Ít ai hình dung một người ham học và thành tựu trên con đường học vấn với nhiều bằng Tiến sĩ khoa học và quản trị kinh doanh như anh, lại có ngày bén duyên trở thành doanh chủ. Nhưng có lẽ chính những trải nghiệm trên con đường khoa học sau một chặng thời gian đã khiến anh nhận ra dường như bản thân còn có một duyên nghiệp khác: Trở thành người kế thừa của một gia tộc làm bao bì tại Việt Nam. Anh là Dương Quốc Thái, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Cty cổ phần Bao bì Nhựa Sài Gòn.
Doanh nhân Dương Quốc Thái được bổ nhiệm là Tổng lãnh sự quán Pakistan danh dự tại TP HCM
Khởi nghiệp tựa… “Sơn Đông mải võ”
– Gốc là dân toán, đã từng học tới hàm Tiến sĩ, thậm chí đã là Giảng viên của một Học viện Quốc tế tại Malaysia, vì sao anh từ bỏ đường học vấn để theo nghiệp kinh doanh?
Nói thật, khi tôi đang là Giảng viên của Học viện Quốc tế Malaysia, có nằm mơ cũng không nghĩ có ngày mình theo nghiệp kinh doanh, cho dù bản thân sống trong gia tộc kinh doanh và bố là người đã theo nghề in Opset từ những ngày đầu phát triển ngành nghề này của Việt Nam.
Nhưng năm 1993, bố tôi làm ở Liksin và về hưu. Lúc đó có một nhà máy bao bì mở ra từ 95-98s, trong 3 năm lỗ tới 8 tỷ. Họ muốn nhượng DN nếu ai gánh được món nợ ngân hàng của họ. Bố tôi vừa nghỉ, thấy DN rất tốt mà lại không làm được nên muốn đứng ra gánh vác, nhưng lại cũng không muốn cạnh tranh với anh em đi sau trong nghề, nên yêu cầu tôi làm Chủ tịch Cty, thuê người điều hành. Dù vậy, để có trải nghiệm thực tế, tôi vẫn muốn song song đi làm thêm ở ngoài. Tôi chuyển từ làm trợ lí TGĐ của Cty Vifon cho đến nhân viên của một Cty tư vấn, thiết kế… Trong quá trình đó, có lúc tôi cũng bị… phát hiện là đang có cổ phần lớn nhà máy trị giá vài triệu đô, thế nên bị mọi người nghi ngờ động cơ đi làm thêm và gây khó dễ. Không ai tin mình muốn đi học nghề. Áp lực công việc khiến tôi cũng dần dần chấm dứt việc vừa dạy, vừa làm.
– Như vậy, anh đã chính thức điều hành DN từ đó?
Thực ra tôi đeo đuổi học nghề tới 4 năm, sau cùng do một vụ “cá cược” vì bất đồng với những quyết định của TGĐ ở Cty tôi đứng tên Chủ tịch, nên tôi mới đứng ra trực tiếp điều hành, xử lí những vấn đề của Cty đang gặp phải. Sau ba tháng, tôi “thắng cược”. Vị TGĐ Cty vẫn không phục và có lời ra tiếng vào. Thế là tôi cùng một số anh em tách ra, lập Saplastic – Cty CP Bao bì Nhựa Sài Gòn bây giờ.
– Ở cái thời tự mình tay trắng làm nên, mọi chuyện sau khi tách ra và lập Saplastic của anh có suôn sẻ?
