Quỹ đầu tư mạo hiểm CyberAgent Ventures (CVA) – Nhật Bản vừa công bố thành lập quỹ CA Startups Internet Fund II trị giá 50 triệu USD, chuyên đầu tư vào các công ty internet và công nghệ. Tại VN, ngoài Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures có danh mục đầu tư hơn 40 công ty khởi nghiệp công nghệ, CAV cũng là một trong số ít các quỹ mạo hiểm đã rót vốn vào các doanh nghiệp(DN) trong lĩnh vực công nghệ. Chuyên trang Khởi nghiệp Học Làm Giàu đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng đại diện của CVA tại Việt Nam – Thái Lan xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, vì sao CVA lại quyết định đầu tư vào thị trường VN? Theo ông, tại VN lĩnh vực khởi nghiệp nào hiện đang có sức thu hút vốn đầu tư nhất hiện nay?
Như các bạn đã biết, thời gian qua ngành thương mại điện tử VN (TMĐT) đang có những bước phát triển vượt bậc, chính vì thế CVA đã chính thức công bố đầu tư vào giải pháp bán hàng trên mạng Internet, đó là web Bizweb.vn (thuộc Công ty DKT). Bởi xu thế thị trường hiện nay, Bizweb.vn là một trang web có tốc độ phát triển nhanh và CVA cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng bằng cách tận dụng hàng loạt các nguồn lực của toàn CVA khắp châu Á.
Ông Nguyễn Mạnh Dũng – Trưởng đại diện của CVA tại thị trường Việt Nam – Thái Lan
Tính đến nay, Bizweb.vn đã có hơn 4.000 khách hàng thuộc 30 lĩnh vực khác nhau. Điểm mạnh của Bizweb là website bán hàng dễ sử dụng, được tích hợp nhiều công cụ hỗ trợ khách hàng như: Bizmail (hỗ trợ gửi email đến nhóm khách hàng mục tiêu), mạng quảng cáo Vietclick,… Bizweb cũng có phiên bản dành riêng cho thiết bị di động. Sản phẩm này cũng vừa đạt giải ba, nhóm sản phẩm Công nghệ thông tin thành công thuộc Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2013.
Thưa ông, các Quỹ mạo hiểm hoạt động tại Đông Nam Á luôn tìm kiếm startup vận hành có ý tưởng mô hình đã thành công để rót vốn. Vậy để Quỹ CVA rót vốn trực tiếp vào các DN VN có điểm gì khác biệt?
Không riêng gì các quốc gia Mỹ, Nhật, châu Âu hay Trung Quốc, để xem xét và tìm kiếm cơ hội đầu tư, các quỹ mạo hiểm thường nhắm đến khả năng hiện thực hóa ý tưởng rồi đưa ra các mô hình kinh doanh mang tính thực tiến. Đối với Quỹ CVA cũng vậy, dù mô hình không phải là mới, nhưng chỉ cần mang tính đột phá là Quỹ CVA của chúng tôi có thể xem xét và rót vốn trực tiếp.
Ông đánh giá thế nào về thị trường TMĐT VN? Theo ông đây có phải là cơ hội cho các startup khởi nghiệp?
TMĐT là thị trường đầy tiềm năng tại VN với 90 triệu người tiêu dùng, có mức thu nhập ngày càng tăng. Ngoài ra, số người dùng Internet sẽ tăng từ 30 triệu năm 2011 lên 37 triệu vào năm 2016 (theo BMI) cùng sự phát triển nhanh đường truyền Internet tốc độ cao giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận hình thức mua sắm trực tuyến. Hiện nay trong top 5 website bán lẻ hàng đầu VN, có tới 4 website là của các DN trong nước như Vatgia.com, 5giay.vn, Enbac.com,Thegioididong.com đang là những website bán lẻ có lượng truy cập lớn nhất tại VN.
Theo hãng nghiên cứu comScore, chỉ duy nhất VN có số lượng website bán lẻ trực tuyến thuộc DN nội chiếm ưu thế áp đảo trong top 5. Trong khi đó, top 5 website bán lẻ tại các quốc gia khác ở Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines hay Singapore đa phần đều nằm trong tay DN nước ngoài. Điều này có thể thấy các DN TMĐT VN chiếm vị thế đáng nể.
Cũng cần lưu ý thêm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia đang là 3 thị trường internet nóng nhất ở khu vực Đông Nam Á. Với dân số đông và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, đây đều là những quốc gia đầy tiềm năng cho các nhà kinh doanh trực tuyến khai thác. Sức nóng đó không chỉ thu hút các công ty TMĐT địa phương mà còn khiến cho hàng loạt ông lớn trên thế giới liên tục đổ tiền vào khu vực này.
