Tuần trước, có hai thông tin quan trọng trong ngành ngân hàng (NH) mà tuy sự liên lạc tưởng như không có, nhưng lại đang trực tiếp cho thấy một phần diện mạo của bức tranh hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), cả ở góc độ tái cơ cấu hiện nay và những nguy cơ có khả năng xảy đến trong tương lai…
Một trong những vấn đề khiến VNCB phải tái cơ cấu lần 1
(trước khi đổi tên), chính là thanh khoản và nợ xấu
Vụ việc ba cựu lãnh đạo của NH TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) bị bắt và tạm giam vào tuần trước đã dấy lên nghi ngại trong công chúng về quá trình tái cấu trúc của NH này trong giai đoạn trước.
Chuyện nợ xấu…
Một trong những vấn đề khiến VNCB phải tái cơ cấu lần 1 (trước khi đổi tên), chính là thanh khoản và nợ xấu. Theo khẳng định của P.Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, VNCB phải có tỷ lệ nợ xấu vượt quá quy định của NHNN lên mới phải tái cơ cấu. Cũng theo khẳng định của ông Thanh, 2 nhóm nợ xấu chính khiến VCNB phải tái cơ cấu là nhóm nợ Phú Mỹ và nhóm nợ Thiên Thanh. Nói một cách khác, Thiên Thanh cũng là một con nợ NH trước khi trở thành nhà đầu tư NH. Đây là một nghịch lí mà lý giải cách nào cũng khó hợp lí. Nó cho thấy, câu chuyện nợ xấu bao gồm nợ của chính các chủ sở hữu NH ở VN đã và đang được thừa nhận. Bao nhiêu chủ sở hữu ở các NH tự tái cơ cấu, và ở những ông chủ mới của các NH vừa được tái cơ cấu, có “dính” nợ cũ mà vẫn có cơ hội đổi vai từ con nợ trở thành đồng chủ nợ như trường hợp Thiên Thanh? Và có bao nhiêu phần trăm trong các trường hợp đó rơi vào tình cảnh cổ đông vay tiền NH để mua cổ phần của chính NH đó, dùng đòn bẩy tài chính để góp vốn ảo, che dấu mức vốn thực, phóng đại các chỉ tiêu an toàn vốn của NH? Thiên Thanh phải chăng cũng là trường hợp đó?
Chúng ta không khỏi đặt ra những câu hỏi về bản chất nguồn lực vốn và con số nợ của các chủ sở hữu ở các NH tái cơ cấu lẫn NH không phải bắt buộc tái cơ cấu, trong đó tất nhiên có cả vấn đề nợ xấu!
Một số liệu liên quan đến câu chuyện này là tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống đang được dự báo có nguy cơ tăng mạnh vào quí III và thậm chí quí IV/ 2014. Báo cáo phân tích của CTCK HSC cho biết có khá nhiều lí do khiến nợ xấu sẽ tăng, trong đó có lí do đến từ việc nợ xấu đã từng giảm trùng vào giai đoạn VAMC đã tăng mua nợ xấu và vào chu kì tăng trưởng tín dụng (cuối năm 2013). Và mặc nhiên khi VAMC chưa đẩy mạnh mua nợ xấu trở lại thì nợ xấu sẽ tiếp tục tăng cũng như tăng trưởng tín dụng thấp, sự trì hoãn các quy định phân loại nợ…
Và áp lực mới
Trong xu hướng nợ xấu gia tăng, các NH cũng đang canh cánh những nỗi lo mới. Bên cạnh nợ xấu chưa được giải trừ, các NH đang phải đối mặt với kế hoạch tín dụng đang ì ạch rất xa so với chỉ tiêu cả năm. Phía DN lại gần như chưa có nhiều động thái/ nhu cầu vay vốn mới. Mở cửa cho vay tín chấp theo thông điệp mà NHNN đưa ra có lẽ là một giải pháp. Song nói đi cũng phải nói lại, mở cửa đẩy mạnh cho vay thế chấp mà các NH cũng còn chưa thấy yên tâm (đặc biệt khi nợ xấu cứ tăng vòn vọt), nữa là cho vay tín chấp. Một chuyên gia cho rằng hiện tại ba mệnh đề tam đoạn luận “bất khả thi” của các NH chính là tăng trưởng – nợ xấu – tái cơ cấu. Chưa xử lí được cái này thì làm sao xử lí cái kia và cứ như thế các NH rơi vào vòng luẩn quẩn.
Một áp lực khác cũng không nhẹ đối với NH và có nguy cơ khiến nợ xấu sẽ tăng lên, lại có thể làm tỷ lệ an toàn vốn khả dụng CAR thấp xuống và thậm chí sẽ có những “khủng hoảng” trong cơ cấu chủ sở hữu của các NH là kế hoạch ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 13/2010/TT – NHNN ngày 20/5/2010, quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Hiện nay, nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của việc sở hữu chéo đã bộc phát trong những năm gần đây, hướng đến quản lý hệ thống tốt hơn, NHNN đang hoàn thiện để ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 13. So với Thông tư 13, Dự thảo thông tư mới có những quy định mới khắt khe hơn, như hạn chế cổ đông sáng lập, cổ đông lớn trong việc vay vốn cổ phiếu; tổng dư nợ tín dụng cấp cho thành viên sáng lập/cổ đông lớn từ 5% trở lên và các bên liên quan không được quá 5% vốn điều lệ của TCTD và không được quá phần góp vốn của thành viên sáng lập/cổ đông lớn (mệnh giá) đầu tư vào TCTD…
Với sức khỏe của các NH hiện nay, với tình trạng nhiều NH không chỉ “hắt hơi xổ mũi” đơn thuần, mà trọng bệnh và nói một cách cực đoan như TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên HĐTV Tài chính tiền tệ quốc gia là “đang phải nằm viện triền miên”, thì chỉ cần dự thảo này được ban hành và chỉ cần NHNN nghiêm khắc giám sát, e rằng sẽ không chỉ một NH gặp khó khăn phải “tái đi, tái lại” trong cơ cấu như trường hợp VNCB với đối tác Thiên Thanh!
Chỉ hy vọng thị trường sẽ không có nhiều trường hợp đổ vỡ giữa chừng tái cơ cấu, và câu chuyện VNCB sẽ là tấm gương để các NH cân nhắc, chuẩn bị kĩ, thẩm định đối tác cẩn thận hơn cho những đề án “thay máu” của mình. Sự “ra tay” của những NH lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV… vào lúc này đối với các NH đang cần phải tái cơ cấu là cần thiết để tiến trình tái cấu trúc NH đạt hiệu quả nhanh hơn, bản thân các NH đỡ mất thời gian, chi phí, thị trường cũng bớt đi những “cú sốc” không đáng có làm suy giảm niềm tin vào hệ thống NH!
Theo dddn