Lúc bắt đầu khởi nghiệp, nhiều người băn khoăn trước câu hỏi. Làm một mình tốt hơn hay làm với một nhóm người tốt hơn. Bài viết này xin gửi đến các bạn một số điều lợi và bất lợi khi bạn khởi nghiệp một mình và khởi nghiệp với nhóm bạn cùng chí hướng.
Ảnh minh họa
Kinh tế càng phát triển thì nhu cầu khởi nghiệp càng tăng cao vì lợi nhuận đem lại cao hơn thu nhập kỳ vọng, mặt khác nền kinh tế phát triển cũng phát sinh thêm các nhu cầu mới cần được đáp ứng. Hai quan điểm này sẽ thúc đẩy một bộ phận người không đi làm thuê mà tự đứng ra kinh doanh để tạo ra lợi nhuận trên vốn đầu tư.
Kinh doanh có trăm loại kinh doanh từ sản xuất, thương mại, dịch vụ, từ những việc lớn như đóng tàu, xây nhà đến những việc nhỏ như quét dọn, trông trẻ. Mọi doanh nhân khi tham gia vào nền kinh tế đều mong muốn một mức lợi nhuận lớn hơn việc họ phải bỏ công sức đi làm thuê cho người khác, đây là xét theo khía cạnh tài chính ngoài ra còn có các khía cạnh khác như tâm lý, sức khỏe, học thức cũng là những động lực thúc đẩy việc khởi nghiệp. Hôm nay bạn đang chỉ là nhân viên nhưng ngày mai bạn đã làm ông chủ, người quản lý cơ ngơi, sự nghiệp của mình, không ai không muốn điều đó.
Như Dr. Vương đã đề cập trong trích đoạn cuốn sách sắp phát hành, và một số các phương tiện truyền thông khác. Khởi nghiệp đang là mốt ở Việt Nam và đặc biệt là trong giới trẻ. Có người thành công, có những thất bại cay đắng. Nhưng quan trọng chúng ta có thể rút ra những bài học cho bản thân và cho những con người đam mê trở thành doanh nhân trong tương lai. Bài viết hôm nay tôi sẽ tập trung vào một chủ đề đang làm đau đầu không ít các bạn trẻ khi khởi nghiệp, đó là nhân sự cho khởi nghiệp, bên cạnh bài viết về vốn cùng chủ đề hi vọng chúng ta sẽ cùng nhau nhìn nhận những trở ngại, khó khăn khi khởi nghiệp hơn là ảo tưởng về vầng hào quang lấp lánh khi thành công.
Một cá nhân đứng ra khởi nghiệp là gì?
Khi một cá nhân đứng ra khởi nghiệp là việc anh ta sử dụng vốn và trí não để kinh doanh nhằm đem lại lợi nhuận cho bản thân. Bản thân những người tự mình đứng ra khởi nghiệp luôn là những người có đam mê và nhiệt huyết. Không chỉ riêng cá nhân tôi và xã hội luôn phải trân trọng những con người này, bao năm bao cấp chúng ta đã có những suy nghĩ sai lầm về kinh doanh và điều đó đã đẩy nước nhà vào khủng hoảng vào những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Sau đổi mới, có rất nhiều doanh nghiệp ra đời và đã cho ra đời một thế hệ doanh nhân đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Họ là những con người có tầm nhìn, có những khát vọng và dám đứng ra để đương đầu với những thử thách để xây dựng cho bản thân và đất nước những doanh nghiệp mà ngày nay chúng ta đã nhìn thấy họ dám đương đầu với những thách thức bên ngoài như Trung Nguyên, Kinh Đô, Thái Tuấn , Mai Linh, LiOA, Prime Group…
Chúng ta đáng tự hào và kính trọng họ về những cố gắng, công sức của họ đưa Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Những doanh nhân trên có những thành công có thể xuất phát từ bản thân, có thể xuất phát từ một tập thể. Nhưng liệu đã bao giờ bạn đặt câu hỏi :
“Tự mình kinh doanh tốt hơn hay kinh doanh với một nhóm người tốt hơn?”
Để giúp những doanh nhân thể hệ trẻ có thể chuẩn bị hành trang khi khởi nghiệp chúng ta phải biết chúng ta sẽ làm gì? làm như thế nào? liệu có thể làm được không?
Cá nhân kinh doanh
Chúng ta sẽ bắt đầu nói về việc tự bản thân đứng ra kinh doanh. Một cá nhân khi đứng ra kinh doanh có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư sau :
– Kinh doanh cá thể (Hộ gia đình)
– Doanh nghiệp tư nhân
Đây là sự phân chia mà khi ngồi trên giảng đường ai cũng đã biết khi học về các thành phần kinh tế. Kinh doanh cá thể có thể đem lại cho ông chủ toàn bộ lợi nhuận trên vốn bỏ ra, người làm chủ doanh nghiệp có toàn quyền quyết định vận mệnh của doanh nghiệp mình. Cá nhân kinh doanh sẽ giúp cho bản thân họ không phải đi làm thuê cho người khác mà đi làm thuê cho chính mình. Tự họ bỏ tiền, tự họ kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình. Các doanh nghiệp thuộc dạng này phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ, cửa hàng kinh doanh tự phát, số vốn cũng không lớn vì khó có thể huy động các nguồn tài trợ từ bên ngoài.
