Bài học vượt khủng hoảng của doanh nghiệp quốc tế

Khi khủng hoảng xảy ra đối với doanh nghiệp (DN) thường có hai hướng trợ giúp cơ bản để vượt qua khủng hoảng. Thứ nhất, đó là tự giúp chính mình; thứ hai, đó là sự giúp đỡ từ phía chính phủ. TS Bùi Ngọc Sơn – Viện kinh tế chính trị thế giới, Viện hàn lâm khoa học xã hội VN đã có bài viết dành riêng cho DĐDN về bài học vượt khủng hoảng của DN quốc tế.

Tổng thống Bush cho rằng cách tốt nhất để các hãng ô tô tồn tại là họ phải tự cải cách
Thực tế cho thấy những hành động “tự cứu mình” là quyết định nhất để tồn tại qua khủng hoảng. Những trợ giúp từ chính phủ thường đến muộn và hơn nữa đó là những trợ giúp mang tính vĩ mô, gián tiếp. 
Giúp nền kinh tế chứ không giúp DN
Khi khủng hoảng xảy ra người ta thường đón xem chính phủ sẽ làm gì để hỗ trợ nền kinh tế. Điều cần phải nhớ ở đây là chính phủ, nếu có hành động, thì chủ yếu là nhằm giúp “nền kinh tế” chứ không phải “giúp riêng DN”. Chỉ trong những hoàn cảnh đặc biệt liên quan đến toàn bộ nền kinh tế thì chính phủ mới xem xét những trợ giúp cụ thể nhất định để giúp DN.
Ý nghĩa của việc “giúp DN” được bao hàm trong những chính sách kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ nền kinh tế như giảm thuế, hạ lãi suất nhằm giảm chí phí cho cả nền kinh tế; giảm bớt hay nới lỏng những quy định có thể gây cản trở đối với các DNNVV có thể tiếp cận được nguồn tín dụng mà chính phủ muốn hướng tới; họăc có những kích thích nhất định nhằm khuyến khích DN sáng tạo, tạo ra sản phẩm mới…
Các chính sách nhằm giảm bớt khó khăn cho DN trong khủng hoảng về cơ bản sẽ là: Thứ nhất, giảm các chi phí hành chính đối với tạo lập Cty mới, giảm bớt những trở ngại cho tăng trưởng của các Cty nhỏ, tạo các điều kiện thuận lợi để các DN yếu có thể sống sót và tái cấu trúc. Thứ hai, phát triển dòng tín dụng đáp ứng nhu cầu cấp thiết của DN, chẳng hạn như bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Thứ ba, nới lỏng các hạn chế thanh khoản mà các Cty gặp phải: hoãn, giảm, miễn thuế có thể; hỗ trợ tái cấp vốn và bảo lãnh vay vốn; hỗ trợ thông qua tài trợ hay tín dụng cho đầu tư, cho phép khấu hao nhanh hơn, tài trợ cho nghiên cứu và phát triển. Có thể có những chính sách đặc thù giúp đỡ một hay vài lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ôtô chẳng hạn nhưng với mục đích cụ thể hướng tới tái cấu trúc, giảm chi phí, và có giới hạn qui mô và thời gian giúp đỡ cụ thể.
Theo nghĩa này, thì sự trợ giúp của chính phủ đối với DN để vượt qua khủng hoảng chỉ mang tính vĩ mô, gián tiếp là chủ yếu. Việc DN có được hưởng những sự trợ giúp đó, và mức độ như thế nào còn tuỳ thuộc vào lĩnh vực hoạt động của DN đó.
Trước khủng hoảng 2008 cả ba Cty ôtô hàng đầu nước Mỹ là GM, Ford và Chrysler đều ở vào tình trạng thua lỗ và có khuynh hướng thua lỗ ngày càng trầm trọng. Ba vị CEO của các hãng này đã tới gặp Tổng thống G.W. Bush đề nghị chính phủ giúp đỡ với lý do họ bị các hãng xe Nhật cạnh tranh gây tổn hại. Câu trả lời mà họ nhận được là không có sự giúp đỡ nào cả. Tổng thống Bush cho rằng cách tốt nhất để các hãng đó tồn tại là họ phải tự cải cách. 
Tuy nhiên, khi khủng hoảng nổ ra nếu không giúp đỡ ba hãng ôtô này thì nền kinh tế Mỹ sẽ nguy cấp. Bởi ngành chế tạo ôtô là một lĩnh vực sản xuất qui mô lớn, có tầm ảnh hưởng lan rộng trong nền kinh tế. Nếu để các Cty này sụp đổ trong bối cảnh khủng hoảng nặng nề, thì đồng nghĩa với việc toàn bộ nền kinh tế sẽ chìm trong khủng hoảng nặng, nền kinh tế không thể cứu chữa được. Khi đó, chính quyền Mỹ mới ra tay giúp đỡ. Điều này được hiểu là đó là vì cả nền kinh tế chứ không phải vì ba hãng ôtô đó. 
Cách mà chính phủ Mỹ giúp ba hãng ôtô lúc đó là bỏ tiền mua cổ phiếu Cty, đồng thời dùng quyền cổ đông lớn ép các Cty này cải cách mạnh mẽ mọi mặt. Cho đến nay cả ba hãng xe ôtô này đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Chính phủ Mỹ lại bán cổ phiếu mà họ nắm giữ đi và rút ra.
Nói tóm lại, khi có khủng hoảng, theo kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển và trên thế giới, chính phủ sẽ hành động nhưng là để nhằm giúp “cả nền kinh tế” chứ không “giúp DN”. Đơn giản mục tiêu mà chính phủ nhằm tới là cả nền kinh tế chứ họ không quan tâm đến từng DN, hay nhóm DN nào. Theo nghĩa này, các DN cụ thể đừng bao giờ nghĩ rằng chính phủ sẽ đến cứu mình mà trước hết tự mình phải đưa ra những quyết định để thoát khỏi khủng hoảng chứ không tập trung vào việc kêu gọi chính phủ hoãn, giảm, miễn thuế, hạ lãi suất và các giúp đỡ cụ thể khác, thậm chí đòi chia sẻ khó khăn với các thành phần khác. 

