Sáng nay (30/7), dưới sự chỉ đạo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã phối hợp với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ PVI Sun Life tổ chức Hội thảo: “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động”.
Các vị khách mời đăng ký tham dự Hội thảo
Đúng 9h00, Hội thảo bắt đầu.
Tham dự Hội thảo có Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Phạm Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; Ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM, Trưởng ban phản biến chính sách Hội các nhà quản trị DN Việt Nam; Ông Phạm Ngọc Tuấn – Tổng biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Phạm Anh Đức – Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life; Ông Michael Stewart Elliott – Tổng Giám đốc PVI Sun Life.
Hội thảo còn có sự hiện diện của hơn 200 đại biểu là đại diện các Hiệp hội Doanh nghiệp ngành, khối ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp các Tỉnh, đại diện lãnh đạo các Liên đoàn Lao động, Sở Lao động thương binh xã hội các Tỉnh, Giảng viên khoa bảo hiểm, bộ môn Bảo hiểm của các trường Đại học, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tại Hà Nội và khu vực lân cận.
Từ trái qua phải: ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM, Trưởng ban phản biến chính sách Hội quản trị các nhà DN Việt Nam; Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Phạm Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Cần sự góp sức của toàn xã hội
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: Đây là một chủ đề quan trọng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Tại kì họp Thứ XIII, Quốc hội khóa VIII (T5/2014), Dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi được trình Quốc hội với 2 điểm sửa đổi quan trọng. Thứ nhất, số năm làm việc của người lao động trước khi được nghỉ hưu sẽ kéo dài hơn, đồng nghĩa với việc phải đóng góp nhiều hơn cho Quỹ BHXH. Thứ hai, lương hưu mà người lao động nhận được khi nghỉ hưu sẽ ít hơn so với cách tính tiền lương hưu hiện hành. Cả hai thay đổi này cùng hướng đến một mục tiêu nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối thu – chi của Quỹ BHXH, tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH. Tuy nhiên, tại các phiên thảo luận đa số Quốc hội tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phản đối việc tăng tuổi nghỉ hưu như tờ trình mà Ban soạn thảo luật đưa ra.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
Thực tế cho thấy, vấn đề này chỉ có thể giải quyết được khi thực hiên đồng bộ các giải pháp bảo tồn và phát triển Quỹ, trong đó giải pháp dài hơi là mở rộng đối tượng tham gia BHXH và phải hướng tới BHXH toàn dân.
Trong khi các giải pháp khác nhằm cứu quỹ BHXH cần có chế tài và thời gian để triển khai thì việc triển khai hình thức Bảo hiểm hưu trí tự nguyện (BHHTTN) được cho là một trong những giải pháp nhằm giảm gánh nặng của quỹ BHXH, tăng an sinh xã hội cho người dân. Ngày 20/8/2013, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 115/2013/TT-BTC về việc về việc Hướng dẫn BHHT và Quỹ HTTN áp dụng đối với các DN bảo hiểm nhân thọ triển khai BHHTTN tại Việt Nam. Đây được cho là hành lang pháp lý quan trọng để các DN Việt Nam tham gia vào thị trường khá mới mẻ này.
TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, sự ra đời của loại hình BHHTTN tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể tự tham gia, đóng góp, giúp có thêm nguồn thu nhập ổn định khi đến tuổi về hưu. Bên cạnh đó, BHHTTN cũng tạo cơ hội cho các DN đa dạng hóa loại hình hoạt động, làm phong phú thêm sản phẩm bảo hiểm, góp phần hỗ trợ, bổ sung thêm nguồn quỹ BHHT quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.
