổ công tác liên ngành cũng đã được thiết lập để tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình đầu tư của Samsung tại Việt Nam.
GS TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI đã nhắc tới quyền năng của các tập đoàn lớn để khẳng định một điều, phải có các cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư của các tập đoàn này. Một quốc gia muốn phát triển thì phải có chiến lược dài hạn. Thu hút FDI cũng vậy. Chỉ cần mỗi lĩnh vực mình muốn phát triển, như điện tử, hóa dầu… thu hút một tập đoàn lớn, để tạo xương sống cho nền kinh tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tạo liên kết với các DN trong nước, thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế. Qua họ, chúng ta cũng có thể thu hút được thêm nhiều nhà đầu tư vệ tinh đến Việt Nam và từ đó tạo nên một vòng xoáy đầu tư theo nghĩa tích cực.
Rõ ràng, nhìn từ khía cạnh ưu đãi và các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, thì trên thực tế, Việt Nam đã bước đầu thiết lập được các đối tác đầu tư chiến lược, nhìn theo nghĩa từ tập đoàn. Chỉ có điều, để các tập đoàn đa quốc gia thực sự là “đối tác chiến lược” theo nghĩa mà ông Thiên đặt ra không hẳn chỉ có từ một phía, cũng không hẳn chỉ là những ưu đãi như cách thức mà chính quyền tại một số nơi đặt ra. Ông cha ta có câu: “ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, phải chăng đó cũng là cách tìm kiếm đối tác một cách rất Việt Nam.

Theo dddn