Kinh tế châu Á quý II: “Cánh buồm không no gió”

Báo cáo tổng hợp của nhóm nghiên cứu kinh tế HSBC về triển vọng thị trường châu Á quý II/2014 và đánh giá ý nghĩa của chỉ số PMI vừa được công bố với các nước châu Á cho thấy quý II/2014 của khu vực này không mấy sáng sủa.
Báo cáo nhận định: Ở khu vực châu Á, đơn hàng xuất khẩu mới đã hồi phục, nhưng điều đó có thể chỉ mang tính chất tạm thời. Chúng ta đang bước vào quý II của năm 2014 với một một “cánh buồm không no gió”.
Nhu cầu đang chậm lại
Bắt đầu với Bảng 1, đa phần các chỉ số PMI toàn phần vẫn còn thể hiện khá tích cực. Chỉ số PMI của Trung Quốc lại là một ngoại lệ đáng lưu ý khi tiếp tục giảm thêm vào tháng trước. Tuy nhiên, chỉ số PMI do Tổng cục Thống kê của Trung Quốc công bố lại thể hiện có sự tăng trưởng nhẹ. Không tính đến sự khác biệt này, tình hình sản xuất của Trung Quốc vẫn có vẻ hơi thiếu ổn định nếu không muốn nói là nghiêm trọng như nhiều người khẳng định. Tại Mỹ, chỉ số ISM và PMI cũng nằm ở hai hướng khác nhau, mặc dù nhóm nghiên cứu xem trọng chỉ số PMI hơn một chút so với chỉ số IMS (khả năng dự báo của chỉ số PMI được đánh giá là tốt hơn, cộng thêm chỉ số PMI đã giảm nhiều hơn so với chỉ số ISM đã tăng).

Bảng 1: Chỉ số PMI toàn phần và đơn đặt hàng xuất khẩu mới 
Ở những quốc gia khác, các kết quả chỉ số PMI cũng khá mâu thuẫn, đa số đều giảm nhẹ. Ví dụ, Hàn Quốc là một quốc gia có vai trò khá quan trọng trong khu vực cũng đã tăng trưởng nhẹ đạt 50,4 điểm. Trong khi đó, chỉ số PMI của Đài Loan lại giảm hai điểm, vẫn thể hiện mức tăng trưởng dù rằng với tốc độ chậm hơn nhiều so với thời điểm đầu năm. Kết quả của Ấn Độ lại gây thất vọng với chỉ số PMI tháng 3 một lần nữa lại giảm sau khi có một thời kỳ tăng trưởng đều đặn.
Đáng ngạc nhiên là đơn đặt hàng xuất khẩu mới đều tăng lên ở hầu hết các nước châu Á. Thậm chí chỉ số PMI Trung Quốc do HSBC khảo sát cũng cho thấy một sự phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3. Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam cũng thể hiện sự cải thiện. Điều này cho thấy việc xuất hàng sẽ ổn định trong những tháng sắp tới (Biểu đồ 1). Tuy nhiên vẫn còn nhiều điều cần phải thận trọng. Đầu tiên, đơn đặt hàng xuất khẩu mới đa phần đến từ các nước phương Tây, vốn đa phần có chỉ số PMI toàn phần giảm trở lại. Do đó, một sự tăng trưởng bền vững đối với lĩnh vực xuất khẩu của các nước châu Á có vẻ không mấy chắc chắn.
Thêm nữa, hoạt động sản xuất ở cả các nước phương Đông và phương Tây dường như đang bắt đầu chậm lại, đây thông thường là tín hiệu để đánh giá về thương mại. Bảng 2 thể hiện tổng số đơn đặt hàng mới. Chỉ số PMI của Trung Quốc do HSBC khảo sát đã giảm hai điểm (trong khi kết quả của Tổng cục Thống kê Trung Quốc lại tăng 0,1 điểm) và sự suy giảm ở hầu hết các nền kinh tế đã phát triển. Chỉ số PMI toàn cầu cũng cho thấy đơn đặt hàng mới đã giảm mạnh. Tỷ lệ đơn đặt hàng mới với hàng tồn kho cũng đưa ra một kết quả tương tự: không giống như thời điểm tháng Giêng khi các đơn đặt hàng mới tăng tương ứng với hàng tồn kho vẫn còn, khoảng cách hiện nay đã được thu hẹp lại cho thấy hoạt động sản xuất có sự tăng trưởng nhẹ (Biểu đồ 2).