Rất khó khăn. Trong hai năm đầu tuy có nhiều anh em cùng đi theo, tuy đã có kinh nghiệm, nhà máy, dây chuyền sản xuất, nhưng gom góp vốn liếng chỉ được hơn 1 tỷ đồng, đồng vốn lưu động rất thiếu thốn. Trong khi đó, lại cũng do tính hiếu thắng của tuổi trẻ, tôi đã tuyên bố là Saplastic sẽ khởi nghiệp mà không cần mang theo bất cứ khách hàng nào của Cty cũ. Một trong những khách hàng lớn nhất, mang doanh số ổn định nhất cho Cty bấy giờ là Trung Nguyên, với kinh nghiệm ở Cty quảng cáo cũ, tôi đã khai thác và góp phần xây dựng hình ảnh bao bì Cà phê Sáng tạo 1 đến Cà phê Sáng tạo 10, nhưng ở Cty mới tôi không liên hệ tiếp tục làm việc. Do đó đầu ra không có. Nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cầm cự. Có một giải pháp cầm cự mà bây giờ vẫn còn được lưu giữ như một… truyền thống của Cty, giữ dấu ấn của giai đoạn khó khăn, đó là đi in vé số. Phương pháp in rất đơn giản là kéo lụa, in vé số cào, vé số bóc, thậm chí gia công bi và lồng cầu xổ số…, rất vất vả nhưng mỗi đơn hàng cũng thu được vài chục triệu đủ trả lương cho công nhân và tích lũy dần. Sau hai năm thì bớt… ngồi chơi xơi nước, đỡ khó khăn.
– Anh rút ra điều gì trong giai đoạn khởi nghiệp đó?
Thấy mình rất… dại dột. Và thấy mình đã lãng phí quá nhiều thời gian cho việc cho hai giai đoạn học về tài chính –ngân hàng và kiến thức quản trị. Đồng thời, cũng có suy nghĩ rất ngây ngô là đã có sẵn đầu vào, có nhân công thì sẽ có đầu ra. Trong khi đó bản thân lại thiếu rất nhiều kiến thức, kĩ năng về quản lí nhân sự, đàm phán khách hàng… những kiến thức mà lẽ ra trước khi khởi nghiệp, tôi phải tự trang bị đầy đủ trước. Nói cách khác là không nên lập nghiệp theo cách của tôi… amateur.
– Chặng khởi nghiệp như anh nói đầy gian nan đã khiến anh sau đó càng… “cuồng” học, chỉ khác là giờ đây học về kiến thức kinh doanh?
(Cười) Đến tận bây giờ tôi vẫn học.
– Nhưng theo anh, một CEO có nhất thiết phải có kiến thức toàn diện hay không, trong khi biển học là vô bờ và cũng rất khó để xác định thế nào là toàn diện?
Tôi theo “chủ nghĩa” cầu toàn. Thực sự vẫn tâm niệm rằng một CEO là phải có kiến thức toàn diện. Toàn diện theo nghĩa kiến thức nền tảng, chưa nói chuyện nâng cao, sâu và rộng trong mỗi một kiến thức, một sở học nhất định.
– Thực tế vẫn có rất nhiều CEO không học cao, không nhiều bằng cấp, song họ vẫn rất thành đạt?
Đúng như vậy. Khi còn trẻ, tôi không hiểu tại sao có những doanh nhân chỉ học chưa tới lớp 4, mà họ rất thành công. Lúc đó tôi lí giải là do họ may mắn. Đến bây giờ thì tôi đã nhìn nhận khác. Họ không hẳn may mắn, nếu có may mắn thì chỉ là một phần rất, rất nhỏ, mà quan trọng hơn là họ có bản lĩnh. Đó là bản lĩnh với năng khiếu kinh doanh bẩm sinh, sự nhanh nhạy trong kinh doanh bẩm sinh, khả năng nhìn người, sử dụng con người. Và những điều đó được chúng ta lí thuyết hóa thành những kiến thức quản trị, quản lí nhân sự…
– Vậy theo anh, điều quan trọng nhất quyết định khả năng thành công của một doanh nhân?
Sử dụng con người. Nói nôm na là “dùng người”. Muốn dùng người chuẩn thì phải biết nhìn người, biết tin người, biết “đối nhân xử thế” một cách trình độ. Mà trình độ ở đây không đơn giản là trình độ văn hóa hay kiến thức.
“Chín bỏ làm mười” để… cạnh tranh
– Đi một chặng đường rất dài với nhiều sở học khác nhau, nhiều suy ngẫm về đối nhân xử thế trong kinh doanh, hiện tại anh và các nhà sáng lập Saplastic, các cổ đông hiện tại đã xác định đâu là lợi thế cạnh tranh của Cty? Phải chăng đó chính là con người hay còn là những yếu tố khác?
