Quản trị khách hàng Khoa học công nghệ chưa gắn kết với sản xuất kinh doanh

Khoa học công nghệ chưa gắn kết với sản xuất kinh doanh

18
Hiện nay, hoạt động nghiên cứu khoa học và nhu cầu phát triển sản xuất của các doanh nghiệp chưa tạo được sự kết nối cần thiết.

Ảnh minh họa. (Nguồn: internet)

Do đó, phải lấy doanh nghiệp làm trọng tâm trong nghiên cứu và đổi mới công nghệ. Đây là ý kiến được các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận tại buổi tọa đàm Gắn kết hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và sáng tạo với nhu cầu sản xuất kinh doanh và công tác quản lý. Hội thảo này do Cục Công tác phía Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Cục Sở hữu Trí tuệ tổ chức ngày 26-4 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo các đại biểu, việc nghiên cứu khoa học công nghệ gắn với nhu cầu sản xuất kinh doanh hiện nay ở Việt Nam đang ở mức độ thấp, phần lớn không áp dụng được vào thực tiễn. Hạn chế tồn tại bấy lâu là thị trường khoa học công nghệ chưa gắn kết với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Các trung tâm chuyển giao công nghệ chưa thật sự là cầu nối giữa nhà khoa học và nhà sản xuất, kinh doanh.
Theo PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), sự yếu kém trong kết nối giữa đào tạo nghiên cứu khoa học với nhu cầu sản xuất kinh doanh chủ yếu do các trường đại học, viện nghiên cứu hiện nay tập trung vào chức năng đào tạo hơn là nghiên cứu để phục vụ cộng đồng. Các trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ (trung gian gắn kết nghiên cứu – chuyển giao) chưa được tạo điều kiện để phát huy hết vai trò của mình. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho khoa học công nghệ còn yếu, không xuất phát từ nhu cầu xã hội…
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia cho rằng, đầu tư cho khoa học công nghệ của nước ta hiện nay chỉ chiếm 0,5% GDP, tức khoảng 750 triệu USD. Vì thế nhà nước cần tăng cường đầu tư, xây dựng cơ chế chính sách để minh bạch, công khai trong nghiên cứu nhằm ứng dụng, phục vụ sản xuất một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, việc thu hút đầu tư từ doanh nghiệp là rất cần thiết và phải được đẩy mạnh trong thời gian tới.
Theo ông Bùi Văn Quyền, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, cần phải tạo sự thống nhất trong chuỗi cung ứng giữa 3 nhà: Nghiên cứu – Doanh nghiệp – Quản lý, gắn kết khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Đây là vấn đề không mới, nhưng còn nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai. Doanh nghiệp phải làm trọng tâm cho hoạt động nghiên cứu và đổi mới công nghệ trong bối cảnh nền kinh tế thị trường./.

Theo Báo Hải Quan