Sinh viên “chết đứng” vì bị lừa kinh doanh đa cấp

Mô hình kinh doanh đa cấp từ lâu đã được cho là không bền vững, nặng hơn là lừa đảo… thế nhưng từng lớp thế hệ sinh viên vẫn vướng vào và lôi kéo nhau tham gia.

Chỉ có cách lừa bạn và người thân trong gia đình mới kiếm được tiền.

Ra sức lôi kéo nhau
Dễ dàng nhận dạng những bạn trẻ tham gia kinh doanh đa cấp bởi mọi cuộc gặp gỡ của họ, câu đầu tiên họ hỏi bạn sẽ là “Có muốn kiếm tiền không?”. Cùng với đó, người kinh doanh đa cấp luôn khẳng định công việc của họ không phải kinh doanh mà chỉ là “chia sẻ cho nhau những việc tốt”.
Sở dĩ những ai đã trót dại đóng tiền “dính” kinh doanh đa cấp phải nhiệt tình tư vấn, lôi kéo người khác tham gia bởi vì họ chỉ có hướng đi duy nhất này mới… kiếm được tiền. Thế nhưng dù vô tình hay cố ý muốn giúp người khác cùng kiếm tiền thì chung quy lại, tất cả gia đình và bạn bè của mình đều là “nạn nhân” mất tiền, mất thời gian.
Bạn Hoàng Hà (ĐH Kinh tế TP.HCM) là một “con mồi” trong chuỗi bán hàng theo hình tháp. Đầu tháng 11.2012, một người bạn thân của Hà cho biết, một người bạn quen với Hà chia sẻ đang có một dự án kinh doanh rất hay và dễ kiếm được tiền. Đang túng thiếu, Hà gật đầu đến nhà người bạn kia với mong muốn học hỏi và biết đâu có thể thành công.
Trong cuộc gặp gỡ, Hà bị hỏi những câu rất “bài bản” như: ước mơ là gì, thích kiếm tiền không, muốn tự do tài chính không, muốn đi du lịch miễn phí không? …. Sau đó người này vẽ ra giấy mô hình đa cấp giữa công ty sản xuất, đại lý trung gian, người phân phối và người tiêu dùng. Khi sản phẩm tới tay người tiêu dùng thì đã qua nhiều khâu nên giá rất cao. Mình đóng vai trò người trung gian phân phối sản phẩm nên số tiền hoa hồng này cũng sẽ được tính cao sau mỗi sản phẩm bán được.
Bạn này sau bài diễn thuyết, bắt đầu lôi ra kem đánh răng, sữa tắm, nước rửa chén, nước lau nhà cho đến các loại thực phẩm chức năng… mang thương hiệu Amway và làm hàng loạt thí nghiệm để chứng minh tính thuyết phục của sản phẩm rất dễ đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên muốn đi siêu thị Amway thì phải làm thẻ, và phí phát hành thẻ này là 210.000 đồng. Hà như bị mê muội nên rất nhanh đóng phí đăng ký.
Không dừng ở đó, người này bảo công ty không bắt ép nhân viên mua sản phẩm, nhưng nếu đi bán mà không có hàng hoặc không dùng thì sẽ không ai tin. Hà sau đó tiếp tục nghe theo, rút ví 3 triệu đồng tiết kiệm để mua những thứ cơ bản. Và cô đã ghi tên mình vào danh sách nạn nhân của bán hàng đa cấp.
Tiếp theo quy trình này, Hà phải trả thêm tiền để tham gia khóa học bán hàng và cách “lôi kéo” người khác của công ty. Nạn nhân đầu tiên của Hà là cô bạn thân, rồi đến mẹ của Hà và một số người quen. Tổng cộng, Hà đã “đứng trên” 5 người. Cách thức chia sẻ của Hà lấy nguyên xi từ người hướng dẫn cô trước đó.
Thanh Ngọc (cựu sinh viên ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho tới giờ chưa hết hú hồn hồi còn là sinh viên năm 2 bị cô bạn Hải Yến ở cùng phòng KTX Mễ Trì rủ rê kinh doanh. Để lôi kéo Ngọc, trong những cuộc nói chuyện, Yến luôn khẳng định Ngọc là người năng động và hỏi Ngọc có muốn kiếm nhiều tiền không. Thấy Ngọc tò mò, Yến trả lời: “Nếu muốn kinh doanh thì theo tớ đến một chỗ nghe tư vấn. Tớ nói ấy không hiểu được đâu”.
Sau 2 ngày bị đứa bạn ra rả vào tai, Ngọc nhận lời và cùng Yến đi xe buýt đến một tòa nhà 5 tầng đường Đội Cấn. Cô bạn cùng phòng nhiệt tình khoe đây là tòa nhà của công ty. Ngọc thì hoa mắt vì những con người ăn mặc lịch sự, ăn nói khéo léo, tươi cười nồng nhiệt.
Sau khi tham dự hội thảo và hiểu thế nào là bán hàng đa cấp, Ngọc bị 2, 3 người của công ty bủa vây. Họ “quay” Ngọc đến chóng mặt. Nào là em thấy chương trình thế nào, tại sao em không tham gia, em còn băn khoăn những gì… Câu nói mà Ngọc nhớ nhất lúc đó là: “Kinh doanh thì có thể thành công hoặc thất bại. Nhưng không kinh doanh thì không bao giờ thất bại nhưng cũng chẳng bao giờ thành công”. Họ cho biết, mức phí ban đầu bỏ ra là 2 triệu nhưng sau này Ngọc có thể kiếm hàng chục thậm chí hàng trăm triệu mỗi tháng, chỉ bằng việc Ngọc phải giới thiệu bạn khác đến tham gia.
Hồi đó bố mẹ Ngọc gửi tiền chi tiêu một tháng có 500.000 đồng, giờ bảo cô đóng 2 triệu đồng Ngọc không biết xoay sở ra sao. Thật may cô đã không đến mức mù quáng. Tuy nhiên, tình bạn giữa Ngọc và Yến đã sứt mẻ vì hai người sống khác… chí hướng.

