CTQH Nguyễn Sinh Hùng: “Đầu tư phải bảo toàn vốn Nhà nước!”

Đó là ý kiến của Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Sinh Hùng tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tại DN chiều ngày 17-4.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn quy định về đầu tư vốn Nhà nước tại DN. Ảnh: Anh Đức.
Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải
Trình bày Tờ trình dự thảo Luật trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, mục tiêu xây dựng Luật là nhằm tạo cơ sở pháp lý cao cho hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa những quy định dưới Luật đã ban hành có liên quan đang thực hiện ổn định và có hiệu quả; đồng thời bổ sung thêm những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn cần phải có sự quản lý của Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu:
“Khi ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn của nhà nước đầu tư tại DN, tinh thần vẫn giữ được yếu tố “nhà nước” và “thị trường”, còn nếu nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường thì DNNN không còn tính cạnh tranh, không còn tự chủ nữa!”

 

Ngoài ra, việc ban hành dự thảo Luật nhằm phân định chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước đã đầu tư tại doanh nghiệp; xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với người quản lý doanh nghiệp.
Cơ quan soạn thảo Luật cũng khẳng định, Dự thảo Luật còn nhằm khắc phục việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và việc doanh nghiệp sử dụng vốn, tài sản để đầu tư vào sản xuất kinh doanh không đúng mục tiêu, chiến lược, đầu tư dàn trải. Tuân thủ nguyên tắc phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, đảm bảo bình đẳng giữa mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, thực hiện công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ mọi hoạt động trong đầu tư và quản lý vốn đã đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH cũng khẳng định, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật nhằm góp phần hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động quản lý vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; khắc phục những bất cập đang tồn tại hiện nay và đảm bảo tính pháp lý đồng bộ với các Luật có liên quan.
“Việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn đầu tư của nhà nước tại DN sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tránh lãng phí, thất thoát và phục vụ cho quá trình thực hiện tái cơ cấu các DNNN nói riêng, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung cũng như đóng góp tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng trong quản lý kinh tế”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nói.
Đầu tư phải có hiệu quả
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ 3 vấn đề, đó là: Mối quan hệ giữa Luật này với các Luật có liên quan, trong đó bao gồm các Luật đang trong quá trình soạn thảo, sửa đổi như Luật Đầu tư công, Luật NSNN; Luật DN..; Những cơ chế chính sách mới của Luật này so với các quy định hiện nay để quản lý hiệu quả vốn của Nhà nước ra sao; Trách nhiệm đại diện chủ sở hữu các cấp tại các DN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong quá trình soạn thảo dự án Luật, Bộ Tài chính đã phối hợp các bộ, ngành rà soát các quy định phạm vi điều chỉnh của Luật này phù hợp và không chồng chéo với các Luật khác.
Làm rõ thêm vấn đề, liệu dự án Luật này có chồng chéo với Luật Đầu tư công hay không, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, ngay trước khi thực hiện soạn thảo Luật Đầu tư công, Chính phủ đã chỉ đạo rõ, phần vốn đầu tư của DNNN đã tách ra và thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn của NN đầu tư tại DN.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, đây là dự án Luật khó, mặc dù chúng ta có kinh nghiệm hàng chục năm quản lý vốn đầu tư nhà nước tại DN cũng như quản lý vốn nhà nước.
Ông Hiển đề nghị làm rõ trong dự thảo Luật, mục tiêu đầu tư của Nhà nước vào DN, vào nền kinh tế nhằm mục đích gì; đầu tư vào đâu, những lĩnh vực nào… và trên nguyên phải bảo toàn vốn và có hiệu quả.
“Dự thảo Luật nên quy định một điều nói về mục tiêu và thêm 1 điểm quan trọng là DNNN tham gia nền kinh tế thị trường nhằm khắc phục những hạn chế của nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN”, ông Hiển nói thêm.
Góp ý cụ thể hơn, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ một nội dung quan trọng đó là “đã làm kinh tế thì Nhà nước phải thu được lợi nhuận”, đồng thời phải làm rõ nguyên tắc đầu tư đúng mục tiêu, tránh dàn trải, đúng phạm vi, đúng quy hoạch và kế hoạch; và phải “bảo toàn được vốn và phải có hiệu quả”
Góp ý một số vấn đề trong dự thảo Luật, tuy nhiên theo Chủ nhiệm UB KHCN Phan Xuân Dũng, dự án Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại DN đã có điều kiện để trình ra QH kỳ này.
Cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng thực tế hiện nay số lượng DNNN hiện quá nhiều, vậy phải làm rõ DNNN đầu tư đến đâu. Theo Chủ tịch QH, chủ trương chung là phạm vi phải thu hẹp lại và dự án Luật phải làm rõ nguyên tắc đầu tư phải bảo toàn vốn của Nhà nước tại DN.
Vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp được bảo toàn và phát triển, tăng từ 136.000 tỷ đồng trước năm 2006 lên trên 921.000 tỷ đồng năm 2012 (trong đó: vốn đầu tư vào các công ty mẹ là 857.000 tỷ đồng) và tập trung chủ yếu ở các tập đoàn, tổng công ty.
Phần lớn các DNNN hoạt động có lãi, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu trung bình của DNNN những năm 1999-2000 đạt khoảng 14%/năm, tăng lên 20,5% năm 2005. Trong giai đoạn 2007-2012 tuy gặp khó khăn, nhưng vẫn đạt trung bình khoảng 16%/năm. Số doanh nghiệp thua lỗ và hòa vốn giảm mạnh, từ 60% xuống còn 20% năm 2012. Nộp ngân sách tăng bình quân 10-30%. Sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đã đạt được trên 6.000 doanh nghiệp.

 

Theo Báo Hải Quan