Bảng 2: Chỉ số đơn đặt hàng mới và đơn đặt hàng mới trừ hàng tồn kho 

Cuối cùng đề cập nhanh đến vấn đề áp lực giá cả. Với tình hình tăng trưởng chậm chạp không mấy ngạc nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy lạm phát sẽ tăng tốc, mà nếu có thì lạm phát cũng sẽ lại tiếp tục giảm (Biểu đồ 3). Ở đây, tin tốt lành là nguy cơ các mức lãi suất sẽ tăng nhanh sẽ biến mất. Nhưng dĩ nhiên tin xấu là lạm phát không tăng là do nhu cầu đang chậm lại.
Châu Á cần một cuộc đại tu 
Sau khi cân nhắc mọi yếu tố, thì quá trình đi lên trong suốt thập niên vừa qua khá trơn tru. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chắn chắn là một trở ngại chính yếu, nhưng châu Á đã kiểm soát để tiếp tục tiến tới một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên, sau đó bộ máy dần trở nên mệt mỏi. Xuất khẩu đã không khôi phục với tốc độ như trước đây, người tiêu dùng ngày càng trở nên ngập ngừng, và hoạt động đầu tư dần chậm lại. Điều cần thiết hiện nay là một liều thuốc cải cách để thúc đẩy năng suất và cung cấp năng lượng nâng cao tinh thần. Trong quá trình đó, Trung Quốc không phải là trường hợp cá biệt: Nhật Bản cũng cần được cải cách một cách nghiêm túc, Chính phủ mới của Ấn Độ cũng sẽ phải đối mặt với một số quyết định khó khăn, và các quan chức các nước ASEAN cũng cần khẩn trương tìm ra chiến lược tăng trưởng mới. May mắn thay, vẫn còn đó một số thuận lợi: với lãi suất thấp trên toàn cầu, và lạm phát được kiểm soát tốt, một sự đình trệ hoàn toàn có thể không xảy ra. Nhưng điều đó không nên là điều các quan chức châu Á ỷ lại để không xây dựng một kế hoạch điều chỉnh toàn diện.
Sự chao đảo bắt đầu xuất hiện
Đối với một số người, có vẻ như đã bắt đầu có những tín hiệu phục hồi. Cuối cùng, những số liệu ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang trở nên khả quan hơn gợi ý xuất khẩu của châu Á sẽ được hưởng lợi và hỗ trợ tăng trưởng của khu vực. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Các nước phương Tây đang dần hồi phục nhưng rất chậm. Và các chuyến tàu xuất hàng từ châu Á đã không nhận được sự thúc đẩy như thông thường. Có một vài lý do giải thích cho điều này bao gồm sự suy giảm năng lực cạnh tranh; và quá trình chuyển đổi kết cấu nhu cầu ở các thị trường đã phát triển đã thoát khỏi nhập khẩu. Cho dù là nguyên nhân gì thì điều đó cũng không khiến cho các quan chức châu Á trở nên thoải mái hơn; nhu cầu nội địa yếu phản ánh tăng trưởng sản xuất đang chậm lại và thắt chặt tài chính có chủ ý.
Chính vì vậy năm nay được khởi đầu với một kết quả khá yếu ớt. Hầu hết các dữ liệu đều cho thấy mức độ tăng trưởng khá mờ nhạt. Ở Trung Quốc, nền kinh tế vẫn chưa lấy lại đà phát triển như trước đây từ sau thời kỳ Tết Nguyên đán khá yên ắng. Ở Nhật Bản, sự gia tăng chi tiêu dự kiến ​​trong thời gian chuẩn bị để tăng thuế bán hàng trong quý này lại diễn ra không như dự kiến. Ở những nơi khác, xuất khẩu không thể tăng mạnh, đè nặng lên tâm lý thị trường và sản xuất. Với một vài ngoại lệ như trường hợp của New Zealand đang trên đà xuất khẩu sữa khá tốt, còn các nước châu Á khác tăng trưởng vẫn còn chậm, có khi còn tụt hậu thêm so với những tháng trước đây.