Chiếm 50% lượng người truy cập trên tổng lượng truy cập của cả 5 website dẫn đầu, Vatgia.com là mô hình số một tại thị trường bán lẻ trực tuyến VN năm 2013. Với khoảng 24.000 cửa hàng đăng ký tham gia bán sản phẩm, hơn 1,2 triệu lượt truy cập mỗi ngày và đạt giá trị giao dịch 4.000 tỉ đồng/năm. Lazada.vn cũng là website bán lẻ trực tuyến có lượng truy cập cao thứ hai VN (theo comScore). Không chỉ mạnh ở VN, Lazada cũng đang là mô hình bán lẻ trực tuyến hàng đầu tại Thái Lan và Indonesia. Rocket Internet là công ty sở hữu website này. Công ty này vừa kêu gọi thành công thêm 120 triệu USD đầu tư cho 2 website bán lẻ thời trang là Zalora (tại VN với phiên bản Zalora.vn) và Iconic (ở Úc) và tăng thêm 250 triệu USD vốn đầu tư cho Lazada…
Thưa ông, ngoài việc rót vốn thì CAV còn mang lại những giá trị gì cho các startup chuẩn bị khởi nghiệp, nhất là đối với thị trường VN?
Ngoài rót vốn thì CAV mang lại những lợi ích vượt trội mà nhiều tập đoàn khác không có được. Đó là, Tập đoàn mẹ CyberAgent vốn xuất thân là một công ty internet nên sở hữu nhiều kinh nghiệm. Vì vậy khi đầu tư vào các công ty khởi nghiệp, chúng tôi có thể chia sẻ những kinh nghiệm xuất phát từ thực tiễn cho các startup non trẻ…
Cộng với hệ thống thông tin rộng khắp mà CAV đã xây dựng được khắp các quốc gia cho đến Silicon Valley ở Mỹ. Ở những thị trường mà chúng tôi hoạt động, mỗi văn phòng đại diện tuy chỉ có ít người nhưng có thể hỗ trợ tương tác lẫn nhau. Ví dụ, nếu một startup khởi nghiệp tại VN muốn tiếp cận thị trường nước ngoài, CVA có thể giúp họ tiếp cận các đối tác ở đó một cách nhanh chóng và cung cấp những thông tin cần thiết để triển khai hoạt động.
Tiki.vn là một ví dụ điển hình, khi đã được CAV chấp thuận rót vốn, điều này đồng nghĩa với việc công ty đó đã trải qua một vòng thẩm định khắt khe của nhà đầu tư Nhật. Cho nên việc công ty khởi nghiệp được nhà đầu tư khác của Nhật quan tâm là điều rất dễ hiểu…
Thưa ông để thị trường TMĐT phát triển và tạo các cú hích cho startup khởi nghiệp thì điều quan trọng nhất hiện nay cần phải có những chính sách gì để khuyến khích?
Lĩnh vực TMĐT VN vẫn còn non trẻ và còn quá nhiều việc để làm, nhưng tôi tin rằng VN sẽ gặt hái được thành công. Bởi sự thành công này không chỉ truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ Việt Nam, mà còn có thể truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong khu vực châu Á.
Dù thực tế đáng buồn là có rất nhiều ngành công nghiệp tại Việt Nam không có khả năng cạnh tranh với nước ngoài, và sẽ mất rất nhiều năm để theo kịp được họ.Tuy nhiên, với tính chất “thế giới phẳng” đặc thù của ngành TMĐT, tôi tin là nhiều DN VN có tiềm năng tạo ra được thế đứng cạnh tranh ngang với nhiều công ty đến từ nước ngoài để ghi tên mình vào bản đồ công nghệ thế giới.
Tuy nhiên, vẫn còn cái “khó bó cái khôn”, đó là khởi nghiệp chỉ vài chục hoặc vài trăm nghìn USD mà nhiều nhà đầu tư phải mất từ 6-12 tháng, hoặc bỏ ra chi phí lớn tương đương chỉ để hoàn tất thủ tục đầu tư thì các startup khởi nghiệp chưa kịp ra sản phẩm đã “chết”. Do vậy, ngay từ bây giờ để thị trường TMĐT phát triển và là cơ hội cho các startup khởi nghiệp, các cơ quan Nhà nước, Chính phủ cần thay đổi để giúp cộng đồng khởi nghiệp này phát triển nhanh và bền vững, ngày càng thu hút được nhiều vốn từ các Quỹ đầu tư nước ngoài…
Xin cảm ơn Ông!
Theo hoclamgiau