Phóng sự “Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: Cơ hội cho doanh nghiệp và người lao động”
“Việc hình thành và phát triển hai loại hình BHHTTN sẽ góp phần bổ sung thêm trụ cột vào hệ thống hưu trí đơn lẻ hiện nay, giúp cải cách hệ thống hưu trí Việt Nam dần trở thành hệ thống đa trụ cột, đem lại sự bền vững và đảm bảo tính đầy đủ hơn cho hệ thống hưu trí. Đây được xem là giải pháp có tính chiến lược dài hạn đối với hệ thống an sinh xã hội nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung. Đối với người tham gia đóng góp, BHHTTN và BHHT bổ sung sẽ giúp NLĐ cải thiện khả năng tài chính để có cuộc sống tốt hơn sau khi được đáp ứng nhu cầu tối thiểu bởi quyền lợi theo chế độ BHXH và có thể chủ động đối phó với các rủi ro phát sinh trong cuộc sống. Đối với thị trường tài chính, lượng vốn hình thành từ các quỹ HTTN và bổ sung sẽ gia tăng nguồn vốn đầu tư dài hạn trên thị trường vốn Việt Nam, tạo điều kiện cho sự phát triển về chiều sâu và mang tính bền vững của thị trường vốn. Ngoài ra, dòng vốn từ các quỹ hưu trí sẽ được tái đầu tư trở lại nền kinh tế, góp phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế” – Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nói.
Cũng theo Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Tài chính có vai trò rất lớn trong việc thiết kế chương trình cải cách tổng thể, hoạch định chính sách, tạo hành lang pháp lý và đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhận thức cộng đồng về việc tham gia các chương trình HTTN. Quá trình này sẽ còn rất nhiều khó khăn và thách thức trong thời gian tới và cần phải có sự góp sức của toàn bộ xã hội. Đó là sự nỗ lực, cố gắng của các DN bảo hiểm trong việc chuẩn bị và đảm bảo năng lực, nguồn lực, triển khai các chương trình HTTN, đón đầu cơ hội kinh doanh một loại hình sản phẩm mới đảm bảo an toàn và góp phần vào cải thiện an sinh xã hội. Đồng thời, để mô hình này thực sự phát huy huy quả cũng cần sự hợp tác đặc biệt từ phía người lao động, người sử dụng lao động và cả các bên trung gian cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống.
Sự cần thiết của mô hình BHHTTN
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, theo dự báo của nhiều quốc gia, Việt Nam có quá trình già hóa dân số diễn ra nhanh chóng. Từ kinh nghiệm quốc tế đưa ra để xử lý vấn đề này thì theo Ngân hàng thế giới, một giải pháp đề xuất là hệ thống hưu trí đa tầng bao gồm 5 tầng: tầng 1 là tầng không đóng góp và nguồn 100% từ ngân sách Nhà nước, tầng 2 là tầng hưu trí cơ bản, tầng 3 là hưu trí nghề nghiệp, tầng 4 là tầng hưu trí cá nhân, tầng 5 là tầng tiết kiệm cá nhân.
“Về dài hạn một hệ thống hưu trí Việt Nam cần hướng đến an ninh thu nhập cần được thiết kế đa tầng, đan xen và hỗ trợ nhau cũng như dễ dàng chuyển đổi” – ông Giang nhấn mạnh.
Ông Phạm Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát biểu tại Hội thảo
Về vai trò của BHHTTN, ông Giang cho biết, đối với NLĐ đó là tổng lợi ích của NLĐ được cải thiện, giúp NLĐ tập trung lao động phục vụ DN; tiết kiệm chi tiêu lúc trẻ để dành cho tuổi già, đảm bảo cho cuộc sống hưu trí không phải phụ thuộc vào con, cháu và phúc lợi xã hội của nhà nước; giúp đa dạng hóa và cải thiện lương hưu cho NLĐ khi nghỉ hưu, giảm rủi ro phụ thuộc vào nguồn thu nhập từ hưu trí cơ bản; giảm gánh nặng cho các thế hệ lao động kế cận. Đặc biệt, thông qua việc quản lý bằng tài khoản cá nhân, NLĐ có thể biết rõ thu nhập tương lai của mình, từ đó thúc đẩy động lực tiết kiệm.
Đối với người sử dụng lao động, việc tham gia BHHTTN sẽ nâng cao tổng lợi ích cho NLĐ, góp phần đảm bảo tương lai cho NLĐ, tạo động lực để NLĐ gắn bó lâu dài với DN; tiết kiệm chi phí thuế khi tham gia đóng góp vào BHHTTN. Việc đóng vào quỹ HTTN cũng chính là cách DN chia sẻ thành quả kinh doanh của mình đối với NLĐ.