Nhưng liệu đâu đó vẫn tiềm ẩn những điềm xấu? Có lẽ là không. Trong tình hình u ám, châu Á lại thể hiện sức mạnh của mình. Bắt đầu với Trung Quốc. Tăng trưởng có thể không hoàn toàn ở tốc độ như trước đây nhưng sự suy giảm nằm trong dự kiến. Các quan chức, có ý thức về những thách thức lớn hơn mà Trung Quốc đang đối mặt đã khởi động một lượt cải tổ về mặt cấu trúc mà có thể sẽ đưa nền kinh tế bước vào chặng đường bền vững hơn. Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn là một phần của chiến lược này và không thể tránh khỏi khiến cho các hoạt động diễn tiến chậm lại. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng duy trì những công cụ mạnh mẽ để đưa đất nước tiếp tục tăng trưởng. Chính vì vậy, ông Qu Hongbin, chuyên gia kinh tế của HSBC về Trung Quốc tin tưởng rằng với những chính sách điều chỉnh hợp lý, Chính phủ sẽ cố gắng đưa tăng trưởng đạt mức 7,4% cho cả năm 2014. Điều này biểu thị tốc độ hoạt động sẽ lại phục hồi trong nửa sau năm 2014.
Tương tự, ở Ấn Độ mọi thứ cũng không quá xấu như lúc đầu. Sau khi tăng trưởng chậm đáng kể vào cuối năm ngoái, chỉ số PMI trong những tháng gần đây đã cho thấy hoạt động sản xuất có sự gia tăng ổn định. Dĩ nhiên, đa phần sẽ phụ thuộc vào Chính phủ mới và khả năng quản lý thông qua các cuộc cải cách về mặt cơ cấu, tuy nhiên, như chuyên gia kinh tế Leif Eskesen lập luận, điều này sẽ khá tốn thời gian trước khi hoạt động đầu tư đáp ứng lại.
Ở Nhật Bản, sau một thời gian yên ắng tạm thời trong quý II do việc tăng thuế bán hàng, tăng trưởng cũng sẽ phục hồi trong nửa sau của năm. Cũng tương tự, như Izumi Devalier giải thích, cần có một cú hích thuyết phục về các cuộc cải cách kinh tế để thúc đẩy đầu tư của các công ty và hỗ trợ cho những thành tích xuất hiện.
Trong khi đó, ở Úc, mặc dù có một sự điều chỉnh khó khăn sau sự bùng nổ chưa từng có trong đầu tư khai thác mỏ, có dấu hiệu cho thấy sự tái cân bằng nền kinh tế cũng đang diễn ra. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể đã ở cuối chu kỳ nới lỏng của mình.
Đối với các nền kinh tế nhỏ hơn trong khu vực, bức tranh còn khá lộn xộn. Xuất khẩu có thể không mạnh như đã từng kỳ vọng nhưng tăng trưởng chung vẫn được các mức lãi suất thấp hỗ trợ. Lạm phát không phải là một nguy cơ trong thời điểm hiện tại, cho dù ở châu Á hay ở nơi khác, tăng trưởng tín dụng như vậy sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu trong nước. Tất nhiên, điều đó không thể tiếp tục một cách vô thời hạn. Nhưng với thời điểm này thì nhiêu đó đã là khá tốt rồi.

Theo dddn