Tăng trưởng tín dụng gặp khó trong 6 tháng đầu năm nhưng con số lợi nhuận của nhiều ngân hàng công bố lại cho thấy một kết quả khả quan.
Ảnh minh họa.
Bình luận về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng kết quả lợi nhuận của một số ngân hàng cho thấy một sự thật là tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng không giảm, vẫn ở mức 3% – 4%.
Co kéo lợi nhuận
Theo vị này, thời gian qua lãi suất cho vay thật sự có giảm nhưng là do lãi suất huy động giảm chứ biên độ chênh lệch lãi suất cho vay/huy động không giảm. Điều này cho thấy các ngân hàng vẫn chưa thật sự muốn giảm lợi nhuận để kích thích tăng trưởng tín dụng.
Một CEO ngân hàng cổ phần lớn cũng cho biết, nếu nhìn “bề nổi” những gói tín dụng ưu thì lãi suất có vẻ thấp, nhưng tính bình quân cả kỳ hạn vay lãi suất cho vay phải thực dương, có như vậy thì ngân hàng mới đảm bảo lợi nhuận.
Ví như, một doanh nghiệp A vay 100 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 3 tháng đầu là 6%/năm, thì lãi suất 9 tháng còn lại sẽ dao động khoảng 9 – 11%/năm (tùy từng ngân hàng), cao hơn mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng khoảng 8%/năm.
Cùng quan điểm trên, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT DongABank, cho rằng thường thì lợi nhuận năm nay phản ánh kết quả hoạt động tín dụng năm trước của các ngân hàng. Do vậy, lợi nhuận 6 tháng năm nay của các ngân hàng là nhờ thu lãi từ hoạt động tín dụng của năm 2013 cũng như hoạt động thu hồi nợ.
“Thực tế thì lãi suất cho vay năm 2013 vẫn cao, bên cạnh đó, những khoản nợ cũ vẫn có lãi suất cao nên lợi nhuận của nhiều ngân hàng mới khả quan. Tuy vậy, lợi nhuận năm nay cũng đã sụt giảm nhiều so với những năm trước đó”, ông Kiêm bình luận.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng, để tối đa hóa lợi nhuận, thời gian qua nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Có thể nhận thấy điều này ở các ngân hàng Sacombank hay VIB.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm Sacombank đạt 1.531 tỷ đồng, tương đương với 51% kế hoạch năm. Tổng huy động vốn tăng 12% và tổng dư nợ tăng 10,3% so với đầu năm.
CTCK Vietcombank (VCBS) đánh giá Sacombank đã tận dụng tốt lợi thế bán lẻ để thúc đẩy cho vay đối với phân khúc khách hàng cá nhân và từ đó đạt được mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng.
“Đây cũng là phân khúc cho vay có mặt bằng lãi suất cao hơn trung bình. Tỷ lệ NIM của Sacombank do đó được kì vọng vẫn tiếp tục ở mức cao, vào khoảng 4,1%”, VCBS bình luận.
Hay như VIB có được lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt 151 tỷ đồng, bằng 186% của năm 2013, là nhờ đẩy mạnh cho vay tiêu dùng. Cụ thể, cho vay cá nhân chiếm 46% và cho vay mua nhà tăng 38% so với cùng kỳ năm trước.
Muốn “ăn ngon” hay “ngủ yên”?
Tuy nhiên con số lợi nhuận của những ngân hàng này không phản ánh hết bức tranh của ngành ngân hàng, mà chỉ là kết quả của một số ngân hàng còn đa số các ngân hàng vẫn khó khăn do nợ xấu vẫn tăng, khó thu hồi nợ.
Tình trạng này cũng sẽ tiếp diễn trong 6 tháng còn lại của năm, thậm chí lợi nhuận còn tiếp tục giảm vì nợ xấu tăng, lãi suất cho vay giảm…
Thực tế, nợ xấu đang là vấn đề khiến nhiều ngân hàng đau đầu và thời gian qua, ngay cả ở các ngân hàng lớn như Vietinbank.
Theo CTCK TP.HCM (HSC), dự báo lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong năm 2014 là 6.911 tỷ đồng, giảm 11% dựa trên giả định tăng trưởng tín dụng đạt 13% và tăng trưởng huy động đạt 14%.
“Lợi nhuận giảm chủ yếu là do giả định chi phí dự phòng sẽ tăng mạnh 29% lên 5.344 tỷ đồng. Chúng tôi cũng giả định tỷ lệ nợ xấu sau khi xử lý nợ xấu và bán 1.500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC là 2,0%”, – báo cáo phân tích nhanh của HSC ra ngày 25/7 nhận định về Vietinbank.
Về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng bức tranh lợi nhuận ngân hàng cuối năm có thể tốt hơn nếu ngân hàng biết phân bổ trích lập dự phòng rủi ro đều trong các quý.
“Hiện các ngân hàng bây giờ đang băn khoăn nên chọn “ăn ngon” hay “ngủ yên”. Nếu chọn ăn ngon, thì các quý lợi nhuận sẽ tốt nhưng cuối năm lợi nhuận sụt giảm mạnh vì phải trích lập dự phòng lớn. Còn nếu chọn “ngủ yên” thì trích lập dự phòng dải đều trong các quý, lợi nhuận tuy không cao nhưng sẽ yên tâm cuối năm nợ xấu không tăng vọt”, vị này bình luận.
Với lập luận này, có vẻ nhiều ngân hàng sau một thời gian dài “ăn ngon”, giờ đang muốn “ngủ yên”, nên đã xin Thống đốc NHNN được trích lập dự phòng đầy đủ trong các quý. Nếu các ngân hàng thực hiện như vậy thì lợi nhuận cuối năm sẽ không có nhiều biến động so với 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, lợi nhuận ngân hàng còn bị tác động bởi yếu tố lãi suất. Thường 6 tháng cuối năm tăng trưởng tín dụng sẽ tốt hơn, nhưng nếu vẫn chưa đạt kỳ vọng hoặc chỉ tiêu đặt ra thì nhiều ngân hàng sẽ chấp nhận giảm lãi suất xuống mức sâu hơn, gần tiệm cận với lãi suất đầu vào để kích thích tín dụng.
Như vậy, ngân hàng sẽ bị giảm tỉ lệ NIM và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận. Tuy nhiên, đây sẽ không phải là xu hướng chung mà chỉ xảy ra với từng ngân hàng cụ thể.
Theo Bizlive