Thất nghiệp là tình trạng có thể xảy ra với bất kỳ ai, dù là người có kinh nghiệm nhiều năm hay mới ra trường. Đặc biệt trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay, việc này ngày càng trở nên phổ biến.
Ảnh minh họa
Những nguyên tắc cơ bản dưới đây sẽ giúp bạn đẩy nhanh tốc độ tìm việc và vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính cũng như cảm xúc:
Nguyên tắc 1: “Chăm chút” kỹ lưỡng cho CV
Vì nôn nóng tìm việc mà nhiều người thất nghiệp “rải” hồ sơ một cách tràn lan, không có tính chiến lược. Như vậy, dù gửi CV nhưng hiệu quả không cao. Họ thường mắc phải những sai lầm dưới đây:
Viết CV cẩu thả: CV là cầu nối đầu tiên giữa bạn với nhà tuyển dụng nên hãy “chăm chút” thật kỹ cho nó, tuyệt đối không để có lỗi chính tả, ngữ pháp. Tốt nhất, bạn nên nhờ người đáng tin cậy và có kinh nghiệm kiểm tra hồ sơ của mình trước khi gửi chúng cho nhà tuyển dụng.
Liệt kê kinh nghiệm không liên quan tới công việc ứng tuyển: Hãy đọc kỹ thông tin tuyển dụng, sau đó kết nối kinh nghiệm, kỹ năng của bạn với yêu cầu, trách nhiệm của vị trí.
“Lỗ hổng” trong lịch sử làm việc: Bạn nên giải thích lý do cho lỗ hổng bằng cách liệt kê những hoạt động tình nguyện từng tham gia, kinh nghiệm, kỹ năng tích lũy được trong thời gian đó.
Liệt kê tất cả những công việc tạm thời, bán thời gian: Như đã đề cập ở trên, bạn chỉ nên liệt qua những kinh nghiệm liên quan tới vị trí ứng tuyển.
Nguyên tắc 2: Coi tìm việc như công việc toàn thời gian
Khi còn đi làm, bạn có mặt ở văn phòng 8 tiếng một ngày từ thứ 2 tới thứ 6, thậm chí còn làm việc vào cuối tuần. Giờ đây khi thất nghiệp, bạn cũng nên dành thời gian và công sức tương tự với quá trình tìm việc. Với 40 tiếng một tuần đó, bạn không nên: nằm dài xem tivi, lướt web một cách vô bổ, chơi game liên tục, “buôn dưa lê” với bạn bè (và đừng bao biện rằng bạn đang xây dựng mối quan hệ), tập trung hoàn toàn vào lau dọn nhà cửa, shopping, nấu ăn.
Để quá trình tìm việc nhanh chóng và hiệu quả, hãy áp dụng một chế độ sinh hoạt nghiêm ngặt và khi đã có việc, bạn có thể tiếp tục thoải mái tham gia các hoạt động đó sau ngày làm việc.
Nguyên tắc 3: Không tự cô lập bản thân
Khi thất nghiệp, bạn có thể ngại ra ngoài và giao tiếp với mọi người, cảm thấy không thoải mái, thậm chí sợ hãi khi có người hỏi công việc của bạn là gì. Thất nghiệp có thể dẫn tới trầm cảm, suy sụp và điều này khiến cho công cuộc tìm việc càng trở nên khó khăn hơn. Để tránh tình huống này, bạn hãy mạnh mẽ và tự tin hơn. Hãy coi thất nghiệp như một chướng ngại vật nhỏ và khi vượt qua được, bạn sẽ trưởng thành và thành công hơn.
Hãy năng động và tích cực hơn, bắt đầu bằng cách gọi điện cho các thành viên trong mạng lưới quan hệ của mình như bạn bè, người thân, đồng nghiệp, sếp cũ. Bạn cũng có thể tham gia các câu lạc bộ nghề nghiệp để cập nhật kiến thức và thông tin tuyển dụng trong lĩnh vực. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là một công cụ hữu ích để duy trì và kết nối với những người mới, giúp bạn đẩy nhanh quá trình tìm việc.
Nguyên tắc 4: Kiên trì
Nếu không kiên trì trong quá trình tìm việc, tình trạng thất nghiệp của bạn sẽ còn kéo dài. Đừng vì một nhà tuyển dụng bạn yêu thích không liên lạc lại mà vội từ bỏ, lơ là quá trình tìm việc.
Đồng thời, bạn nên ở bên cạnh những người lạc quan, tích cực. Hãy tưởng tượng xem bản thân bạn đang buồn chán và những người xung quanh lại không ngừng kêu ca, phàn nàn về tình hình kinh tế khó khăn, thị trường lao động ảm đạm hay những vấn đề riêng của họ, tinh thần của bạn chắc chắn sẽ đi xuống. Bạn cũng có thể đọc những cuốn sách truyền cảm hứng, như câu chuyện thành công của những người thành đạt đi lên từ khó khăn. Bạn sẽ thấy họ phải trải qua những chướng ngại vật khổng lồ, còn “bi đát” hơn tình hình hiện tại của bạn rất nhiều trước khi bước tới đỉnh vinh quang.
Nguyên tắc 5: Không ngừng học hỏi
Không bao giờ là lãng phí thời gian hay sức lực khi học hỏi, dù bạn đang có việc hay thất nghiệp. Tham gia các khóa học ngắn dạy kỹ năng mềm, ngoại ngữ, đọc sách, báo chí hàng ngày về thông tin chuyên ngành là những hoạt động đơn giản nhất bạn có thể thực hiện trong thời kỳ thất nghiệp nhằm gia tăng giá trị bản thân. Kể cả khi đã có việc, không ngừng học hỏi giúp bạn duy trì sự cạnh tranh, thích nghi nhanh với thay đổi và vững tiến thành công.