Bảy ngày trong tuần có nhiều câu chuyện liên quan đến thái độ làm việc và tình cảm của nhân viên. Người quản lý cần nắm bắt những nét cơ bản để hiểu hơn về nhân viên mình và có những ngày làm việc hiệu quả.
Ảnh minh họa
Chia sẻ này được tham khảo từ Clint Swindall, tác giả quyểnLiving for the Weekday (Sống cho những ngày trong tuần). Theo tác giả thì thái độ sử dụng bảy ngày trong tuần của mỗi người rất khác nhau. Có người thì hăng hái sử dụng thời gian ấy. Họ hạnh phúc thấy mình đang sống, nhưng đó là những con người cá biệt.
Còn lại, thì hầu như con người theo một quy tắc: Họ tách bảy ngày của mình ra hai nhóm: thời gian làm công việc và thời gian về nhà. Làm công việc là thời gian cần để có thể sống còn và có cái mà thanh toán cho chi phí sinh hoạt, còn về nhà (hoặc đi đâu đó khác nơi làm việc) là chuyện lâu dài của mỗi cá nhân. Vấn đề là ai cũng chia ra hai nhóm thời gian – năm ngày cho công việc và hai ngày cho cuối tuần – nhưng hầu hết mọi người không thích khoảng thời gian phải đi làm và có mặt tại nơi làm việc.
Clint nêu một kết quả nghiên cứu của Viện Gallup. Ba phần tư số người được khảo sát đều thiếu nhiệt tình làm việc. Chỉ một phần tư là muốn làm việc. Nhóm “ghét” làm việc luôn làm một việc là… chờ đợi. Họ chờ ngày cuối tuần, chờ ngày nghỉ phép, chờ ngày thứ Sáu, chờ cấp trên mang đến niềm vui, chờ được đề bạt…
Trong mỗi ngày làm việc thì chờ đồng hồ kết thúc ngày làm việc và luôn hy vọng là những ngày cuối tuần sẽ mang lại cho họ niềm vui đủ để họ có thể chịu đựng được tuần tiếp theo cũng diễn ra y như vậy. Ông đã viết nhiều quyển sách quanh hiện tượng “chán” làm việc này. Trong đó ông nêu ra một trách nhiệm của người lãnh đạo là phải tạo một văn hóa sao cho nhân viên thích làm việc. Một câu hỏi thường được cấp quản lý nêu ra là: “Chúng ta có thể làm được gì cho điều này?”.
Clint cho biết đi đâu cũng thấy con người làm việc trong tâm trạng chờ đợi, không yêu thích công việc đang làm và người quản lý của mình. Họ cố gắng làm cho qua năm ngày làm việc. Họ chờ đợi một thời điểm thay đổi cuộc đời, chờ một công việc và một cấp trên ưng ý hơn, đôi khi họ chờ mãi cho đến lúc về hưu. Giải pháp Clint nêu ra là phải cho nhân viên tự nhận ra vấn đề.
Trước tiên, họ phải chấp nhận chọn một công việc và ở lại với nó. Hãy tạm gác lại câu hỏi khó là câu hỏi về nghề nghiệp yêu thích của mình. Hãy chọn vấn đề dễ hơn là làm việc. Hãy chọn chấp nhận các mối quan hệ mà mình chưa hài lòng, thay vì lúc nào cũng là đi tìm môi trường làm việc tốt. Sự thành công chính là có thể làm cho việc chưa tốt đẹp trở thành tốt đẹp.
Không có nơi nào có sẵn sự tốt đẹp cả. Clint đưa ra một thử thách cuối cùng cho độc giả trong phần kết của quyển sách: Hãy tự lập một kế hoạch cho một ngày sắp tới của bạn. Ông cho biết đó không phải là chuyện dễ dàng, cũng không phải liều thuốc thần diệu, mà đòi hỏi nỗ lực bản thân biết nhận lấy trách nhiệm, biết chọn điểm khởi đầu.
Theo Clint, thái độ vui vẻ với nghề nghiệp sẽ xuất phát từ hai nguyên nhân. Một là, vì tôi yêu những gì tôi đã làm để có được cuộc sống, và tôi luôn muốn giúp mọi người xung quanh làm điều đó, khi có thể. Và hai là, vì đơn giản trong tính toán số học với bảy ngày trong tuần thì số ngày làm việc nhiều hơn số ngày cuối tuần, nên chúng quan trọng hơn, đáng được chú ý và có ý nghĩa nhiều hơn.
Clint gọi đó là một sự điều chỉnh về cách nghĩ, dẫn đến điều chỉnh về sự thành công của từng con người. Đó là một câu trả lời cho câu hỏi từ người quản lý: “Chúng ta có thể làm được gì cho điều này?”.
Theo TRƯƠNG CHÍ DŨNG – Giám đốc R&D, Công ty L&A/DNSG