DN phải “tự giúp chính mình”
Khi xuất hiện khủng hoảng, nhiệm vụ của các lãnh đạo DN trước hết sẽ là, tập trung thu thập thông tin kinh tế vĩ mô để phán đoán tình hình tổng quát của toàn bộ nền kinh tế. Chủ yếu phán đoán mức độ tồi tệ, chiều hướng trong tương lai.
Từ bối cảnh tổng quát toàn bộ nền kinh tế đó, cố gắng thu thập thông tin và phân tích để đi đến nhận định về tình hình và triển vọng của lĩnh vực kinh doanh của chính mình.
Jim Chanos là một nhà quản lý quỹ đầu tư rào chắn rủi ro đã đầu tư lớn vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Vào tháng 7/2013 khi nhận thấy có những thông tin cho biết sẽ có sự suy giảm tăng trưởng ở Trung Quốc trong tương lai, ông ta đã cho bán hết các cổ phiếu ở Trung Quốc vì cho rằng nền kinh tế này sẽ gặp khó khăn, mức sinh lời chứng khoán sẽ sụt giảm. Cho đến nay quyết định này là đúng đắn, tăng trưởng ở Trung Quốc đã chậm lại và thị trường chứng khoán cũng vậy.
Khi có khủng hoảng, chính phủ sẽ hành động nhưng là để nhằm giúp “cả nền kinh tế” chứ không “giúp DN”.
Dựa trên những phân tích và kết luận về mức độ khủng hoảng và phạm vi khủng hoảng, DN cần phải đưa ra quyết định thu gọn, cắt giảm ngay lập tức nhằm giảm chi phí và ngăn ngừa những tác động rất xấu sẽ xảy ra trong tương lai.

Những quyết định loại này thường liên quan đến những câu hỏi cắt giảm ở đâu? tại sao? mức độ cắt giảm hay thu gọn thênào là phù hợp? giữ lại và cố gắng duy trì những hoạt động nào?
Trường hợp của hãng xe ôtô Ford của Mỹ cũng là một ví dụ lý thú. Vị CEO Alan Mulally khi được thuê dùng đã ngay lập tức nhận thấy tình trạng khủng hoảng của Cty cũng như của nền kinh tế thế giới. Ông đã cho cắt giảm bớt các chi nhánh ở nước ngoài, loại bỏ một số mẫu xe không sinh lời, cắt giảm nhân công….Tất cả nhằm thu gọn vào những hoạt động cốt lõi nhất, sinh lời nhất mục đích chính cũng chỉ là nhằm quản lý tốt dòng tiền sao cho tình trạng thâm hụt phải giảm xuống và đi đến chấm dứt, tiền thu về phải đảm bảo tiền chi ra trước khi tiến hành những cải cách khác.
Một hành động luôn quan trọng và đặc biệt quan trọng gấp nhiều lần trong bối cảnh khủng hoảng đối với một DN chính là việc kiểm soát dòng tiền. Phải đảm bảo nguyên tắc dòng tiền vào phải tối thiểu bằng dòng tiền ra. Đây là điểm mấu chốt để xác định khả năng sống sót và sống sót thế nào đối với một DN. Thực chất, những hành động cắt giảm nêu ở trên cũng không nằm ngoài, mà thậm chí, là nằm trong mục đích của hành động này. Khoảng thời gian mà cân bằng của dòng tiền phải được đảm bảo, theo kinh nghiệm, là vài tháng. 
Tuyệt đối, không bao giờ được cố gắng dùng tiền vay mượn để duy trì DN khi xuất hiện khủng hoảng, phải dùng tiền của mình. Nếu qui mô vượt quá khả năng tài chính thì phải tính đến chuyện cắt giảm qui mô. Đồng thời chúng ta phải tận dụng tối đa nếu có thể những trợ giúp của chính phủ.
Những nguyên tắc đáng nhớ giúp DN vượt khủng hoảng

Có thể đúc kết ngắn gọn thành những nguyên tắc hành động mà một DN cần phải thực hiện khi đối mặt với khủng hoảng như sau:

1. Không trông chờ vào sự giúp đỡ từ phía chính phủ

2. Kiểm soát thật chặt chẽ dòng tiền.

Đây là điều sinh tử khi khủng hoảng nổ ra. Để làm được việc đó cần: Cắt giảm chi phí nhanh chóng bằng mọi cách.Những chi phí không cần thiết, không sinh lời và cả những chi phí có sinh lời nhưng trong tương lai xa đều cần phải cắt giảm; Thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập trung vào những hoạt động cốt lõi, nằm trong tầm kiểm soát, chi phí hợp lý; loại bỏ những hoạt động không cốt lõi, khó kiểm soát, chi phí cao càng nhanh càng tốt; Tích cực thu gom các khoản thu bằng mọi cách kể cả chấp nhận thu không đủ; Tuyệt đối không bao giờ được vay tiền để cố duy trì DN khi có khủng hoảng, đặc biệt là vay lãi nặng.
3. Khai thác trợ giúp của chính phủ khi có thể

Theo dddn