Những lỗi cần tránh trong một lá thư xin việc hoàn hảo

Nhiều nhà tuyển dụng thường xem lá thư xin việc là một trong những yếu tố quan trọng để họ có thể đánh giá các ứng viên có phù hợp với công việc hay không.

Ảnh minh họa

Do đó, muốn tạo ấn tượng ban đầu với nhà tuyển dụng, bạn nhất thiết phải tránh các lỗi dưới đây:

1. Nhầm lẫn về giới tính
Đừng bao giờ khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy khó chịu ngay từ khi bắt đầu đọc thư xin việc của bạn bằng việc bạn nhầm lẫn về giới tính của họ trong lời chào đầu thư, chẳng hạn như “Thưa ngài”, “quý ông”, “quý bà”…
Trên thực tế, bạn nên tránh đề cập đến giới tính khi chưa biết chắc người mà mình gửi thư là nam hay nữ. Bởi vì bất kỳ ai cũng cảm thấy khó chịu khi có người gọi sai giới tính của mình. Nhà tuyển dụng sẽ dễ loại hồ sơ của bạn ra một bên nếu thấy bị gọi nhầm. Tốt nhất bạn nên tìm hiểu xem người mà mình gửi thư đến là phụ nữ hay đàn ông để có cách xưng hô phù hợp. Nếu không thực sự chắc chắn, bạn chỉ nên xưng hô một cách chung chung.

2. Viết sai chính tả, ngữ pháp
Thật không có gì thiếu chuyên nghiệp bằng việc gửi tới nhà tuyển dụng một lá thư xin việc mắc lỗi chính tả, hay ngữ pháp. Nếu chưa chắc chắn bạn có thể sử dụng từ điển hoặc phần mềm để kiểm tra lại các lỗi văn bản để tránh những sơ xuất không đáng có.

3. Không ghi rõ vị trí muốn ứng tuyển
Mục đích của nhà tuyển dụng khi đọc thư xin việc của bạn là họ muốn biết bạn đang định tuyển vào vị trí công việc nào. Nhầm lẫn trong khi viết tiêu đề công việc hoặc viết không theo như trong hướng dẫn tuyển dụng có thể mang lại cho bạn những kết quả không như ý muốn.

4. Ghi sai tên người nhận hoặc tên công ty
Đây là một lỗi luôn được coi là cấm kỵ đối với một lá thư xin việc bởi nó thể hiện bạn là một người cẩu thả và không hề quan tâm hoặc quá ít hiểu biết về công ty mà bạn muốn làm việc. Vì vậy, trước khi gửi email bạn cần phải dành thời gian để kiểm tra lại các thông tin trên lá thư xin việc, những thông tin này thường đã có trên thông báo tuyển dụng.

5. Địa chỉ email thiếu tính chuyên nghiệp
Nếu địa chỉ email cả bạn là [email protected] hoặc tương tự như thế, bạn cần cân nhắc và thiết lập một địa chỉ email với một cái tên chuyên nghiệp hơn phù hợp với mục đích xin việc. Email nên là tên đầy đủ của bạn. Bạn cũng nên lưu ý rằng chữ ký cuối cùng cũng phải thể hiện tính chuyên nghiệp.

6. Không làm mới thư xin việc
Có một thói quen mà nhiều người xin việc mắc phải đó là sử dụng thư xin việc cũ với nội dung không thay đổi để xin làm tại một công ty khác. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều ứng viên bị loại bởi họ không chú ý rằng công việc cũ không có những kỹ năng và bằng cấp như đúng yêu cầu của công ty mới.

7. Thư xin việc quá ngắn
Một lá thư xin việc phải được trình bày cho đúng kiểu của một bức thư, chứ không phải chỉ là một đoạn giới thiệu ngắn gửi cho nhà tuyển dụng. Thư xin việc cũng cần trình bày như một bài văn, có mở đoạn, thân đoạn và kết ý, mỗi phần được trình bày mạch lạc, đủ ý để nhìn vào đó, nhà tuyển dụng thấy rõ sự nghiêm túc và tâm huyết của ứng viên.
Nhiều ứng viên cho rằng, không cần viết nhiều trong thư xin việc, chỉ phác thảo vài ý chính, nếu cần sẽ trao đổi thêm khi phỏng vấn. Nhưng thực tế, nếu lá thư xin việc quá cẩu thả, sơ sài, bạn sẽ chẳng có cơ hội được đối diện với nhà tuyển dụng mà trình bày nữa. Tuy nhiên, thư xin việc cũng không nên quá dài dòng văn tự. Tốt nhất là nên gói gọn trong một mặt giấy A4 với những thông tin thật súc tích.

8. Bỏ qua yêu cầu của nhà tuyển dụng
Nhiều ứng viên không cần đọc xem nhà tuyển dụng yêu cầu những gì trong hồ sơ xin việc mà cứ làm theo cách nghĩ của bản thân nên đã mắc sai lầm đáng tiếc.
Nhà tuyển dụng yêu cầu gửi file PDF trong khi ứng viên lại gửi bản word. Họ đề nghị bạn đưa ra những thông tin cơ bản như mức lương mong muốn, điều kiện làm việc… trong khi thư của bạn lại không hề nhắc đến. Những lỗi này cũng sẽ khiến bạn không có cơ hội được gặp gỡ và bày tỏ trực tiếp về khả năng cũng như sự nhiệt huyết của bạn đối với vị trí muốn ứng tuyển đâu.