5 thách thức và 4 giải pháp cho tiến trình cổ phần hóa DNNN

Nhiệm vụ chung mà Thủ tướng đã quán triệt với các Bộ ngành địa phương và lãnh đạo các DN nhà nước đến hết năm 2015, Chính phủ sẽ kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN trong đó trọng tâm là cổ phần hóa, kể cả với các tập đoàn kinh tế, thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, tách bạch sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị công ích. 

Ảnh minh họa
Đứng trước tình hình kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trong năm 2014 – 2015 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn như nợ công ở châu Âu hay suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ tăng trưởng chậm và giảm phát, nguy cơ rủi ro trong hoạt động của hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn. Lãi suất cho vay tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao và DN vẫn khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Kiên quyết là vậy, nhưng việc cổ phần hóa cho giai đoạn 2014 – 2015 có những thách thức sau đây:
Thứ nhất, nhiều DNNN đã hoạt động không hiệu quả và thua lỗ lớn, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của DNNN rất thấp. Sự yếu kém của các tập đoàn, tổng công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước đã và đang trở thành vấn đề thời sự, thu hút sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Do đó, sẽ khó thúc đẩy tiến độ cổ phần hóa DNNN như mục tiêu đã đề ra.
Hai là, giai đoạn 2015-2018 sẽ có nhiều tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh của các DN Việt Nam. Việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan càng đến gần, tính chất tự do hóa kinh doanh thị trường sẽ đậm nét hơn, hàng rào kỹ thuật càng trở nên đa dạng, phức tạp hơn, cao hơn đối với các DN và hàng xuất khẩu Việt Nam. Chính vì vậy, khi cổ phần hóa các DN cần có sự chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa NK có mức giá ngày càng giảm.
Ba là, thách thức về nguồn nguyên liệu tự nhiên đang dần cạn kiệt trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là nguồn năng lượng dầu mỏ, làm cho chi phí đầu vào của các DN gia tăng. Điều này tạo ra sức ép cho tất cả các nước nhằm phát triển ổn định kinh tế lâu dài.
Bốn là, thách thức về tài chính và vốn đầu tư cho phát triển DN. Đây chính là một trong những điều bức xúc nổi bật đối với nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Năm là, chính sách lao động dôi dư: Xây dựng chính sách giải quyết lao động dôi dư khi cổ phần hóa, đây cũng là một thách thức rất lớn cho việc cổ phần hóa DN hiện nay.
Trước tình hình chung, để đẩy mạnh công việc tái cấu trúc DNNN bằng biện pháp cổ phần hóa, cần có những giải pháp như sau: 
Thứ nhất, xác định cụ thể giá trị quyền sử dụng đất của DN và đối chiếu toàn bộ công nợ khi xác định giá trị DN cổ phần.
Thứ hai, xác định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần chi phối, ngành nào không cần. Từ đó, đẩy mạnh sắp xếp DNNN theo hướng chỉ tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ, chi phối.
Thứ ba, kiên quyết sắp xếp, giải thể các DNNN hoạt động không hiệu quả, làm ăn thua lỗ kéo dài, không có khả năng khôi phục; chấn chỉnh tình trạng nhiều DNNN mở quá rộng ngành nghề mới không liên quan đến ngành nghề chính, không góp phần làm cho ngành nghề chính lớn mạnh mà còn làm cho nguồn lực của tập đoàn, tổng công ty bị phân tán, mang nhiều rủi ro trong kinh doanh.
Thứ tư, Nhà nước kiên quyết không ưu đãi, hỗ trợ các tập đoàn, TCty nhà nước dưới dạng bao cấp hoặc bảo hộ. Cần tập trung hoàn thiện chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, tự chủ, minh bạch cho hoạt động của DN sau khi CPH.

Theo TS Nguyễn Thị Mỹ Dung Trường đại học Tài chính – Marketing/dddn