Bí quyết kinh doanh của người Nhật: “Không sáng tạo sẽ bị đào thải vô tình”

Doanh nhân Nhật có một đặc điểm rất nổi bật đó là giỏi “sao chép”, bắt chước kỹ thuật tiên tiến của người khác và không ngừng sáng tạo, đổi mới, tạo nên chất lượng và kỳ tích hàng đầu thế giới. Đối với họ, không mô phỏng thì không thể sáng tạo; không sáng tạo thì sẽ bị lịch sử đào thải một cách vô tình.

Ảnh minh họa
Ở Châu Âu có rất nhiều người sở hữu phát minh và sáng tạo mới. Nhưng với doanh nhân Nhật Bản, vấn đề mấu chốt là làm sao đưa được những thành tựu phát minh đó vào sản nghiệp. 
Mô phỏng, cải tiến và sáng tạo
Nhiều doanh nhân Nhật Bản thành công đều từng trải qua con đường mô phỏng, cải tiến và sáng tạo. Công ty đồ điện Matsushita chính là một điển hình về việc chuyên cải tiến sản phẩm hiện có. Lúc mới lập nghiệp, Matsushita Konosuke từng xác định rõ phương châm kỹ thuật: “Chỉ cải tiến, không phát minh”. Các sản phẩm giai đoạn đầu của hãng Matsushita hầu như đều là sự cải tiến đối với hàng hóa có sẵn. Trước tiên họ mổ xẻ sản phẩm của người khác để tìm chỗ khiếm khuyết, sau đó tiến hành khắc phục những khiếm khuyết đó, từ đó sản xuất sản phẩm mới có tính năng ưu việt hơn. 
Từ sản phẩm đầu tiên ông sản xuất khi mới lập nghiệp là đui đèn cải tiến đến các sản phẩm sau này như đèn xe kiểu đạn pháo, bàn là điện siêu cấp, bộ chia điện bằng nhựa tổng hợp, máy thu thanh ắc quy khô, máy giặt, ti vi, tủ lạnh, máy quay phim…, tất cả đều được nghiên cứu và sản xuất theo phương pháp này. Chất lượng và tính năng của mỗi loại sản phẩm đều tốt hơn sản phẩm ban đầu rất nhiều nên được khách hàng ưa chuộng, tạo nên hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội tốt. 
Công ty cổ phần Nishiki là một doanh nghiệp chuyên sản xuất tã lót trẻ em của Nhật Bản. Có thể nói trình độ sản xuất tã lót của họ thuộc trình độ hiếm có trên thế giới. Tổng giám đốc của Nishiki một lần theo đoàn sang thăm Trung Quốc, ông đã thu thập được mấy chục loại tã lót do Trung Quốc sản xuất. Sau khi về nước ông tiến hành nghiên cứu từng loại tã lót, qua đó phát hiện một loại tã lót sản xuất ở Thượng Hải được may từ các mảnh vải thừa vát mép. Như bắt được của báu, ông lập tức tiến hành bắt chước, thiết kế và sản xuất ra một loại tã lót mới được làm từ vải thừa vát mép. Việc này không những làm tăng vẻ đẹp của tã lót mà còn giúp tiết kiệm nguyên liệu, giảm giá bán. Sản phẩm đã được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, thu được hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội cao. 
Trên thực tế, đại đa số người lập nghiệp của Nhật Bản ban đầu đều thông qua phương pháp “mô phỏng – cải tiến – sáng tạo” này rồi không ngừng tung ra các sản phẩm mới được khách hàng ưa chuộng, từ đó từng bước phát triển. Ngay cả Honda Soichiro – người được mệnh danh là “chuyên gia phát minh” – ban đầu khi sản xuất động cơ mô tô cũng mô phỏng và cải tiến sản phẩm của Đức.
Sự lớn mạnh được “mua về”
Về mặt ứng dụng khoa học kỹ thuật, doanh nhân Nhật còn có thể nhìn thấy tương lai phát triển của kỹ thuật và phát minh mới bằng nhãn quan phi thường. Những phát minh chưa được coi trọng, một khi họ đã nhắm đến thì họ sẽ tìm cách mua nó về bằng bất cứ giá nào. Sau đó, họ sẽ tổ chức nghiên cứu, phát triển thành công sản phẩm mới giàu sức cạnh tranh với tốc độ nhanh nhất.
Về nghành công nghiệp đồng hồ đeo tay, doanh nhân Nhật Bản một dạo cũng đánh bại “vương quốc” đồng hồ Thụy Sĩ bằng chính phát minh độc quyền của người Thụy Sĩ.
Năm 1954, một kỹ sư đồng hồ Thụy Sĩ tên là Max Hazel đã phát minh ra linh kiện điện tử thạch anh. Nhưng phát minh của ông không được coi trọng. Người Nhật đã nhanh chóng nắm bắt được cơ hội này. Sau khi có được chiếc đồng hồ điện tử thạch anh, người Nhật lập tức tổ chức một đội ngũ chuyên gia điện tử và chuyên gia đồng hồ hàng đầu cùng tiến hành nghiên cứu và cải tiến. Sau 5 năm, loạt đồng hồ thạch anh tinh xảo do Nhật chế tạo đầu tiên đã bắt đầu tung ra thị trường thế giới, giành được một mảng thị trường lớn từ tay người Thụy Sĩ. Sở dĩ như vậy là vì loại đồng hồ này chạy giờ rất chính xác (một tháng sai số không quá 15 giây), hơn nữa giá cả lại rất rẻ (mỗi cái chỉ 10 USD). Trong khi đó Rolex – “vua đồng hồ” do người Thụy Sĩ chế tạo thì sai số mỗi tháng là 60 giây, giá lại đắt hơn đồng hồ điện tử thạch anh của Nhật hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. 
Sau phát pháo đầu tiên, người Nhật lại tiếp tục nghiên cứu, tung ra đủ loại đồng hồ điện tử thạch anh kiểu dáng đẹp và chạy giờ chính xác với giá rẻ. Người Thụy Sĩ chậm ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề nên đã tạo cơ hội cho người Nhật thừa cơ đánh chiếm ngôi báu của ngành đồng hồ thế giới với tốc độ kinh hồn. 
Không mô phỏng thì không thể sáng tạo; không sáng tạo thì sẽ bị lịch sử đào thải một cách vô tình. Từ bỏ sự cao ngạo, mở rộng tấm lòng, học tập toàn thế giới, cao ngạo thì không thể thành công, đây là sự tổng kết kinh nghiệm của doanh nhân Nhật Bản.

Theo hoclamgiau