Khi công ty bạn đang bị đe dọa bởi những tình huống nguy hiểm cùng cực và đã gần như sụp đổ, là một nhà lãnh đạo công ty, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn sẽ bỏ chạy hay sẽ chiến đấu? Trong tình huống ấy, các nhà lãnh đạo giỏi nhất sẽ tìm thấy sự can đảm và sức mạnh để tiếp tục chiến đấu giống như những chiến binh chứ không bao giờ chấp nhận đầu hàng.
Ảnh minh họa
Một trong những bộ phim tôi yêu thích nhất là Snatch, của đạo diễn Guy Ritchie. Trong một cảnh của bộ phim, nhân vật chính Turkish đã đặt ra một câu hỏi rất sâu sắc: “Anh đã bao giờ qua đường và nhìn sai hướng chưa? Rồi có một chiếc ô tô suýt nữa thì chẹt phải anh? Vậy anh sẽ làm gì? Cuộc sống của anh không còn lóe lên trong tâm trí anh nữa vì anh quá sợ hãi đến nỗi không còn nghĩ được gì – anh chỉ tê cứng và thể hiện một khuôn mặt ngớ ngẩn”.
Không ai có thể đoán được chắc chắn những gì mình có thể làm trong tình huống nguy cấp giữa sống và chết. Tuy nhiên, bạn có thể chuẩn bị tâm lý cho bản thân để xử lý những tình huống tương tự như vậy. Ví dụ, các khóa huấn luyện quân sự nhằm trang bị cho người lính những kỹ năng và sức chịu đựng ngoan cường để phản ứng nhanh và chính xác khi đối mặt với hiểm nguy khôn cùng. Các phẩm chất chiến đấu mà những người lính được đào tạo cũng có thể áp dụng với các doanh nhân và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Khi công ty bạn đang bị đe dọa bởi những tình huống nguy hiểm cùng cực và đã gần như sụp đổ, là một nhà lãnh đạo công ty, bạn sẽ phản ứng như thế nào? Bạn sẽ bỏ chạy hay sẽ chiến đấu?
Chiến đấu có nghĩa là làm việc thêm nhiều giờ hơn, xin thế chấp lần thứ hai và làm bất cứ việc gì cần thiết để đảm bảo sự sống sót của công ty với bất cứ giá nào. Bỏ chạy là đầu hàng.
Bạn có thể chuẩn bị cho bản thân khả năng chiến đấu bằng cách cân nhắc và thường xuyên xem lại 5 bí quyết sau:
1. Chấp nhận thất bại
Hãy hiểu rằng tại một số thời điểm trong cuộc sống doanh nhân của mình, bạn sẽ phải đối mặt với những thất bại toàn diện và cay đắng. Hãy tiếp tục lạc quan về tiềm năng thành công, nhưng cần nhận thức rõ rằng bạn sẽ dễ thất bại hơn thành công. Điều đó hoàn toàn ổn vì mọi doanh nhân vĩ đại đều làm như vậy.
2. Tập trung vào một giải pháp
Khi có tình huống phát sinh, và công ty gặp phải một khó khăn tưởng như không thể vượt qua, hãy chấp nhận điều đó và tiếp tục tiến sang giai đoạn tiếp theo: giải quyết vấn đề. Bạn càng mất nhiều thời gian sa đà vào rắc rối và lý do tại sao nó lại xảy ra, bạn càng có ít thời gian để giải quyết nó.
3. Đừng tìm kiếm một người giơ đầu chịu báng
Không có thời gian để đổ lỗi. Trong thực tế , là một doanh nhân, tốt nhất là bạn hãy nhận lỗi về mình và viết ra câu này: “Đáng ra tôi nên biết việc này có thể xảy ra”. Một lần nữa, bạn càng mất thời gian tìm hiểu ai là người có lỗi, giải pháp càng xa tầm với của bạn.
4. Coi phá sản là phương án cuối cùng
Phá sản tương tự như sự tự sát của doanh nghiệp. Có vô số biện pháp có thể giải quyết một vấn để, đơn giản bạn chỉ cần suy nghĩ tích cực và sáng tạo. Tất nhiên, tôi hiểu có lúc bạn cần phải nói chuyện với chuyên gia tư vấn luật về các phương án liên quan tới vấn đề này, nhưng hãy nhớ rằng hội đồng pháp lý này sẽ kiếm tiền nhờ sự thoái lui này của bạn. Đây chắc chắn phải là phương án cuối cùng.
5. Hãy nhớ rằng mọi việc đều có thể đàm phán được
Sau cùng thì, không ai trong các cổ đông muốn bạn thất bại cả. Các ngân hàng và nhà cung cấp lại càng cần bạn thành công để trả được tiền cho họ. Dù vấn đề của bạn có khó lường và đen tối đến đâu, hãy nhớ rằng việc thành thật với các cổ đông sẽ giúp họ tin tưởng rằng họ cần trợ giúp bạn để chèo lái con thuyền doanh nghiệp đi đúng hướng.
Khi đối mặt với những tai họa khôn lường của doanh nghiệp, một doanh nhân sẽ có cả phản ứng muốn bỏ chạy và muốn chiến đấu. Tuy nhiên, nếu nhớ kỹ những bí quyết này, bạn sẽ chuẩn bị sẵn sàng tâm lý để chiến đấu thay vì bỏ chạy.
Theo INC/ Hoclamgiau