Đối với nhà nước, xã hội, việc đa dạng hoá nguồn thu nhập của người nghỉ hưu sẽ giúp giảm các tác động xấu đối với xã hội khi có vấn đề với hưu trí cơ bản. HTTN ra đời cũng giúp giảm áp lực cho ngân sách nhà nước và quỹ hưu trí cơ bản: khi người dân tự lo được tương lai của mình, nhà nước sẽ bớt gánh nặng. Đồng thời, tạo nguồn lực dài hạn phát triển thị trường vốn, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Hơn 200 đại biểu khách mời tham dự Hội thảo
Do đó, theo ông Giang, sự cần thiết thực hiện BHHTTN (bổ sung) tại Việt Nam thứ nhất được xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Cụ thể, hiện đã có một số DN thực hiện BHHT bổ sung cho nhân viên. Tuy nhiên, do chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ, nên mỗi DN thực hiện một cách khác nhau. Bên cạnh đó, những DN này và NLĐ khi tham gia đóng góp chưa nhận được sự khuyến khích nào từ phía Nhà nước.
Thứ hai, sự cần thiết thể hiện ở nhu cầu đa dạng hoá nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống người nghỉ hưu của NLĐ. Ông trình bày, đối với đại đa số NLĐ Việt Nam, hưu trí cơ bản (BHXH hiện nay) là nguồn thu nhập duy nhất. Trong khi đó, ở hầu hết các nước, hưu trí cơ bản không được coi là nguồn thu nhập hưu trí duy nhất. Ví dụ, hưu trí cơ bản chiếm 60% tổng thu nhập người nghỉ hưu ở Thái Lan, chiếm 20-25% ở Pháp và 58% ở Mỹ. Hưu trí bổ sung chiếm 20% tổng thu nhập người nghỉ hưu ở Thái lan, chiếm 55-60% ở Pháp và 30% ở Mỹ. Ngoài ra, mức lương hưu hiện nay là thấp, bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Thứ ba, sự cần thiết giảm áp lực đối với hưu trí cơ bản và ngân sách nhà nước. Trên thực tế, lương hưu đã được điều chỉnh theo tốc độ của lương tối thiểu. Trong giai đoạn 2007 – 2012, qua 6 lần điều chỉnh, lương hưu đã tăng bình quân 26,8%/năm. Trong khi đó, lãi suất đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH cơ bản cùng thời kỳ chỉ tăng bình quân khoảng 10,1%/năm. Điều này tạo áp lực rất lớn lên Quỹ BHXH hiện tại và ngân sách nhà nước. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng nhanh trong các năm tới.
Ông Giang cũng nhận định: Đây là thời điểm tốt nhất để thực hiện BHHTTN bởi hiện Việt Nam đang có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động hơn 58% dân số, đến 2020, con số này là gần 62%; Tổng thu nhập bình quân đầu người năm 2013 khoảng 2.000 USD/người/năm; Cơ sở hạ tầng để thực hiện HTTN đã sẵn sàng với 46 công ty quản lý quỹ, 9 ngân hàng có chức năng giám sát, các tập đoàn, DN bảo hiểm.
“Do đó, HTTN được thực hiện càng sớm càng tốt vì việc trì hoãn sẽ làm cho việc đảm bảo cuộc sống người nghỉ hưu khó khăn hơn” – ông khẳng định.
Lợi ích lâu dài của loại hình BHHTTN
Dưới góc độ của DN và NLĐ, ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM, Trưởng ban phản biện chính sách Hội đồng các nhà quản trị DN Việt Nam cho rằng có hai lý do để chúng ta phải sớm triển khai BHHTTN. Thứ nhất, đây là hình thức hỗ trợ đắc lực cho BHXH vì nó khắc phục được hạn chế của BHXH là đối tượng hạn chế và yêu cầu phải có hợp đồng lao động, thủ tục BHXH rất nhiêu khê và phiền hà. Thêm nữa, mức đóng BHXH và đóng theo mức lương. Vì thế, khi về nghỉ hưu lương hưu thấp dù người muốn đóng bảo hiểm thêm cũng không được do quy định. Thêm nữa, hiện còn rất DN không tham gia nộp BHXH cho NLĐ nên số lượng NLĐ đóng BHXH ngày càng hẹp. Do đó, rất cần hình thức bảo hiểm khác hỗ trợ đó là BHHTTN. Thứ hai, khung pháp lý cho BHXH nói chung và BHHTTN cũng phải được nghĩ đến.
