Chật vật rút ngắn khoảng cách giàu – nghèo

Mặc dù khoảng cách giàu nghèo tăng lên khắp thế giới, nhưng các chính sách kinh tế tiếp tục hậu thuẫn cho thiểu số giàu có hơn là ưu ái cho đa số dân lao động.
Ảnh minh họa
Theo một báo cáo mới đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, khoảng cách bất bình đẳng thu nhập ngày càng mở rộng ở các nền kinh tế tiên tiến trong suốt hơn hai thập kỷ qua.

Tại Mỹ, tỷ lệ thu nhập của những người giàu nhất, chiếm 10% dân số, đã tăng hơn 30% vào năm 1980 lên 48% vào năm 2012. Dữ liệu khác cho thấy từ năm 2009, 1% nhóm người giàu nhất tại Mỹ nắm giữ 95% thu nhập; 90% dân số còn lại ngày một nghèo hơn.
“Bất bình đẳng ngày càng sâu sắc khiến tăng trưởng bị đình trệ. Công việc của chúng tôi là đảo ngược xu hướng này”, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước nghị viện. Ông nói rằng “sự nguy hiểm của tình trạng bất bình đẳng đang tăng lên” ở Mỹ và đã kêu gọi tăng lương tối thiểu lên 10,10 USD một giờ cho người lao động có thu nhập thấp.
Là người có xu hướng “dân tuý”, ông Obama muốn xoa dịu sự căng thẳng của người lao động Mỹ khi đứng trước hiện trạng: 99% dân là người nghèo hay chỉ đủ ăn, trong khi 1% người cực giàu điều khiển guồng máy kinh tế – tài chính Mỹ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của toàn xã hội.
Nhưng các nhà lập pháp bảo thủ đến giờ vẫn khước từ đề xuất này và cho rằng chủ lao động sẽ cắt giảm việc làm nếu bị buộc phải trả lương cao hơn. Cũng với cảnh báo tương tự, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde nói rằng: “Chúng ta đã có bằng chứng chắc chắn về việc phân phối thu nhập sai lệch nghiêm trọng làm tổn hại đến tốc độ và tính bền vững của tăng trưởng trong dài hạn”.
Mặc các chính trị gia đã lên tiếng cảnh báo nhưng những chính sách kinh tế mới vẫn không hậu thuẫn người nghèo. Tháng 2 vừa rồi, chính phủ của ông Obama đã cắt 8,7 tỷ USD từ chương trình phiếu thực phẩm, mặc dù gần 47 triệu người dân Mỹ hiện đang sống phụ thuộc vào nó. Dự luật mở rộng trợ cấp thất nghiệp khẩn cấp gần như không thể thực hiện khi Đảng Cộng hòa đã lên tiếng phản đối quyết liệt.
Lý do của các nhà hoạch định chính sách Mỹ khi đưa ra các quyết sách trên là nếu có quá nhiều chương trình phúc lợi sẽ khiến cho người dân có thói quen sống ỷ lại. Nhưng theo Trung tâm Ngân sách và Chính sách ưu tiên Mỹ, hơn 60% gia đình nhận tem phiếu thực phẩm có một thành viên lao động. Vì vậy, vấn đề là có nhiều lao động đã không kiếm đủ tiền để mua nhu yếu phẩm nuôi sống bản thân và gia đình. Họ được xếp vào diện “lao động nghèo”.
Trong khi đó, ở châu Âu, các chính trị gia và các ngân hàng đang thở phào nhẹ nhõm vì cuộc khủng hoảng nợ đã được dập tắt. Nhưng thực tế, đối với hàng chục triệu người châu Âu, khủng hoảng chưa đi qua.
Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng euro vào tháng 1 là 12% – không thay đổi so với năm trước. Ở Hy Lạp, tỷ lệ thất nghiệp còn tăng lên 28%. Tỷ lệ thất nghiệp cao đã khiến người dân Tây Ban Nha đổ xuống đường phố Madrid biểu tình. Tuy nhiên, Liên minh Châu Âu vẫn trung thành với chính sách thắt lưng buộc bụng hơn là tăng trưởng.
Ở Nhật Bản, chính sách mới của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm khởi động lại nền kinh tế bị đình trệ bằng cách tung tiền kích cầu và để các mặt hàng tăng giá. Trong khi đó, đối mặt với thâm hụt ngân sách khổng lồ và nợ chính phủ tăng cao, ông Abe lại tăng thuế tiêu thụ. Chính sách này đã giúp các công ty tăng lợi nhuận nhờ đồng yên suy yếu nhưng lại đang gây sức ép đối với đa số người dân lao động. Một sự kết hợp giữa giá cả và các loại thuế tăng cao cùng với đồng lương không thay đổi khiến nhiều gia đình Nhật Bản trở nên nghèo hơn.
Ở Trung Quốc, nhóm lãnh đạo mới của ông Tập Cận Bình đang nói rất nhiều về nỗ lực phải thu hẹp khoảng cách giàu nghèo nhằm ổn định xã hội, nhưng cải cách cần thiết vẫn chưa thành hiện thực. Lãi suất vẫn bòn rút người tiết kiệm để trợ cấp cho những tập đoàn theo mô hình tư bản nhà nước. Do đó, lãi suất tiền gửi ngân hàng của đa số người dân không theo kịp lạm phát.
Trung Quốc sẽ không thể định hình lại mô hình kinh tế và tạo ra sự tăng trưởng bền vững hơn mà không cần cải cách vì người nghèo. Cũng như vậy, nước Mỹ còn nguyên bài học của phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” lan rộng khắp nước Mỹ cách đây ba năm, châm ngòi cho các cuộc biểu tình ở nhiều quốc gia tại châu Âu, bày tỏ sự bất mãn cùng cực về khoảng cách giàu nghèo quá lớn.
Hiện tượng phản kháng xã hội đang diễn ra tại các nước giàu cho thấy những bế tắc trong cơ chế vận hành của chủ nghĩa tư bản, vốn đã và đang tạo ra sự tăng trưởng liên tục của nhiều nền kinh tế, nhưng không bền vững khi không đem lại lợi ích cho số đông.

Theo DNSG