Ngân hàng và những thông tin… khiêm tốn

Chưa bao giờ thị trường tài chính Việt Nam có nhiều xáo trộn và biến động bất ngờ như giai đoạn 2 năm vừa qua. Sự việc bầu Kiên chưa lắng, nay lại xảy ra “cơ sự” đối với những nhà cựu lãnh đạo một Ngân hàng mà chỉ mới đây thôi, định chế này còn gây chú ý sâu sắc của thị trường bởi gói tín dụng liên kết trị giá lớn được công bố vào thời điểm mà kể cả các ngân hàng lớn cũng đều “khiêm tốn” tính toán các gói tín dụng nhỏ và lẻ.

Ảnh minh họa

Khoan nói đến chuyện cơn cớ gì đã khiến các cựu lãnh đạo ngân hàng bị rơi vào vòng lao lí. Chỉ riêng quyết tâm ra tay đầy bất ngờ của các cơ quan quản lí, và chỉ sau thông điệp sẽ có thể cho ngân hàng phá sản nếu hoạt động kém hiệu quả dẫn tới thua lỗ khó khăn và không có phương án phục hồi thanh khoản, đã thấy rõ các cơ quan quản lí quyết tâm tới mức độ nào và có thừa sự tự tin vào năng lực kiểm soát mọi hệ lụy trên thị trường – mạch máu tiền tệ ngân hàng – chặt chẽ ra sao. Bởi cho dù có điều gì nhạy cảm xảy ra thì trong bối cảnh hiện nay, tin rằng sẽ chẳng có ngân hàng nào và các chủ thể chính của ngân hàng nào là khách hàng tổ chức, cư dân trên thị trường có nguy cơ bị thiệt thòi, vạ lây vì các quyết định quán triệt tuân thủ chính sách và pháp luật.
Thực tế, ngay sau sự việc không thể xem là “như không” diễn ra, ngân hàng trong cuộc đã lập tức có thông cáo hoạt động ngân hàng đang ổn định. Với sự hậu thuẫn của Ngân hàng Nhà nước, cam kết bảo đảm thanh khoản, an toàn tiền gửi và mọi việc vẫn duy trì, diễn ra hết sức bình thường. Ngân hàng Nhà nước cũng có hẳn một thông cáo khẳng định sự việc này không không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Ngân hàng trong cuộc.
Tuy nhiên, cái giá của thông tin nhạy cảm khi chính thức đưa ra tất nhiên cũng khó tránh chạm đến tâm lí nhạy cảm của thị trường. Đây đó cũng vẫn có người cho rằng đã có người dân đến ngân hàng rút tiền và tâm lí của cả thị trường đang rơi vào bất ổn. Nhưng sự việc trên tổng thể rõ ràng đã không quá mức nhạy cảm như mức độ đồn đoán. Chứng khoán – hàn thử biểu của nền kinh tế – những con số xanh đỏ khó dối đã không sốc đến tuột dốc thẳng đứng như thời điểm diễn ra sự việc bầu Kiên. Tin nhạy cảm giờ đây đã bớt nhạy cảm. Hay có thể tâm lí người dân sau lần 1, cũng trở nên “lì” hơn và thậm chí đã nhen nhóm ý nghĩ rằng có lần 1 thì sẽ có… lần 2 (và hy vọng là không có lần 3, lần 4, lần n nữa… ).
Một khi mức độ phản ứng của thị trường với các thông tin nhạy cảm trở nên ít nghiêm trọng, sẽ có những giải thiết sẽ được đặt ra: Nhà đầu tư vốn dĩ đang trong tâm lí thận trọng? Thị trường đã thoát dần ra khỏi sự ảnh hưởng của một số tác nhân? Trong trường hợp vừa diễn ra có lẽ cả hai giả thiết này đều có điểm đúng. Đặc biệt ở giả thiết sau, với một suy nghĩ công bằng và vì lợi ích chung, chẳng có lí do gì để chúng ta đóng đinh một nuối tiếc rằng nếu mất đi một Steve Jobs, Apple và cả nền kinh tế Mỹ đều rơi vào khủng hoảng. Tim Cook tất nhiên sẽ không rực sáng như sáng lập gia Steve, nhưng ông rõ ràng đã đảm đương tốt và vẫn tiếp tục đưa miếng táo cắn dở tiến vào thời đại công nghệ thông tin mới. Huống chi một vài thương hiệu doanh nhân trong nền kinh tế Việt hôm qua, ngày nay cũng không phải là Steve Jobs. Mọi sự nhạy cảm quá mức với những “nhân hiệu” của thị trường, sẽ khiến thị trường càng dễ đánh mất tính tích cực của một diện mạo tâm lí đang dần bước khỏi đồng phục đám đông.
Nếu chúng ta không “adua” theo câu chuyện đám đông, nhìn mọi chuyện theo chiều hướng rối ren của hôm nay khi được gỡ sẽ là sự minh bạch của ngày mai, thì chắc rằng những thông tin nhạy cảm cũng dần dà tiến đến bị “khóa” sạch mọi từ trường nhạy cảm!

Theo dddn