Để được thành công, hạnh phúc và giàu có thì việc đầu tiên và vô cùng quan trọng đó là phải Thấu hiểu chính bản thân mình là cả một quá trình nổ lực liên tục chứ không hề đơn giản. Khả năng nhận thức và khả năng minh định hỗ trợ rất nhiều trong việc thấu hiểu bản thân
Ảnh minh họa
Định hướng tương lai
Như trong sách “Thấu hiểu & Phát triển Bản thân” tôi đã từng đề cập, có hai điều quyết định khả năng nhận thức của con người đó là:
Khả năng quan sát và tiếp nhận thông tin.
Số lượng và chất lượng mô thức của chúng ta đang sở hữu.
Trong câu chuyện “Thầy bói mù xem voi”, vì không có khả năng quan sát và tiếp nhận thông tin đầy đủ mà những thầy bói mù này có nhận thức và kết luận hoàn toàn sai lệch so với thực tế. Thông thường chúng ta cũng vậy, khi không thấu hiểu bản thân và những vấn đề xung quanh rồi lại nóng vội lựa chọn, định hướng tương lai nên thường dẫn những kết quả không mong đợi.
Số lượng và chất lượng của mô thức cũng cực kỳ quan trọng ảnh hưởng đến quá trình nhận thức. Giả sử khả năng quan sát và tiếp nhận thông tin rất tốt, những thông tin mà ta tiếp nhận đưa vào bộ não là chính xác, nhưng do chúng ta thiếu mô thức hay mô thức không chính xác thì nhận thức của chúng ta cũng sẽ lệch lạc dẫn đến chúng ta không thể thấu hiểu bản thân một cách trọn vẹn. (Hãy đọc sách “Thấu hiểu & Phát triển Bản thân” để hiểu rõ hơn về mô thức).
Các bạn cần làm những việc sau đây để hiểu rõ bản thân và định hướng tương lai một cách phù hợp và hiệu quả.
1. Tự đánh giá bản thân.
Quá trình để thấu hiểu bản thân là quá trình tự vấn, tự đặc câu hỏi. Ta là ai? Ta sinh ra trên đời này để làm gì? Tính cách, thái độ ra sao? Niềm đam mê cuả ta là gì? Kỹ năng, kiến thức, điểm mạnh ở đâu, đã làm được gì và muốn cống hiến gì cho cuộc sống? Ý chí, lòng quyết tâm, dám đương đầu để vượt qua khó khăn, thử thách, có dám mạo hiểm và có sẳn sàng trả giá khi thất bại?… Bên cạnh đó cũng nên tự vấn những thói quen chưa tốt, ta có thắng được bản thân mình không, có kỷ luật bản thân và luôn thực hiện đúng với những gì đã tự hứa hay thường xuyên nhượng bộ, khi không vượt qua nổi sức ì rồi tìm lý do thoái thác. Sau mỗi lần thất bại có quyết tâm hơn hay buông xuôi miễn cưỡng. Bên cạnh thấu hiểu bản thân cũng nên thấu hiểu về các nguồn lực, tình hình tài chính, hoàn cảnh của những người thân, các mối quan hệ sẳn có để quyết định lựa chọn tương lai một cách phù hợp nhất. Nếu được làm theo đam mê của mình là tuyệt với nhất. Hạnh phúc nhất, là khi được làm những điều ta yêu thích và được sống với những người ta yêu thương.
2. Lắng nghe ý kiến người thân
Bản chất con người là luôn tự đánh giá bản thân cao hơn những gì vốn có. Chính vì thế, lắng nghe ý kiến đóng góp, nhận xét của người thân là điều vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình thấu hiểu bản thân mình. Khi lắng nghe phải giữ cái tâm thật bình thản và sẳn sàng đón nhận thông tin một cách khách quan nhất. Không để những định kiến, những cố chấp, bảo thủ hay những yếu tố bên ngoài tác động vào những gì nhận xét, đánh giá của người thân và hiểu theo hướng lệch lạc. Dĩ nhiên phải phân tích phán xét dựa trên cơ sở khoa học chứ không tin một cách tuyệt đối. Có người khi nghe người khác khen thì cứ nghĩ rằng “ta đây là số một” nhưng khi bị chê thì lại bi quan nghĩ rằng “mình là đồ bỏ đi”. Lưu ý: Trong quá trình thu thập thông tin để thấu hiểu bản thân thì những thông tin của người thân là để bổ xung thêm kiến thức, cơ sở dữ liệu để bạn ra quyết định chứ không phải là yếu tố quyết định trong việc lựa chọn, định hướng cho tương lai.
