Ứng phó với đồng nghiệp “khó ưa”

Chắc hẳn đã có lúc bạn phải làm việc với một hoặc một vài đồng nghiệp “khó ưa” – những người thường làm phiền và gây ảnh hưởng tới công việc của bạn.

Ảnh minh họa

Cho dù bạn không thể thay đổi tính cách hoặc thói quen hay làm phiền của đồng nghiệp, vẫn có cách để làm việc hiệu quả hơn với anh/cô ấy.
Dưới đây là 4 kiểu đồng nghiệp “khó ưa” phổ biến nhất và cách “đối phó” với họ:
Đồng nghiệp hay phàn nàn
Khi được giao thêm việc hay một nhiệm vụ mới, người này thường phản ứng như thể mình sẽ không bao giờ được rời khỏi văn phòng. Thường họ sẽ càm ràm, hoặc thường xuyên thở dài với vẻ mặt đau khổ. Không những thế, họ còn tìm kiếm sự cảm thông và cố gắng thuyết phục mọi người rằng công ty đã đối xử không công bằng với mình.
Chắc hẳn sự nhiệt tình của bạn với công việc sẽ nhanh chóng giảm sút nếu tiếp xúc với người hay phàn nàn như vậy. Do đó, khi tiếp xúc với kiểu đồng nghiệp này, hãy tập trung vào nhiệm vụ và thẳng thắn thể hiện quan điểm của bạn.
Nếu anh/cô ấy phàn nàn về thời gian hoàn thành dự án, bạn có thể nói ngắn gọn lý do của việc này hoặc đưa ra một số gợi ý giúp họ hoàn thành đúng hạn. Nếu họ tiếp tục “rên rỉ”, hãy thay đổi đề tài hoặc rút lui khỏi cuộc nói chuyện.
Đồng nghiệp thích “tám chuyện”
Bạn đi tới văn phòng của cô/anh ấy để cập nhật nhanh thông tin về dự án nhưng lại phải nghe cô/anh ấy “tám” về kế hoạch đi nghỉ cuối tuần với gia đình. Còn khi cô/anh ấy ghé qua chỗ bạn, bạn phải “chịu trận” trước những câu chuyện dài lê thê…
Cách đối phó: Trước khi bắt đầu cuộc nói chuyện, hãy nói “Tôi chỉ có vài phút”. Và khi cô/anh ấy bắt đầu “lạc đề”, hãy giải thích rằng bạn phải quay lại công việc nhưng sẽ lắng nghe khi rảnh rỗi. Bạn cũng có thể sử dụng email hay tin nhắn khi trao đổi công việc với cô/anh ấy để tránh bị “tra tấn”.
Đồng nghiệp khó tính
Cô/anh ấy rất xuất sắc về mặt chuyên môn, nhưng tính cách cô/anh ấy quả thật là khó “chiều”, đặc biệt là phong cách giao tiếp. Cuộc nói chuyện với cô/anh ấy lúc nào cũng ngắn gọn, email hiếm khi dài quá 3 dòng và bất cứ câu hỏi nào bạn đặt ra cho đều được đáp lại: “Tại sao anh/chị lại làm phiền tôi?”.
Cách tốt nhất để tiếp cận với người này là thích ứng với phong cách giao tiếp của cô/anh ấy: ngắn gọn và đi thẳng vào vấn đề; dùng gạch đầu dòng thay vì viết thành đoạn dài khi gửi email… 
Đồng nghiệp lười biếng
Đồng nghiệp này có khả năng “đặc biệt”, đó là luôn tìm cách làm ít việc hơn bất cứ người nào khác. Đây có thể là nhân viên “ngôi sao” đang ngủ quên trên danh tiếng của mình hoặc có thể đơn giản là anh ta luôn khéo léo đóng vai người bận rộn mỗi lần sếp phân chia công việc.
Cách đối phó: Dù tình huống là gì, soi mói và chỉ trích đồng nghiệp không phải là nhiệm vụ của bạn. Nếu anh ta lười biếng và làm việc kém hiệu quả, sớm muộn sự thật cũng sẽ phơi bày. Tuy nhiên, nếu sự biếng nhác này ảnh hưởng tới công việc của bạn, hãy nói chuyện thẳng thắn với anh ta; khi không có kết quả, hãy thông báo cho sếp.