Doanh nhân Nhật Bản cho rằng sự cạnh tranh của thị trường thực chất chính là sự cạnh tranh của nhân tài. Công ty nào có nhiều nhân tài nhất sẽ có thể dẫn đầu trên con đường cạnh tranh.
Ảnh minh họa
Doanh nhân Nhật Bản cho rằng sự cạnh tranh của thị trường thực chất chính là sự cạnh tranh của nhân tài. Đối với doanh nghiệp, tài sản quan trọng nhất, quý giá nhất không phải là vốn, cũng không phải là kỹ thuật tiên tiến và thiết bị hiện đại, mà là nhân tài kiệt xuất. Chỉ cần có nhân tài kiệt xuất thì doanh nghiệp coi như đã có kỹ thuật mới, có sản phẩm mới, có sức sáng tạo và tinh thần đổi mới vô cùng vô tận, có năng lực cạnh tranh sinh tồn và hiệu quả kinh tế.
Công ty nào có nhiều nhân tài nhất, đặc biệt là nhân tài ưu tú thì công ty đó sẽ có thể dẫn đầu trên con đường cạnh tranh.
Đặt nhân tố con người lên hàng đầu, doanh nhân Nhật Bản luôn tôn trọng nhân viên, thấu hiểu nhân viên, luôn mang đến cho nhân viên cảm giác ấm áp và thân thương, qua đó khơi dậy tính tích cực và sáng tạo của nhân viên.
Ông chủ và nhân viên là hai bánh của một chiếc xe
Nagano Shigeo – một doanh nhân nổi tiếng – từng nói một cách đầy ngụ ý rằng: “Ông chủ và nhân viên giống như hai bánh của một chiếc xe. Tầm quan trọng và trách nhiệm của họ giống nhau. Không có sự phối hợp mật thiết và khéo léo giữa ông chủ và nhân viên thì hai chiếc bánh xe này của doanh nghiệp sẽ khó vận hành bình thường. Vì vậy chức trách quan trọng nhất của người lãnh đạo doanh nghiệp là tập hợp những người có năng lực lại, làm cho họ phát huy tối đa trí tuệ và tài năng của họ.”
Doanh nhân Nhật Bản ý thức rõ rằng: chỉ khi được toàn thể nhân viên tín nhiệm và kính trọng, người lãnh đạo mới có thể đưa doanh nghiệp vươn lên, chiến thắng mọi trở ngại trong quá trình phát triển. Để có thể làm được điều đó, lãnh đạo phải coi nhân viên như con cái của mình, đồng thời quan tâm chu đáo và ra sức bồi dưỡng họ.
Giáo dục 80 năm trong cuộc đời
Người Nhật rất coi trọng giáo dục. Họ cho rằng: Tri thức là của cải, tri thức là tiền bạc! Việc bồi dưỡng nhân tài là đại kế trăm năm chỉ được phép thành công chứ không được phép thất bại đối với doanh nghiệp Nhật Bản. Người Nhật đề ra khẩu hiệu giáo dục “Giáo dục 80 năm trong cuộc đời”. Họ cho rằng: “Muốn tạo ra được môi trường như vậy, ngoài giáo dục cơ sở ra thì trong lịch trình 80 năm của một đời người, bất kỳ lúc nào cũng có thể học tập”.
Doanh nhân Nhật kết luận rằng, chi phí dành cho việc đào tạo giáo dục nhân viên sẽ là sự đầu tư “một vốn vạn lời”. Vì vậy, tinh lực, nhân lực và tài lực mà họ dành cho việc giáo dục đào tạo nhân viên có thể nói là hàng đầu thế giới.
Nhân viên khi bước chân vào doanh nghiệp phải liên tục tiếp nhận mọi hình thức giáo dục đào tạo như: giáo dục cơ sở, giáo dục nghiệp vụ, giáo dục ngoại ngữ,… Đối với họ, học cũng là một công việc, hơn nữa còn là công việc quan trọng hơn.
Phương pháp dùng người “khác người”
Nhắc đến thành công đáng kiêu hãnh của hãng Sony không thể không nói đến cách dùng người khác biệt là thích sử dụng “nhân tài kỳ lạ” của Chủ tịch Morita Akio. Ngay từ thập niên 50 của thế kỷ 20, Hãng Sony đã đột phá quan niệm dùng người truyền thống khi đề ra quan niệm dùng người mới: “Coi trọng thâm niên và tuổi đời cũng như đặt bằng cấp lên hàng đầu sẽ khiến nhân viên trẻ tuổi có tài không thể hiện được năng lực và hoài bão của họ”. Tuân theo tư tưởng chỉ đạo này, bất kể đối với nhân viên lâu năm giàu kinh nghiệm hay đối với nhân viên trẻ vào làm việc chưa lâu, trọng điểm sát hạch của Sony đều tập trung vào năng lực dự kiến.
Tập đoàn Seibu – một trong ba doanh nghiệp lớn nhất Nhật Bản cũng có cách dùng người khác biệt. Họ không trọng trình độ học vấn mà trọng biểu hiện. Bởi họ cho rằng trình độ học vấn chỉ chứng minh thời gian một người được giáo dục chứ không thể đại điện cho tài năng chân thực của một con người. Họ cũng không dùng người thông minh kiêu ngạo và tự đại. Họ đặc biệt coi trọng nhân phẩm. Bởi những người có phẩm chất đạo đức không tốt thì dù có trình độ cao đến mấy, năng lực giỏi đến mấy cũng không được trọng dụng.
Theo “Trí tuệ kinh doanh của người Nhật”