Cảnh giác chiêu lừa
Hoàng Hà sau một thời gian mê muội với đa cấp đã cảm thấy tốn tiền và không lợi lộc gì. Cô tìm hiểu về đa cấp và quyết định từ bỏ công ty. Thế nhưng sau đó, Hà liên tiếp nhận điện thoại của các nhân viên khác chèo kéo. Ngay cả cô bạn thân liên tục nói cô rằng không có nghị lực sau sẽ không “ngẩng mặt” lên được. Hà bỏ ngoài tai tất cả. Không tham gia kinh doanh đa cấp, cô vẫn tự tin trong học tập, cuộc sống và giao tiếp với mọi người thay vì đi lừa người khác như trước.
Kinh doanh đa cấp bị biến tướng thành nhiều dạng. Sinh viên hay bị mắc lừa bằng chiêu thức hội thảo.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: “Vì sao mô hình này bị phê phán nhiều nhưng lần lượt các lứa sinh viên mới lên đều dính phải?”. Theo diễn giả trẻ Huỳnh Minh Thuận, có ba lý do khiến các bạn sinh viên dễ rơi vào mô hình đa cấp trong giáo dục.
Thứ nhất, sinh viên luôn khao khát được học kỹ năng sống, mà mô hình đa cấp luôn chiêu dụ sinh viên bằng những hứa hẹn được huấn luyện những kỹ năng hấp dẫn để thay đổi bản thân.
Thứ hai, sinh viên thích đi làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống và giúp đỡ gia đình. Và cuối cùng, sinh viên bị dụ là do khả năng diễn thuyết của các diễn giả này rất lôi cuốn. Họ đã “vẽ” ra tương lai sáng lạn cho các bạn sinh viên. Chỉ đáng buồn là họ sử dụng tài năng đó vào mục tiêu không lương thiện.
Từ những hậu quả “tiền mất tật mang” đáng buồn của nhiều sinh viên “nhẹ dạ”, diễn giả Huỳnh Minh Thuận đưa ra một số lời khuyên. “Do cũng làm nghề diễn giả, tôi chia sẻ với bạn trẻ 2 dấu hiệu để phân biệt một diễn giả đa cấp và một diễn giả làm nghề hành nghề chân chính.
Khi diễn giả nói rất bình thường, nhưng khán giả vỗ tay rầm rộ đến bất thường, đó là đa cấp. Sau khi học, diễn giả sẽ kêu gọi học viên đóng tiền để trở thành thành viên của công ty, yêu cầu bán vé hội thảo và lôi kéo thêm nhiều thành viên khác theo đúng mô hình trên, đó là đa cấp.
Và cuối cùng, để tránh được những cái bẫy người này, các bạn sinh viên cần tìm hiểu kỹ hơn ‘người thầy’ mà mình muốn theo học là ai, công chúng nói và những người từng học nói thế nào về người ấy.
Điều quan trọng nhất đối với các bạn sinh viên là học hành. Việc làm thêm khi đang ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp các bạn có kinh nghiệm và kỹ năng sống, tuy nhiên, dù làm bất cứ việc gì cũng tránh ảnh hưởng đến việc học”.