15 thói quen sống và làm việc hiệu quả

Bạn có thể áp dụng ngay 15 bí quyết đơn giản sau đây vào cuộc sống hằng ngày. Nếu kiên trì thực hiện, bạn sẽ nhanh chóng hình thành thói quen tốt và cải thiện hiệu quả năng suất làm việc và chất lượng cuộc sống.
Ảnh minh họa
1. Gắn bó với quy trình, không phải mục tiêu
Ví dụ, không chỉ đặt ra mục tiêu là cải thiện mối quan hệ khách hàng mà bạn còn cần cam kết gọi điện cho ít nhất hai khách hàng mỗi ngày. Không chỉ đặt ra mục tiêu tìm được khách hàng mới; mà bạn còn liên lạc với ít nhất hai khách hàng tiềm năng mỗi ngày.
Một quá trình nỗ lực liên tục mới dẫn bạn đến mục tiêu và bạn có rất nhiều khả năng để đạt được mục tiêu đó. Tập trung vào những gì bạn sẽ làm được, không phải vào những gì bạn mơ ước.
2. Làm khó chính mình
Đây là một kỹ thuật tâm lý khá hiệu quả: khi một thứ gì đó quá khó để làm, bạn sẽ làm điều đó ít lại, hoặc không làm.
Hãy trữ nước ngọt trong tủ lạnh và đặt chai nước khoáng ngay trên bàn làm việc, đặt TV ở xa chỗ làm việc, đừng cố vào Facebook bằng cách vượt tường lửa, tắt các ứng dụng chat, để điện thoại chế độ silent…
Sự thuận tiện sẽ khiến bạn phân tâm, do đó làm khó bản thân để tránh xa những “cám dỗ” của môi trường xung quanh.
3. Tối ưu hóa nhiệm vụ quan trọng nhất
Tất cả chúng ta đều có những nhiệm vụ quan trọng đem đến sự khác biệt lớn cho công việc. Hãy chọn ra hai hoặc ba nhiệm vụ đóng góp nhiều nhất cho sự thành công của bạn. Chẳng hạn, những việc gì giúp bạn kiếm tiền nhiều nhất? Sau đó loại bỏ tất cả các nhiệm vụ linh tinh khác để tập trung cho những việc này. 
4. Cho phép mình có ít thời gian cho các dự án chính 
Thời gian giống như một ngôi nhà mới. Chúng ta cố gắng đặt vào càng nhiều đồ nội thất cồng kềnh thì diện tích trống càng hẹp lại. Trong công việc cũng vậy, ưu tiên quá nhiều cho những việc quan trọng sẽ ngốn hết thời gian để bạn làm những việc khác.
Do đó, sau khi xác định được những nhiệm vụ chủ chốt thì bạn hãy đặt ra mục tiêu giảm thời gian để hoàn thành những việc đó. Bạn sẽ tập trung hơn, năng động hơn và tiết kiệm thì giờ cho những việc khác nữa.
5. Ngừng đúng lúc
Lời khuyên từ Ernest Hemingway: “Cách tốt nhất là luôn luôn dừng lại khi bạn đang làm việc tốt và biết rõ điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Nếu bạn làm điều này mỗi ngày, bạn sẽ không bao giờ bị mắc kẹt”.
Lời khuyên quý giá của nhà văn nổi tiếng này áp dụng cho tất cả các loại công việc. Đừng làm việc đến kiệt sức hay ép bản thân tập trung đến mụ mị. Thể chất và tinh thần của bạn sẽ không phục hồi kịp cho ngày làm việc hôm sau.
6. Phân chia thời gian làm việc nhà
Đừng xem việc nhà là công việc. Nó là hoạt động thiết yếu cho cuộc sống của mỗi chúng ta. Việc nhà cũng là một cách thư giãn hiệu quả cho đầu óc của bạn.
Khi vừa thấy mỏi mắt, chóng mặt, hãy rời khỏi máy tính và đi… lau nhà, hoặc làm một công việc chân tay nào đó như tưới cây, phơi quần áo hay cho cún ăn. Bằng cách này, bạn vẫn sẽ duy trì được năng suất hoạt động ngay cả khi đầu óc đang mệt mỏi.
7. Chỉ cần nói không
Bạn lịch sự. Bạn dễ thương. Bạn hữu ích. Bạn muốn trở thành một thành viên tích cực của nhóm. Và bạn quá tải.
Hãy nói “không” thường xuyên như khi bạn nói “có”. Bạn vẫn có thể tử tế với mọi người trong khi bảo toàn được thời gian của bạn. Thời gian là một tài sản không ai có thể đủ khả năng để lãng phí, thế nên bạn đừng dùng nó cho người khác.
