Chọn nghề cho người thích nói

Nghề nghiệp phù hợp với tính cách sẽ giúp bạn phát huy tốt khả năng của mình. Với người nói nhiều, chọn một công việc lặng lẽ, chỉ làm bạn với máy tính và mỗi ngày chỉ nói vài câu nơi công sở sẽ khiến bạn đau khổ thực sự.


Nghề nghiệp phù hợp với tính cách sẽ giúp bạn phát huy tốt khả năng của mình… (Ảnh minh họa)

Nói nhiều không có nghĩa là bạn liên tục tham gia vào các cuộc trò chuyện, việc gì cũng lên tiếng được nhưng những công việc mang tính xã hội, quảng giao sẽ giúp bạn dễ thành công hơn bởi nó tận dụng năng khiếu thiên bẩm của mình.
Nếu bạn là kẻ hay nói, thích nói nhiều, hãy tham khảo một trong số 10 công việc sau:

Marketing
Cho dù bạn là trưởng phòng kinh doanh hay một nhân viên bình thường làm việc cho các công ty chuyên về truyền thông, tiếp thị thì những kỹ năng cá nhân của bạn vẫn luôn được hiển thị. Hầu hết những người làm trong lĩnh vực tiếp thị đều có khả năng thuyết phục tốt, cho dù với trong công ty hay thuyết phục khách hàng, bạn cũng có thể đạt được hiệu quả công việc tốt và xây dựng được nhiều mối quan hệ mới. Khả năng ăn nói của bạn sẽ phát huy hiệu quả tối đa và bạn hoàn toàn hài lòng với những gì mình có.

Viết báo
Kỹ năng giao tiếp là một thuận lợi lớn cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp bởi vì họ cần có sự kết nối với nguồn tin và công chúng. Những người mong muốn thu thập, truyền bá thông tin qua báo chí, truyền hình, phát thanh đều có thể xây dựng sự nghiệp từ công việc của một diễn giả.

Bán hàng
Không ai phủ nhận đặc điểm nói nhiều của những người bán hàng. Một lý do khá chính đáng được đưa ra là nhân viên bán hàng thường phải phát triển các mối quan hệ, lấy niềm tin từ nhiều khách hàng và duy trì lượng khách quen quay trở lại ngày càng đông. Ngay cả khi đã bán được hàng, việc trao đổi, chuyện trò sẽ tạo được những mối quan hệ tốt hơn.

Dạy học
Với công việc này, không cần biết học sinh của bạn ở độ tuổi nào nhưng kỹ năng trao đổi, nói chuyện của bạn là rất quan trọng để trở thành một người được học sinh tin tưởng, truyền cảm hứng cho các em học tập. Lời nói của giáo viên sẽ có tác động lớn tới lợi ích của cả lớp.

Huấn luyện thể thao
Dù luyện tập môn nào, huấn luyện viên cũng cần có sự giao tiếp với khách hàng, với các học viên. Những người theo nghề này thường có những tuyên ngôn, phát biểu ấn tượng, thu hút học viên và phụ huynh dưới bất kỳ hình thức nào. Với khách hàng, một câu nói lạc quan, tích cực là then chốt giúp họ thành công trong sự nghiệp.

Quan hệ công chúng
Hầu hết các giám đốc điều hành trong lĩnh vực quan hệ công chúng đều phải dành nhiều thời gian để giao tiếp với khách hàng. Bởi vậy, đây là nghề cực “hoàn hảo” đối với những người thích nói.

Nhân viên xã hội
Đây là nghề đòi hỏi phải giao tiếp, chuyện trò, tâm sự để hiểu vấn đề của người khác và chia sẻ với họ. Vì thế, nó đòi hỏi bạn phải có kỹ năng giao tiếp, ăn nói để giúp người đối diện cảm thấy tin tưởng. Nhân viên xã hội cũng cần phải giải thích cho khách hàng của mình cách làm thế nào để đối phó với các mối quan hệ phiền hà, phức tạp, với bệnh tật và các vấn đề tâm lý.

Chủ doanh nghiệp
Một doanh nhân không nhất thiết phải là người hay nói nhưng khi bạn là chủ doanh nghiệp thì khả năng giao tiếp, chuyện trò lại là chìa khóa thành công. Bởi bạn cần phải có khả năng giao tiếp để ít nhất là truyền đến mọi người thông điệp của mình.

Diễn viên truyền hình
Trong lĩnh vực truyền hình, không chỉ diễn viên mà kể cả quay phim, đạo diễn… đều sử dụng lời nói đề truyền đạt ý tưởng và cảm xúc của mình đến người xem. Vì vậy, hầu hết các diễn viên nổi tiếng, các nhà sản xuất, đạo diễn đều hiểu rõ hiệu quả của những lời họ nói ra và làm thé nào để phát huy lợi thế của chúng một cách tối đa.

Thiết kế nội thất
Nếu bạn yêu thích sự kết hợp giữa sự tinh tế trong nghệ thuật với khả năng ăn nói, thiết kế nội thất là một nghề hoàn hảo dành cho bạn. Một số thiết kế hình thành trên cơ sở hợp đồng mang lại tính thẩm mỹ cao cho những không gian cụ thể. Người thiết kế phải có khả năng phân tích, giải thích và thuyết phục khách hàng đồng tình với ý tưởng của mình.