3. Quan sát những người xung quanh có cùng đam mê sở thích.
Để thấu hiểu bản thân là không chỉ tập trung vào bản thân mà còn phải quan tâm đến những người có cùng đam mê sở thích. Đánh giá tài năng và những gì họ đã làm được. Xem xét họ đã đi đến đâu so với vạch xuất phát. Mục đích của việc xem xét, đánh giá những người xung quanh không phải để chạy đua với họ mà để thiết lập mục tiêu cho bản thân mình. Luôn luôn tìm kiếm con đường khác thông minh và hiệu quả hơn. Khi con đường này đã đóng thì lập tức con đường khác sẽ mở ra. Khi quan sát những người xung quanh rồi thường xuyên tự ngẫm để thấu hiểu bản thân mình, bạn cũng sẽ thấy được những thuận lợi cũng như khó khăn trên con đường mà bạn sẽ lựa chọn. Lúc nào cũng suy nghĩ và tìm mọi cách để vươn lên để tiến tới chứ không phải thấy họ quá tài năng, quá thành công thì lại nản chí thối lui.
4. Nâng cao khả năng quan sát và khả năng minh định.
Như tôi đã từng đề cập ở trên, khả năng quan sát quyết định rất nhiều trong vấn đề nhận thức và thấu hiểu bản thân. Có một câu chuyện khá hay về khả năng quan sát: Trong một bài học về khả năng quan sát. Vị giáo sư nọ dẫn dắt một đoàn bác sỹ chuẩn bị ra trường đến một trại phong cùi và yêu cầu, bất kỳ ông làm điều gì họ phải quan sát và làm theo nếu không sẽ bị rớt môn kỹ năng quan sát. Trên đường đi các bác sỹ tự nhủ với bản thân “mình là bác sỹ nên kỹ năng quan sát là vô cùng quan trọng”. Chính vì thế, khi đi quan sát cơ sở vật chất và thiết bị của trại, tất cả các bác sỹ quan sát khá chi tiết và ghi chép hết sức cẩn thận. Khi đến thăm một bệnh nhân khá nặng, toàn thân bị lỡ lét và có nhiều con dồi. Các bác sỹ rất cố gắng, nhưng cũng cảm thấy e ngại mặc dù vẻ mặt cũng tỏ ra bình thường. Bất ngờ vị giáo sư chấm vết mủ rồi mút. Các bác sỹ thật sự dao động mạnh, lo lắng không biết làm sao, điều này quá khủng khiếp, nhưng nếu không làm theo thì bị rớt. Chính vì thế, tất cả phải nhắm mắt làm theo, chấm rồi mút. Kết quả: là tất cả bị rớt vì khả năng quan sát không tốt. Thật ra vị giáo sư chấm ngón giữa nhưng mút ngón trỏ, các bác sỹ bị tác động bởi môi trường xung quanh “các vết mủ, lỡ lét, nhiều dồi…” ảnh hưởng tâm lý nên không quan sát đầy đủ. Chúng ta cũng vậy quan sát điều gì cũng đừng để định kiến, cố chấp các yếu tố bên ngoài tác động làm ảnh hưởng đến bản chất thực vốn có của nó.
Để thấu hiểu bản thân một cách trọn vẹn, nên thường xuyên chất vấn bản thân tại sao, tại sao và tại sao??? Khi chúng ta lựa chọn hay quyết định một vấn đề nào đó. Tất cả đều dựa vào bản chất, dựa vào nguyên tắc chứ không dựa vào cảm tính hay các yếu tố tác động từ bên ngoài. Luôn giữ một cái tâm trong sáng và cái đầu minh định. Luôn phân biệt được đúng sai, phải trái, tốt xấu…để quyết định một cách sáng suốt và thông minh nhất.
Có một vị cao thủ võ lâm muốn truyền bí kíp võ công lại cho một trong hai đệ tử, nhưng chưa biết chọn ai. Một hôm, vị cao thủ gọi hai đệ tử lên đứng trước ông. Bất ngờ vị cao thủ hô to CHẠY. Một người thực hiện theo yêu cầu và chạy. Người còn lại loay hoay hỏi chạy đi đâu, chạy hướng nào và chạy để làm gì? Theo bạn ai là người có khả năng minh định tốt hơn, và ai là người có cơ hội.
5. Thường xuyên học hỏi.
“Cuộc đời là một chuổi dài để học hỏi” Học ở trường lớp, ở bạn bè, ở những người xung quanh, học mọi lúc mọi nơi nếu có thể. Thường xuyên đọc sách, những sách báo, tạp chí chuyên ngành mà mình đang theo đuổi. Thường xuyên học để nâng cao kiến thức, nâng cao khả năng minh định và nâng cao khả năng thấu hiểu bản thân để định hương tương lai tốt nhất.