8. Bắt đầu từ những việc nhỏ
Bắt đầu với những mục tiêu nhỏ sẽ giúp bạn bớt lo lắng. Giả sử, bạn đặt mục tiêu ngày đầu tiên phải gọi được 20 khách hàng. Rất có quyết tâm nhưng đây là mục tiêu không dễ thực hiện. Do đó, bạn sẽ ngại ngùng không làm, hoặc làm dở dang và rồi tâm trạng bạn bị chùng xuống, vì không đạt mục tiêu.
Hãy bắt đầu với 2, rồi 5, rồi 7… ự tự tin của bạn sẽ được tăng thêm hằng ngày và đến lúc nào đó số lượng đối với bạn không thành vấn đề. Bất cứ khi nào bạn muốn tạo ra một thói quen mới, hãy bắt đầu từ những việc nhỏ và gắn bó với nó qua thời gian đầu khó khăn cho đến khi nó trở thành thói quen.
9. Nghỉ giữa giờ
5-10 phút nghỉ giữa giờ sẽ giúp bạn “sạc” lại năng lượng. Hãy nhớ lịch học ngày xưa, sau mỗi tiết học bạn đều được nghỉ ngơi một chút trước khi vào tiết học tiếp theo. Đây là một phương pháp quản lý thời gian hiệu quả và khoa học mà bạn nên áp dụng vào công việc. Hãy nghỉ ngơi 5 phút sau 45 hoặc 60 phút làm việc. Lúc đầu chưa quen, hãy để chuông báo. 
10. Lên kế hoạch cho những lúc rảnh
Thời gian rảnh không tự xuất hiện. Bạn cần lên kế hoạch cho nó. Bạn có thể rảnh rỗi vào thời điểm nào, nên làm gì, với ai. Cụ thế hóa những việc nhỏ này giúp bạn không bị cuốn và công việc hay những việc mà bạn không thích làm, hoặc tệ hơn là rảnh rỗi mà không tận hưởng được gì cả. Bạn càng hạnh phúc vui vẻ thì làm việc càng có hiệu quả. 
11. Dành thời gian cho những người mà bạn yêu mến
Nghĩ về những người bạn gặp gần đây. Ai khiến bạn hào hứng, vui vẻ, tràn đầy năng lượng? Ai khiến cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn? Hãy dành thời gian cho họ. Họ chính là những người cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Đừng phí thời giờ với những mối quan hệ hời hợt.
12. Dùng đầu để nghĩ, không phải để nhớ
Đừng trói buộc tâm trí bạn với việc phải nhớ một danh sách dài những việc cần làm. Hãy viết ra mọi thứ và sau đó tập trung vào việc suy nghĩ làm thế nào để sắp xếp mọi thứ khoa học hơn, đối xử với mọi người tử tế hơn, làm việc hiệu quả hơn. Giấy, bút và máy tính được chế tạo để hỗ trợ bạn. Hãy sử dụng nó.
13. Để ý đến sức khỏe
Uống nhiều nước, đi bộ nhiều hơn ngồi xe, leo cầu thang nhiều hơn dùng thang máy là những việc cực kỳ đơn giản nhưng lại giúp bạn cải thiện sức khỏe đáng kể. Ngủ sớm, dậy sớm, hạn chế thuốc lá, bia rượu, nước ngọt, thức ăn nhanh là những việc tiếp theo bạn có thể làm để tỉnh táo và khỏe mạnh hơn.
14. Đừng tiếc nuối
Ngay cả siêu nhân cũng không thể thực hiện mọi thứ một cách hoàn hảo. Sai lầm và khiếm khuyết là phần tất yếu của cuộc sống và công việc. Vì vậy, thay vì mất thì giờ chìm đắm trong cảm giác tiếc nuối và tội lỗi, thì bạn nên tập trung năng lượng và sự tỉnh táo để rút kinh nghiệm từ những việc đã qua và chuẩn bị cho những nhiệm vụ kế tiếp.
15. Tiếp sức bằng những thành công nhỏ
Thay đổi lúc nào cũng khó khăn. Thói quen cũng không dễ hình thành. Nếu bạn muốn học một kỹ năng mới, đừng kỳ vọng mình ngay lập tức sẽ đạt “đẳng cấp thế giới”.
Mục tiêu càng lớn, đường đến càng dài. Hãy bắt đầu từ những mục tiêu vừa phải, kiên trì theo đuổi nó. Khi bạn đạt được những cột mốc thành công nhất định, bạn sẽ có cơ hội nhìn lại, đánh giá lại những gì mình đã làm và mục tiêu của bạn sẽ trở thành hiện thực một ngày không xa.

Theo INC