Rất nhiều người trong chúng ta, nhất là những người trẻ tuổi thường coi những lời chê bai, chỉ trích như một cực hình. Nhưng nếu bạn chịu bình tâm một chút, bạn sẽ thấy việc tập lắng nghe những lời chê bai, chỉ trích từ những người thân ngay bên cạnh rất có ích. Vì nó giúp bạn sửa chữa khuyết điểm, và có cái nhìn chân thực hơn với từng con người bạn đang tiếp xúc. Khi bạn có thể bình thản trước mọi lời phê bình. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn làm quen và rèn luyện tinh thần đó.
Khi bị phê phán, chì trích, việc bạn cần học đó là giữ được sự bình tĩnh để suy nghĩ. Ảnh internet
1. Hãy lặng yên khi nghe lời chỉ trích
Lặng yên, nhưng cần tỏ ra là bạn đang chăm chú lắng nghe người ấy nói. Việc yên lặng giúp bạn suy nghĩ về chính bản thân mình, và động cơ của người đang nói sẽ chính xác hơn.
2. Nhìn thẳng vào mắt người đang nói với bạn
Vì chỉ có cách này bạn mới tỏ ra sẵn sàng lắng nghe hết những gì người khác nói. Dù bạn đồng ý hay không, chuyện đó để bàn cãi sau.
3. Đừng bao giờ vạch ngay lỗi lầm của người mới chỉ trích bạn
Việc này sẽ khiến bạn trở thành người không được rộng lượng lắm. Và sẵn sàng bảo vệ cái tôi của mình bằng mọi cách có thể.
4. Đừng bao giờ tỏ ra mất tinh thần
Trừ khi bạn bị khủng hoảng thực sự, vì những lời chê bai chỉ trích đó mang tính sai lệch hoàn toàn, ảnh hưởng đến nhân cách, uy tín của bạn. Bạn không nên tỏ ra quá yếu đuối. Không nên coi những lời chê bai, chỉ trích đó là nhằm xô bạn xuống vực thẳm.
5. Đừng nên bất mãn khi người khác tỏ thái độ về quan điểm của bạn
Đối với bạn, điều quan trọng cần phải xét đến không phải là phản ứng của người khác mà chính quan điểm của bạn.
6. Đừng tỏ ra giễu cợt
Vì giễu cợt trong trường hợp này, thường bị nhiều người coi đó là một cử chỉ khinh miệt đối với người đang phê bình.
7. Đừng phóng đại quá mức những lời phê bình
Bạn không nên từ “chuyện bé xé ra to”, gán cho lời phê bình một ý nghĩa nặng nề hơn thực tế rồi căn cứ vào ý tưởng đó mà đả kích lại người đối thoại. Ngay khi người chỉ trích bạn có phóng đại đôi chút, bạn cũng nên sáng suốt, tránh bị phụ thuộc cảm xúc vào những lời nói quá đà đó.
8. Hãy tìm cách để hóa giải những lời chỉ trích đó, thay vì cố tìm cách che lấp nó đi
Đó mới là sự thông minh, sáng suốt trong cách giải quyết vấn đề.
Có một câu chuyện để bạn suy ngẫm. Sau buổi diễn thuyết tại một trường đại học nọ, có một vị giáo sư nổi tiếng đang hăng hái trả lời thắc mắc của sinh viên. Bỗng, có một câu hỏi làm ông phải ngững lại vì nó không dễ trả lời. Ông im lặng đến một phút đồng hồ, tay xoa xoa cằm, suy nghĩ. Rồi ông nhìn thẳng vào mắt người sinh viên vừa hỏi, nhắc lại câu hỏi. Ông sửa lại câu hỏi đôi chút cho nội dung của nó rõ ràng hơn rồi hỏi: “Bạn vẫn thấy đó là ý chính trong câu hỏi của bạn chứ?”.
Người sinh viên sung sướng trả lời: “Thưa vâng!”. Vị giáo sư lại nghĩ ngợi, lần này lâu hơn. Ông gục gặc đầu và hai lần dợm nói nhưng lại thôi. Rồi ông lại nhìn vào người sinh viên: “Câu hỏi của bạn rất hay nhưng quả thật hiện nay tôi chưa sẵn sàng giải đáp”.
Trước câu trả lời này, mọi người đều nồng nhiệt vỗ tay. Sau buổi diễn thuyết, người viên sung sướng rời khỏi giảng đường cùng bạn bè. Nhưng người đáng khâm phục nhất chính là vị giáo sư bởi sự khiêm tốn và khéo léo.
9. Tỏ ra cho người khác thấy bạn hiểu lời phê phán của họ
Hãy tỏ ra bằng lời nói rằng bạn hiểu và quan tâm đến những gì họ nói. Nhưng, có một điều bạn nên chú ý: không nên để người khác lấy danh nghĩa “chỉ trích xây dựng” để đả kích bạn một cách vô trách nhiệm. Điều hợp lý nhất vẫn là: sẵn sàng đón nhận phê bình, nhưng nhất định không tự để mình dằn vặt với những lời phê bình đó.