“Công thức” thành công của doanh nhân thành đạt

Những doanh nhân thành công có thể có những con đường khởi nghiệp và những đóng góp khác nhau cho xã hội nhưng họ đều là những người có bản lĩnh lập nghiệp kiên cường, dám nghĩ dám làm, có tầm nhìn chiến lược, không ngừng đổi mới sáng tạo.
Doanh nhân thành công luôn tìm kiếm và chinh phục những đỉnh cao mới. Ảnh minh họa.
Đó là nhận định của những chuyên gia trực tiếp tổ chức Giải thưởng “Bản lĩnh doanh nhân lập nghiệp” (Entrepreneur Of The Year – EOY), giải thưởng được tổ chức thường niên tại hơn 60 quốc gia trong suốt 27 năm qua nhằm tôn vinh các doanh nhân xuất sắc, có sức ảnh hưởng tích cực và lan toả tới cộng đồng doanh nhân trên toàn thế giới. 
Trong phần mở đầu cuốn sách “Phát triển bứt phá, tăng trưởng vững bền”, các chuyên gia của EOY đã chỉ ra rằng: Mỗi doanh nhân có một cách tư duy, một tham vọng, một con đường theo đuổi những mục tiêu riêng biệt. Tuy nhiên, những chìa khoá thành công mà họ chia sẻ đều hướng vào các yếu tố quan trọng như:
Tư duy nắm bắt cơ hội và nhìn nhận khác biệt về rủi ro
Hầu hết những doanh nhân thành công vượt trội trong bất kì môi trường kinh tế nào đều là những người có tư duy nắm bắt cơ hội và dám chấp nhận những rủi ro đã được tính toán.
“Máu kinh doanh” luôn chảy trong họ, và sẵn sàng đối mặt với rủi ro là bản chất của doanh nhân. Họ sẵn sàng chấp nhận những rủi ro lớn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ liều lĩnh hay ngây ngô về nguy cơ thất bại.
Trên thực tế, phần lớn doanh nhân đánh giá cơ hội và tính toán rủi ro rất cẩn trọng cho từng bước tiến và phát triển của mình.
Dám chấp nhận thất bại, có “sức đề kháng” và phục hồi nhanh chóng

Doanh nhân thành công là người có khả năng trụ vững qua những thời kỳ khó khăn và quay trở lại với tâm thế hứng khởi hơn cả. Ngay cả trong những điều kiện kinh tế khó khăn, các doanh nhân vẫn có tâm thế vững vàng, nhìn nhận những cơ hội và xu hướng mới.
Đặc điểm thường thấy ở nhóm doanh nhân này là khả năng phục hồi nhanh chóng, khả năng ứng phó nhạy bén khi đối mặt với nghịch cảnh.
Thêm nữa, họ có xu hướng chấp nhận những giai đoạn “đi giật lùi”, dám chấp nhận và coi thất bại là một phần của quá trình phát triển, rút ra những bài học kinh nghiệm để thành công trong tương lai.
Khi biến cố xảy ra, họ tích cực kết hợp với đội ngũ của mình xử lý để vượt qua thất bại một cách nhanh nhất.
Khả năng định hướng, truyền tải tầm nhìn và truyền cảm hứng
Hầu hết các doanh nhân luôn coi nguồn nhân lực là ưu tiên số một và coi con người là nền tảng của thành công.
Việc nhìn nhận và phát triển nhân tài, tạo ra một đội ngũ quản lý mạnh kết hợp với khả năng truyền cảm hứng, dẫn dắt niềm đam mê, truyền tải tầm nhìn thấm nhuần trong đội ngũ quản lý và nhân viên, là một trong những thế mạnh lớn nhất của một nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Sử dụng đúng người đúng việc, xây dựng đội ngũ quản lý phù hợp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới một tầm nhìn, mục tiêu và giá trị chung chính là cơ sở thành công của các doanh nhân và doanh nghiệp.
Khuyến khích và nuôi dưỡng sự đổi mới
Các doanh nhân thành công thường rất nhạy bén trong việc đón nhận những thay đổi và ý tưởng mới, nắm bắt và đón đầu những xu hướng mới.
Tinh thần đổi mới trong doanh nghiệp được đưa vào văn hóa công ty và thấm nhuần vào các cấp của doanh nghiệp, hình thành một quá trình đổi mới từng bước, toàn diện và tập trung.
Thị trường ngày nay không chỉ là thị trường cạnh tranh về giá cả, mà còn tập trung vào sự sáng tạo và đổi mới của sản phẩm và dịch vụ. Sự thay đổi, sáng tạo và đột phá góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng, có sức mạnh tạo nên sự khác biệt và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư. Trong nền kinh tế có nhiều biến động, sự đổi mới trong hoạt động vận hành quản trị để tăng cường hiệu quả là một trong những yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển.
Theo đuổi và phát huy thế mạnh cốt lõi
Các doanh nhân điều hành các doanh nghiệp thành công xác định rõ ràng, cụ thể, tập trung vào thế mạnh của doanh nghiệp và các lợi thế cạnh tranh của mình, lấy đó làm kim chỉ nam khi đưa ra các quyết định về thúc đẩy tăng trưởng.
Các thế mạnh của doanh nghiệp có thể trải rộng từ kỹ năng, con người đến sản phẩm dịch vụ, các quan hệ đầu tư đối tác, các chức năng vận hành, hay hệ thống bán hàng, sản xuất và phân phối, hoặc khả năng tuân thủ chính sách và quy định…
Từ đó, dù trong môi trường rủi ro cao và thiếu ổn định, doanh nhân sẵn sàng đầu tư để đáp ứng một số nhu cầu cơ sở hạ tầng mang ý nghĩa chiến lược hay đặc thù của doanh nghiệp.
Điều này giúp doanh nghiệp mở rộng nhanh chóng hơn, linh hoạt hơn, sử dụng chi phí hiệu quả hơn.
Tận dụng nguồn đầu tư vào đúng thời điểm và có kế hoạch chiến lược vốn
Kinh doanh không chỉ là câu chuyện kiếm được nhiều lợi nhuận hơn mà là việc sử dụng đồng tiền đúng nơi và đúng lúc.
Nguồn vốn là huyết mạch của bất kì doanh nghiệp nào. Các doanh nhân thường đa dạng hoá nguồn đầu tư của doanh nghiệp, từ vốn đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư cá nhân hay “mạnh thường quân”, vốn vay ngân hàng, các Quỹ đầu tư và vốn từ phát hành cổ phiếu trái phiếu, tùy thuộc vào quy mô vốn, mức độ doanh thu và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp.
Các doanh nhân thành công thường xác định sớm nhu cầu vốn trong tương lai và chuẩn bị kế hoạch cũng như chiến lược vốn phù hợp, đảm bảo cho những kế hoạch tăng trưởng, đầu tư của doanh nghiệp diễn ra trôi chảy, duy trì khả năng thanh khoản, luân chuyển dòng tiền và giải phóng tiền mặt.

Theo Bizlive