Có một sự thật cơ bản là: hãy đòi hỏi và bạn sẽ nhận được. Thế giới sẽ đáp lại những ai đòi hỏi nó. Nếu bạn đã không đến gần những thứ bạn muốn, có lẽ bạn đã không đòi hỏi đủ nhiều. Dưới đây là 7 cách để đảm bảo công việc kinh doanh của bạn sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn, đơn giản chỉ bằng cách yêu cầu.
Ảnh minh họa
1. Yêu cầu thông tin
Để có được những khách hàng tiềm năng, đầu tiên bạn cần biết những chướng ngại vật hiện tại của họ là gì, họ cần làm gì để vượt qua và họ sẽ làm điều đó như thế nào. Chỉ khi bạn thật sự hiểu và đánh giá cao nhu cầu của khách hàng, bạn mới đưa ra được giải pháp. Nếu mọi thứ ăn khớp với nhau, giải pháp cho họ chính là sản phẩm hay dịch vụ của bạn.
Trong giai đoạn tìm hiểu, có hai câu hỏi quan trọng cần phải hỏi. Thứ nhất là: “Khó khăn lớn nhất của bạn trong thời gian này là gì?”. Đây thật sự là một câu hỏi tuyệt vời để phát triển một mối quan hệ. Điều quan trọng là bạn phải cho họ thấy bạn thật sự hứng thú với những gì bạn hỏi. Hãy tập đặt những câu hỏi đơn giản và trực tiếp. Thật tập trung, chú ý lắng nghe và học cách hiểu những điều ẩn sau những câu chữ. Hãy nhớ, vấn đề thật sự luôn nằm sâu dưới bề mặt.
Câu hỏi quan trọng thứ hai để mở đầu cho một cuộc nói chuyện là: “Những mục tiêu quan trọng nhất của bạn trong một vài năm tới là gì?”. Nếu bạn có thể tạo dựng một mối quan hệ tốt ngay trong mười phút đầu tiền, hãy tạm quên đi yêu cầu bán hàng của mình và tập trung vào công việc của họ, họ sẽ nói cho bạn nhiều điều hơn bạn nghĩ.
Khi bạn tạo dựng được sự tin tưởng, cánh cửa cơ hội sẽ mở rộng và bạn được chào đón, và sau đó, những khoản tiền lớn sẽ tự đến.
2. Yêu cầu đặt hàng
Sau khi hoàn tất một bài thuyết trình về lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ của mình, hơn 60% những người bán hàng không bao giờ hỏi về chuyện đặt hàng. Đó là một thói quen xấu, một thói quen có thể khiến công việc kinh doanh của bạn trở nên bế tắc.
“Bạn có muốn thử không?”. Đây là một loại câu hỏi không gây bất kỳ một áp lực hay đe dọa nào cho người được hỏi. Nếu bạn vừa đưa ra một bài thuyết trình hiệu quả, có giá trị và lợi ích, hầu hết mọi người sẽ nghĩ: “Mình sẽ mất gì nhỉ? Tại sao không thử?”. Ngoài ra, bạn có thể đặt câu hỏi trực tiếp một cách trung thực: “Tôi có thể làm ăn với ông bà không?”. Điều quan trọng ở đây là: Chỉ cần hỏi. Một điều nữa là hãy hỏi sao cho câu trả lời sẽ là “Có” hoặc “Không”. Đừng hỏi như câu hỏi số 1 của quá trình tìm hiểu thông tin khi bạn chỉ cần lấy thêm thông tin.
3. Yêu cầu giấy xác nhận
Giấy xác nhận là những lời giới thiệu rất có giá trị từ những người được tôn kính vốn rất có uy lực. Chúng khẳng định chất lượng công việc của bạn và thừa nhận bạn là một người chính trực, đáng tin cậy và giải quyết công việc đúng tiến độ. Điều này mang lại cơ hội lớn để bạn vượt lên các đối thủ.
Tất cả những gì bạn cần làm là hỏi. Vậy khi nào là thời gian thích hợp nhất? Ngay sau khi bạn cung cấp một dịch vụ hoàn hảo, hoàn thành một dự án quan trọng hay bất cứ khi nào bạn làm cho khách hàng của mình vừa lòng. Trong những tình huống đó, mọi người sẽ rất sẵn lòng khen ngợi những nỗ lực của bạn.
Hãy hỏi xem khách hàng của bạn có sẵn lòng cho bạn một tờ xác nhận với những lời nhận xét có ích về những giá trị của sản phẩm hay dịch vụ của bạn không. Hãy đề nghị khách hàng của bạn mô tả lại rõ ràng những lợi ích của sản phẩm hay dịch vụ.