Ông Vũ Xuân Tiền – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty tư vấn VFAM, Trưởng ban phản biện chính sách Hội đồng các nhà quản trị DN Việt Nam
Về lợi ích lâu dài đối với các DN sử dụng lao động, đây là biện pháp thu hút nhân tài, giữ chân NLĐ. Loại hình bảo hiểm này có tác động trực tiếp tới quyền lợi cá nhân của NLĐ. Đối với NLĐ thì lợi ích là được tham gia với cơ chế thông thoáng, quyền lợi được hưởng được rộng hơn. Ví dụ thông tư 115 của Bộ Tài chính đã cho phép người thân có quyền được bảo hiểm cùng và bảo hiểm tốt hơn, cao hơn khi đến tuổi về hưu. Với các DN kinh doanh bảo hiểm, đây là thời cơ rất quan trọng để mở rộng kinh doanh. “Tôi cho rằng đây là thị trường đầy tiềm năng dù trong giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn” – ông Tiền nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên ông kiến nghị: DN cần tuyên truyền rộng hơn để NLĐ biết sản phẩm này. Thực tế, bên cạnh các DN sản xuất khó khăn thì hiện nay đang có rất nhiều DN có hiệu quả kinh doanh tốt rất quan tâm tới loại hình bảo hiểm này. Các DN cần xây dựng các hợp đồng BHHTTN một cách đơn giản, dễ hiểu. Đối với DN sử dụng lao động cần lập danh sách NLĐ tham gia bảo hiểm một cách chu đáo.
Đối với NLĐ, cần tiết kiệm chi tiết để tham gia đóng BHXH. Quan trọng là hướng tới ‘của để dành’ cho tương lai.
Cơ hội và thách thức
Tại hội thảo, ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã trình bày đề tài: Cơ hội và thách thức của DN bảo hiểm khi tham gia thị trường BHHTTN.
Theo ông Lộc, với thực trạng hiện nay chúng ta cần thiết phải triển khai BHHTTN vì trước hết đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội cho lớp người cao tuổi, phù hợp với thực trạng dân số và gia đình Việt Nam hiện nay, bổ sung cho chế độ BHXH về người được hưởng hưu trí. Bên cạnh đó, BHHTTN còn tạo ra sự công khai, minh bạch, bình đẳng giữa nghĩa vụ đóng góp và quyền lợi được hưởng, cũng như sự lựa chọn quyết định của người tham gia bảo hiểm.
Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Ông nhận định đây là cơ hội của DN bảo hiểm triển khai BHHTTN. Cơ hội đó được thể hiện qua một số đặc điểm về cơ cấu dân số và chính sách bảo hiểm Việt Nam như mọi người lao động khi hết độ tuổi lao động cần có thu nhập hưu trí; dân số Việt Nam già hóa nhanh, 2 con phụng dưỡng 4 cha mẹ già; được Nhà nước khuyến khích bằng Nghị định của Chính phủ, Thông tư 115 của Bộ Tài chính….
Để thấy được những thách thức với DN bảo hiểm thực hiện chế độ BHHTTN và Quỹ HTTN, ông Lộc đã đi từ sự phân tích khái niệm, đặc điểm, quyền lợi của loại hình này để nhìn nhận vấn đề.
Những thách thức khác còn được thể hiện như còn nhiều DN dân doanh chưa quan tâm tới hưu trí cho NLĐ; các hộ tiểu thương, tiểu chủ, chủ trang trại muốn có bảo hiểm nhưng sợ lạm phát; văn hóa gia đình ông bà còn lo cho con cháu, không nghĩ tới dưỡng lão; cơ sở Viện dưỡng lão, viện lão khoa chưa phát triển…
Ông cho biết, cơ hội nhiều nhưng không ít thách thức đặt ra cho các DN bảo hiểm về việc quản lý, cơ chế pháp lý, các quyền lợi cần hài hòa cho DN và người lao động. Do đó, các DN bảo hiểm cần xây dựng chính sách và chiến lược lộ trình phù hợp để triển khai sớm loại hình bảo hiểm này.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Anh Đức – Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life cho biết, chương trình Hưu trí PVI Sun Life có 2 giai đoạn chính. Đầu tiên là giai đoạn tích lũy trước tuổi về hưu. Trong giai đoạn này, các khoản đóng góp sẽ được chuyển vào tài khoản Hưu trí cá nhân. Người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi lãi tích lũy trên giá trị tài khoản của mình. Các chuyên gia đầu tư đầy kinh nghiệm của Sun Life financial và PVI sẽ đầu tư khoản tiền này theo các kênh đầu tư đã được nhà nước cho phép như trái phiếu chính phủ, đầu tư tiền gửi ngân hàng và các kênh đầu tư khác nhằm tạo ra lãi suất tích lũy hấp dẫn. Ngoài ra trong giai đọan này người tham gia sẽ được hưởng quyền lợi bảo hiểm trước những rủi ro về thân thể và tính mạng.