Saplastic nếu xét về quy mô hiện đang đứng khoảng thứ ba trên thị trường nhưng xét về công nghệ và trình độ kỹ thuật, chúng tôi tự tin có thể mình đứng ở vị trí đầu. Bởi hiện tại Saplastic có Phòng thí nghiệm số 1 đạt chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế, mà các Cty cùng ngành khác đều không có. Phòng thí nghiệm này có thể cấp giấy thẩm định có giá trị về chất lượng công nghệ, sản phẩm cho bất kì DN hay khách hàng ngành bao bì nào. Nên có thể nói một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của Saplastic chính là công nghệ. Tuy nhiên, công nghệ là thành tựu nghiên cứu của con người, do con người làm ra và do con người điều khiển, sử dụng. Nhưng chuyên viên bậc cao tại Saplastic chính là những con người đó. Vì vậy, nhân sự cũng là lợi thế cạnh tranh của chúng tôi.
– Vậy anh có ảnh hưởng lí thuyết hay mô hình quản trị của ai không?
Phật không dạy con người ta sống khổ, sống nghèo, mà biết làm giàu một cách minh bạch, trong sạch.
Tôi trải qua khá nhiều giai đoạn với các mô hình quản trị khác nhau. Giai đoạn đầu là lửa. Làm việc rất quyết liệt, không nói nhiều, thậm chí áp đặt. Sau một giai đoạn thấy không khí quá căng thẳng, tôi chuyển đổi sang mô hình quản trị theo phong cách của bố: Cởi mở và thuyết phục. Nhưng hình như “dân chủ” quá cũng không hiệu quả, công việc không chạy và mọi người không ai thuận ai. Sau đó tôi chuyển sang mô hình có hơi hướng Phật giáo, và hiện nay vẫn duy trì, làm quản trị theo chữ “Tâm”: Nhẹ nhàng, mềm dẻo, thấu hiểu lòng người, “chín bỏ làm mười”. Mọi thứ hình như đơn giản và ổn định hơn.
– Nhưng nếu cứ “chín bỏ làm mười”, làm sao có thể quyết liệt cạnh tranh?
Cũng có nhiều anh em ngoài Cty thắc mắc như vậy, nhưng thực ra tôi vẫn thấy “chín bỏ làm mười” có thể giúp DN hóa giải rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn như trong ngành bao bì nhựa, cạnh tranh vô cùng lớn. Nhiều đối thủ chơi xấu, thậm chí có thời điểm còn bí mật cử nhân viên tiếp cận, tìm cách lấy kế hoạch kinh doanh của Saplastic. Sau đó, tôi chọn phương án công bố luôn trên website của Saplastic kế hoạch kinh doanh của Cty. Dần dần như vậy, các đối thủ cũng… chán. Bản thân DN mình cũng đỡ mất công lo lắng, đối phó. Chỉ còn tập trung cho kinh doanh. Cạnh tranh không có nghĩa là phải giành nhau từng tấc thị phần, từng khách hàng một. Khi DN cứ tập trung làm cho tốt công việc của mình, dịch vụ của mình, sản phẩm của mình… thì lúc đó đã phát huy được tối đa sức cạnh tranh.
– Đức Phật luôn răn dạy Phật tử “biết đủ là đủ”. Nếu đã biết đủ thì làm sao anh có thể chèo chống Saplastic để hướng đến một mục tiêu Tập đoàn lớn lao ở phía trước?
Biết đủ, không phải là dừng lại, là thõng tay buông xuôi. Phật không dạy con người ta sống khổ, sống nghèo, mà biết làm giàu một cách minh bạch, trong sạch, đảm bảo đời sống, điều kiện kinh tế, tinh thần cho cán bộ công nhân, cung cấp các sản phẩm xanh và chất lượng cho khách hàng, không ảnh hưởng, tác hại đến người tiêu dùng… chính là “biết đủ”. Làm được những điều gì như vậy thì thân là một doanh nhân, tôi sẽ được “thân tâm an lạc”, cũng là đi tu, là “chứng thành quả”.
– Cảm ơn anh về những chia sẻ rất thú vị!
Theo dddn