Nếu bạn có được những nhận xét từ những người nổi tiếng trong lĩnh vực của mình, đó chính là những cơ hội tốt. Những khách hàng tiềm năng sẽ nhận ra họ và cảm thấy rất ấn tượng. Đây là chiến lược đơn giản nhưng sẽ mang lại cho bạn nhiều khách hàng hơn.
4. Yêu cầu để có được những lời giới thiệu hiệu quả nhất
Hầu hết những người làm kinh doanh đều biết tầm quan trọng của lời giới thiệu. Đó là cách dễ dàng, ít tốn kém nhất để đảm bảo sự tăng trưởng và thành công của bạn trên thị trường. Bạn đã phục vụ khách hàng của mình một cách tận tâm, vậy tại sao bạn lại không xin họ những lời giới thiệu?
Không phải chỉ có khách hàng hạt nhân mới có thể mang đến cho bạn những giấy giới thiệu tốt nhất mà cơ hội thường đến với bạn từng ngày. Khi bạn gặp một khách hàng mới nhưng họ không cần hay không muốn sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, bạn vẫn có thể hỏi xem họ có biết ai cần không? Điều tồi tệ nhất bạn có thể nhận được là người đó sẽ nói “Không”, nhưng như vậy thì bạn cũng chẳng mất gì cả. Và thông thường thì họ sẽ nói: “Ồ, tất nhiên. Tôi cũng biết một số người thích nó đấy”.
Hãy lập kế hoạch nói chuyện với khách hàng mới hoặc thường xuyên hỏi xin lời giới thiệu. Hãy nhớ rằng khai thác liên tục những lời giới thiệu sẽ giúp bạn thu được nhiều lợi ích hơn.
5. Yêu cầu để có được nhiều thương vụ hơn
Rất nhiều người để mất hàng nghìn đô la bán hàng mỗi năm vì họ đã không làm gì sau giai đoạn bán hàng đầu tiên. Hãy tìm những sản phẩm hay dịch vụ khác thêm vào danh mục đầu tư của bạn. Bạn cũng cần thiết lập một danh sách để biết khi nào nhu cầu của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ của bạn tăng lên. Cách đơn giản nhất là hỏi chính khách hàng khi nào bạn có thể liên lạc lại với họ để họ đặt hàng tiếp. Bán hàng cho những khách hàng cũ thường dễ hơn là tìm kiếm khách hàng mới.
Trước đây, McDonald’s tiếp cận việc hỏi mọi người bằng một cách độc nhất vô nhị. Họ đào tạo nhân viên hỏi khách hàng thêm một câu khi họ mua một chiếc bánh hamburger hay một đồ uống nào đó. Và chỉ một câu hỏi đơn giản đó thôi đã thêm vào hơn 20 nghìn đô la doanh thu. Câu hỏi đó là: “Ông/Bà có muốn dùng thêm thịt rán không ạ?”. Nhiều người sẽ trả lời: “Có chứ”. Điều này đã mang lại kết quả xứng đáng.
Hãy nhớ, công việc kinh doanh sẽ bị ngừng khi bạn ngừng yêu cầu. Hỏi nhiều hơn về công việc kinh doanh sẽ giúp bạn có được bệ phóng chắc chắn hơn.
6. Yêu cầu để đàm phán lại
Những hoạt động kinh doanh thông thường bao gồm hoạt động đàm phán và cơ hội để đàm phán lại. Đó là một hình thức khác của việc hỏi và nó giúp bạn tiết kiệm thời gian, tiền bạc.
Tất cả các loại hợp đồng đều có thể đàm phán lại được, chỉ cần bạn hỏi. Chỉ cần bạn làm nó với tinh thần trách nhiệm và hợp tác, bạn có thể nhận được rất nhiều thay đổi linh hoạt. Không có gì là không thể. Nếu tình huống của bạn cần thay đổi, hãy hỏi để có được sự thay đổi.
7. Yêu cầu phản hồi
Làm sao để bạn biết được sản phẩm hay dịch vụ của mình đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Hãy hỏi họ: “Ông/Bà thấy sản phẩm của chúng tôi thế nào? Làm cách nào để chúng tôi có thể cải thiện được chất lượng sản phẩm/dịch vụ? Hãy nói với chúng tôi những điểm Ông/Bà thích hay không thích về sản phẩm/dịch vụ?”.
Nếu bạn giám sát một nhóm hay làm chủ một tổ chức kinh doanh lớn, hãy hỏi ý kiến người cùng làm việc với bạn. Họ thường là những người hiểu biết nhất trong những hoạt động thực tế. Hãy hỏi cả nhà cung cấp của bạn. Có rất nhiều cách để cải thiện hiệu quả của việc phân phối, hay giảm chi phí cho những vấn đề cấp bách. Cho dù bạn có hoạt động trong lĩnh vực nào, xung quanh bạn luôn có rất nhiều người có thể cho bạn những phản hồi quý giá.
Theo hoclamgiau/ “Sức mạnh của tập trung”