Ông Phạm Anh Đức – Chủ tịch HĐTV PVI Sun Life
Khi đến tuổi về hưu, chương trình chuyển sang giai đoạn chi trả. Người tham gia lúc này sẽ được nhận quyền lợi Hưu trí theo lựa chọn hàng tháng, quý, năm theo nhu cầu tài chính của mình. Tài khoản Hưu trí cá nhân lúc này vẫn tiếp tục được sinh lãi hàng tháng.
Theo ông Phạm Anh Đức, tham gia chương trình HTTN, cả DN và NLĐ đều được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Vì vậy, khách hàng hoàn toàn an tâm hơn khi biết rằng những khoản tiết kiệm của mình vẫn luôn sinh lợi đều đặn hàng năm với mức lãi suất ghi nhận được công bố hàng tháng không thấp hơn mức lãi suất tối thiểu được đảm bảo. Đóng góp của NLĐ sẽ được khấu trừ từ thu nhập chịu thuế với mức khấu trừ lên đến 12 triệu đồng/năm.
Đặc biệt đối với các DN sẽ được hưởng nhiều lợi ích cũng như những chính sách ưu đãi về thuế. Bởi đóng góp của DN cho NLĐ sẽ được tính vào chi phí theo quy định của pháp luật cho DN. NLĐ sẽ chỉ chịu Thuế thu nhập cá nhân vào thời điểm chi trả. Ví dụ: Nam, 40 tuổi, đóng góp 2 triệu đồng/tháng (1triệu đồng từ DN – 1 triệu đồng từ NLĐ) trong vòng 20 năm, tính cả khoản đầu tư gốc, các khoản thuế được hoãn và miễn, cộng lãi đầu tư được đóng góp vào Chương trình Hưu trí PVI Sun Life, khách hàng sẽ thu về 1,018 tỉ đồng. Đối với DN: một DN với 200 nhân viên, khoản đóng góp vào chương trình HTTN là 12 triệu đồng/mỗi nhân viên/năm và với thuế thu nhập DN 22% sẽ tiết kiệm được 528 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, với chương trình HTTN PVI Sun Life, người lao động sẽ có các quyền lợi như: Tài khoản Hưu trí được tích lũy lãi trong suốt thời giam tham gia, bao gồm cả giai đoạn chi trả. Có 2 loại lãi bao gồm: Thứ nhất, lãi đầu tư thực tế từ hoạt động quỹ, lãi này được chi trả hàng tháng. Riêng đối với HTTN, khoản phí quản lý quỹ này bị quy định giới hạn ở mức tối đa 2%, tức là kết quả hoạt động của quỹ đạt bao nhiêu % tăng trưởng thì sẽ chia hết vào các tài khoản cá nhân Hưu trí cá nhân, công ty chỉ giữ lại tối đa 2% phí quản lý. Thứ hai, lãi thưởng theo giá trị tài khoản, giá trị tài khoản càng lớn thì mức thưởng càng nhiều. Lãi thưởng này được chi trả hàng năm theo tỷ lệ tăng dần (từ 0,25% đến 0,75%) và không phụ thuộc kết quả đầu tư quỹ.
Chương trình này có ưu điểm nổi bật đó là thời gian, số tiền đóng và hưởng linh hoạt. Trong trường hợp người tham gia gặp rủi ro trong giai đoạn chi trả, giá trị tài khoản tích lũy không mất đi mà sẽ được chuyển toàn bộ cho người thụ hưởng.
Theo dddn