Vinamilk đã giảm 8,3% (541 tỷ đồng) kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho năm 2014
Tại Đại hội cổ đông thường niêm diễn ra ngày 25/4/2014 vừa qua, Cty cổ phần sữa VN (Vinamilk) đã công bố kế hoạch giảm lợi nhuận, đồng thời tăng đột biến chi phí tiếp thị để giữ thị phần.
Quyền lợi và trách nhiệm
Theo đó Vinamilk đã giảm 8,3% (541 tỷ đồng) kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho năm 2014 và dự kiến tăng chi phí bán hàng lên hơn 30% so với mức 3.276 tỉ đồng của năm 2013. Theo Ban lãnh Vinamilk cho biết đây là cách để họ cạnh tranh với các đối thủ ngày càng lớn mạnh hiện nay. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Cty CP May Quốc tế Thắng lợi cho biết, với việc việc tăng giá mới của dầu DO và FO – nhiên liệu chính trong khâu nhuộm đã khiến chi phí của DN đội lên ít nhất 1 tỷ đồng/tháng. Chưa kể, chi phí vận chuyển cũng tăng cao do xăng dầu tăng. Nhưng cũng không còn cách nào khác nên DN đành phải chấp nhận.
Tuy nhiên, không phải DN nào cũng chấp nhận khi chi phí tăng vượt định mức. Câu chuyện của DN chuyên nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng trong chương trình Chìa khóa thành công – CEO phát sóng trên VTV1 ngày 20/7 với chủ đề: “Quyền lợi và trách nhiệm – Vượt định mức chi phí” là một ví dụ. DN này có phòng kinh doanh (đại diện bởi Trưởng phòng kinh doanh) chủ động khai thác thị trường, tự ứng chi phí để khai thác thị trường trên cơ sở bảo đảm lãi định mức Cty quy định. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế, suốt một thời gian dài Cty không có hợp đồng mới. Gần đây, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, giao dịch và đàm phán, Phòng kinh doanh đã kéo về được một hợp đồng khoảng 1,5 tỷ đồng. CEO rất hài lòng. Tuy nhiên khi Trưởng phòng kinh doanh trình ký hợp đồng, CEO nhận thấy phần chi phí khai thác bị đội lên 3% (45 triệu đồng) so với thông thường. Điều đó có nghĩa là lãi ròng của Cty sẽ giảm đi và CEO không đồng ý với việc này. Nếu CEO không đồng ý thì bản thân Trưởng phòng và phòng kinh doanh sẽ phải chịu nhiều tổn thất. Trong trường hợp đó, Trưởng phòng kinh doanh sẽ không mang hợp đồng về Cty nữa.
Phần 2 của chủ đề này có sự góp mặt của các chuyên gia sẽ được lên sóng vào vào 10h sáng chủ nhật trên VTV1 ngày 27/7/2014
Trong chương trình, CEO và Đại diện phòng kinh doanh của DN này đã có cuộc tranh luận hết sức căng thẳng về vấn đề này. Theo, đại diện phòng kinh doanh: “CEO cần phải thay đổi quy chế của Cty về định mức chi phí cho phù hợp với tình hình thị trường hiện tại. Nếu cứ giữ và tuân theo quy chế cũ thì phòng kinh doanh sẽ không thể kiếm được hợp đồng và bằng chứng là 6 tháng vừa rồi Cty không có một hợp đồng mới nào”. Tuy nhiên, CEO không đồng tình và cho rằng “Quy chế của Cty được xây dựng dựa trên 3 yếu tố: Bối cảnh thị trường, Kết quả hoạt động thực tiễn của DN trong một thời gian dài và Sự đồng lòng nhất trí của HĐQT. Chính vì vậy, CEO không thể thay đổi quy chế ngay lập tức được”. Không đồng tình với quan điểm này của CEO, đại diện phòng kinh doanh cho rằng chi phí là do ngành hàng đang bị cạnh tranh gay gắt, việc tiếp cận, chăm sóc khách hàng gặp nhiều khó khăn nên Phòng kinh doanh đã phải linh hoạt mới kéo được hợp đồng về. Nếu CEO không duyệt thì khoản chi này sẽ không được bù đắp lại. Hơn nữa khi thực hiện hợp đồng này Cty sẽ rất có lợi vì đây chính là phương hướng để mở ra những hợp đồng khác sau này. Tuy nhiên CEO vẫn cương quyết không chấp nhận. CEO khẳng định “sẽ không duyệt phần bội chi này vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, tạo tiền lệ cho các phòng ban khác. Đồng thời việc tăng chi phí sẽ khiến cho lợi nhuận của công ty giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến các cổ đông và giảm phúc lợi của nhân viên”.
Cộng đồng mạng tranh luận
Cộng đồng mạng trên trang Fanpage của chương trình tại https://www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme có rất nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Trong đó có người ủng hộ cách làm của CEO như bạn Quang Khai : “Mình đồng ý với CEO là không ký hợp đồng. Ba phần trăm là con số không hề nhỏ với Cty SME có vốn điều lệ thấp…”. Tuy nhiên theo bạn Doan Thanh Danh “Với trường hợp này, tôi nghĩ CEO nên đồng ý chấp nhận hợp đồng. Thứ nhất: đem lại lợi nhuận cho Cty. Thứ hai: bộ phận sản xuất, dịch vụ và các phòng ban có việc để làm. Thứ ba: phòng kinh doanh có doanh số, tạo động lực làm việc, xóa bỏ tư tưởng chán nản”.
Theo dddn