Marketing 5 bài học kinh nghiệm thúc đẩy người Việt ưu tiên dùng...

5 bài học kinh nghiệm thúc đẩy người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

10
Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa diễn ra sáng 3/7, Bà Lê Ngọc Đào – Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM đã đưa ra 5 bài học kinh nghiệm trong việc thúc đẩy Cuộc vận động.
Thứ nhất, sự quan tâm chỉ đạo điều hành sâu sát của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động Trung ương và Thành phố, Ủy ban nhân dân Thành phố đã tạo chuyển biến tích cực mạnh mẽ trong kết quả triển khai thực hiện. Đồng thời, sự năng động, sáng tạo và hưởng ứng nhiệt tình cua các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người dân Thành phố đã tạo điều kiện thuận lợi cho qúa trình triển khai thực hiện cuộc vận động, góp phần thực hiện thắng lợi các kế hoạch hàng năm của Thành phố.

Qua 5 năm thực hiện Cuộc vận động, người dân cả nước đã dần thay đổi nhận thức về hàng Việt Nam

Thứ hai, việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc ngành dọc cấp dưới tổ chức quán triệt, triển khai cuộc vận động, kịp thời phát hiện, khắc phục và chấn chỉnh những thiếu sót trong quá trình thực hiện; duy trì định kỳ sơ, tổng kết và nhân rộng các mô hình, tổ chức thảo luận, tọa đàm để rút kinh nghiệm và tìm biện pháp đẩy mạnh triển khai cuộc vận động; tổ chức khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành thích trong thực hiện cuộc vận động cũng góp phần quan trọng vào kết quả triển khai thực hiện cuộc vận động.
Thứ ba, thị trường trong nước cho sản phẩm hàng Việt chưa được khai thác tối đa, một phần do thực trạng hàng giả, hàng nhái giá rẻ còn lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất trong nước. Do đó, cần có sự can thiệp quyết liệt, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là lực lượng quản lý thị trường.
Thứ tư, qua sự chuyển biến nhận thức sâu sắc của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối và người tiêu dùng đối với cuộc vận động đã cho thấy hai mục tiêu quan trọng cần tiếp tục giữ vững trong quá trình triển khai, đó là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam và sự triển khai đồng bộ, tâp trung và thường xuyên về công tác tuyên truyền, vận động cho cuộc vận động.
Thứ năm, sự liên kết chặt chẽ ngày càng đi vào chiều sâu giữa Thành phố và các vùng, miền thông qua các chương trình liên kết sản xuất, phát triển hệ thống phân phối, kết nối cung cầu hàng hóa,… cần được đẩy mạnh thực hiện, bởi lẽ đó không chỉ là những giải pháp thực tế, gắn kết với cuộc vận động, mà còn xuất phát từ nhu cầu thực tiễn từ phía các doanh nghệp sản xuất trong nước và người tiêu dùng, qua đó cũng góp phàn vào phát triển kinh tế đất nước.

Theo dddn