Khởi nghiệp theo hình thức kinh doanh một mình có những điểm lợi và cũng có những điểm hại do tỉ lệ rủi ro cao vì tập trung toàn bộ vốn vào kinh doanh, mặt khác vì tự kinh doanh nên quyền quyết định sẽ nằm ở người chủ, khi đó sẽ nảy sinh sự độc đoán, bảo thủ… Các cụ xưa đã có câu ” Đơn thương độc mã” để ám chỉ những hình ảnh cô đơn lang thang trên một con đường mà không có ai là bầu bạn. Con đường có thể dài có thể ngắn, chàng hiệp sỹ có thể giỏi có thể không, lấy gì đảm bảo cho chàng sẽ an toàn đi được đến đích.
Kinh doanh theo nhóm
Kinh doanh theo nhóm được hiểu là việc hai hoặc nhiều thành viên cùng nhau góp vốn để kinh doanh. Các loại hình mà chúng ta có thể tìm thấy là các loại hình sau: Công ty TNHH và Công ty Cổ Phần
Chúng ta khoan hãy bàn về vấn đề góp vốn như thế nào, ai quản lý doanh nghiệp mà hãy tập trung quan tâm tới việc công ty như thế khởi nghiệp có gì thuận lợi và khó khăn. “Buôn có bạn, bán có phường”, việc đứng ra một mình kinh doanh một mình là việc rất mạo hiểm và mang tính rủi ro cao. Thường khi khởi nghiệp người ta thích tìm những bạn bè cùng chí hướng. Những bạn bè này không chỉ là những người góp vốn mà sẽ là những người cùng điều hành công ty. “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao” một người làm việc sẽ vấp phải nhiều vấn đề khó khăn, nhưng nhiều người cùng làm việc sẽ đem lại hiệu quả cao hơn.
Khởi nghiệp theo nhóm giúp bạn có thể phân tán rủi ro vì có nhiều người tham gia cùng bạn góp vốn, cùng bạn điều hành công ty, mặt khác bạn cũng có thể đầu tư vào nhiều doanh nghiệp và đảm nhận nhiều vị trí khác nhau. Khởi nghiệp cùng nhóm còn có thể đảm bảo các nguyên tắc quản trị khi các quyết định kinh doanh, quản trị doanh nghiệp sẽ dựa trên quyết định của tập thể. Ngoài ra làm việc nhóm sẽ đem lại sự sáng tạo trong sản xuất,kinh doanh vì có sự tham gia brainstorming-một phương pháp tư duy theo nhóm -của nhiều người.
Khởi nghiệp luôn là hành trình gian nan, vất vả đầy cam go, nếu có những người bạn đồng hành ở bên cạnh trợ giúp thì con thuyền sẽ đi đúng hướng và mau tới đích hơn là loay hoay một mình giữa biển cả mênh mông. Mặc dù vậy con thuyền nào cũng đòi hỏi thuyền trưởng cũng như doanh nghiệp cần có lãnh đạo. Lúc này chúng ta phải quyết đinh xem ai là người sẽ lãnh đạo doanh nghiệp khởi nghiệp thành công. Người lãnh đạo giỏi sẽ là người đi đầu và xây dựng lên nhóm làm việc của mình. Họ có nhiều xu hướng, phong cách khác nhau nhưng họ phải có một điểm chung là điều hành tốt nhóm của mình.
Khởi nghiệp với nhóm có điểm tốt nhưng cũng tồn tại những mặt hạn chế mà chúng ta có thể dễ dàng nhận ra như xung đột về lợi ích khi góp vốn, quản lý doanh nghiệp, chia lợi nhuận, rút vốn… và những xung đột khác trong quyết định của doanh nghiệp.
Bản thân tôi và các bạn của tôi cũng rất đam mê mở một doanh nghiệp khi ra trường kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ. Chúng tôi ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã phân chia nhau nghiên cứu một số phần trong doanh nghiệp để tập sự làm các dự án kinh doanh. Tôi là trưởng nhóm nên nghiên cứu bao quát toàn bộ doanh nghiệp và bộ phận marketing. Sau quá trình làm việc với nhau với dự án Café Doanh Nhân, chúng tôi đã thu được cả thành công và thất bại. Thành công lớn nhất mà chúng tôi nhận được là tinh thần làm việc nhóm, sự chia sẻ, sự sáng tạo của tập thể, chỉ với vài tháng hè chúng tôi đã cho ra đời một kế hoạch kinh doanh hoàn chỉnh.
Trong thời gian làm việc nhóm tôi đã rút được nhiều kinh nghiệm quản lý, tác phong làm việc,lãnh đạo… và vấn đề tôi thấy khó khăn nhất là sự nhất trí các quyết định của nhóm. Không chỉ bản thân nhóm của tôi mà các doanh nghiệp có hai thành viên trở lên luôn luôn mắc phải sự xung đột này, nhiều doanh nghiệp chỉ vì không giải quyết được các xung đột này đã thất bại ngay từ nội bộ. Cho dù sau này chúng tôi có mở hay không mở doanh nghiệp mà mình mong muốn nhưng câu hỏi lớn nhất mà chúng tôi đặt ra là “Chúng ta chơi với nhau tốt nhưng làm việc với nhau có thật sự hiệu quả?”