Ảnh minh họa.
Tại Hội thảo Việt-Pháp về công nghệ mới dành cho ngành dệt và ngành vải kỹ thuật, ngày 3/4 tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (Vcosa), cho biết đến thời điểm này, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang chịu “nút thắt cổ chai” tại khâu sản xuất vải.
Năm 2013, toàn ngành may sử dụng 7,4 tỷ mét vuông vải, nhưng phải nhập khẩu tới 6 tỷ mét vuông vải. Ngành dệt may Việt Nam được dự đoán là sẽ tăng gấp đôi về quy mô vào năm 2025, đạt doanh thu 46 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 40 tỷ USD. Tới lúc đó, để hoàn thiện chuỗi cung ứng trong nước, toàn ngành cần có 12 triệu bọc sợi, 12 tỷ mét vuông vải.
Việt Nam đang tham gia đàm phán TPP, FTA với EU, Hàn Quốc, trong đó thuế suất dự kiến sẽ về 0% đã tiếp thêm hy vọng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất bọc sợi và vải tại Việt Nam.
Ba tháng đầu năm 2014, nhiều dự án lớn trong lĩnh vực này đã được đầu tư như: Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD tại tỉnh Nam Định.
Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan, Trung Quốc) đã cam kết đầu tư 50 triệu USD để triển khai một dự án hoàn chỉnh từ dệt vải đến sản xuất các sản phẩm may mặc chuyên dụng cao cấp cho thể thao dưới nước. Công ty Gain Lucky Limited, thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International cam kết đầu tư 140 triệu USD vào TPHCM…
Các DN dệt may lớn trong nước, đi đầu là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đang dần tạo ra điểm kết nối rất cần thiết và quan trọng ở khâu nguyên phụ liệu cho xuất khẩu dệt may Việt Nam.
Vinatex đang gấp rút đẩy tiến độ các dự án khi đặt ra kế hoạch đầu tư vào 57 dự án trong năm 2014. Trong đó, sẽ có 2 dự án trang trại trồng bông, 15 dự án sợi, 8 dự án dệt và 24 dự án may mặc được triển khai… Năm 2013, tỷ lệ nội địa hóa, sử dụng nguyên phụ liệu trong nước sản xuất phục vụ xuất khẩu dệt may của các đơn vị trong hệ thống Vinatex đã đạt 60%, dự kiến trong năm 2014-2015 tỷ lệ này sẽ tăng lên 80%.
Nhiều địa phương đang xem xét cấp phép cho xây dựng các khu công nghiệp tích hợp cung ứng cho ngành dệt may với quy mô hàng nghìn hec-ta, trong đó, ưu tiên những doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, ít ảnh hưởng tới môi trường.
Hiện đại hóa công nghệ để “xâm nhập” các thị trường tiềm năng
Theo Phó Tổng thưký Vitas Nguyễn Văn Tuấn, hiện nay các thị trường xuất khẩu hàng dệt may lớn của Việt Nam như EU (chiếm 16%), Nhật Bản (chiếm 14%), Hàn Quốc 7%… còn rất tiềm năng. Chẳng hạn, EU một năm nhập khẩu hàng dệt may khoảng 250 tỷ USD, chúng ta mới xuất sang thị trường này khoảng 2,5 tỷ USD, do đó cơ hội là rất lớn.
Tuy nhiên, khi xâm nhập vào các thị trường này, chúng ta phải “chen chân”, và cạnh tranh với nhiều đối thủ khác, muốn thâm nhập sâu, hàng dệt may xuất khẩu từ Việt Nam phải có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, không chỉ chất lượng tốt mà còn phải đạt chuẩn, độ ổn định cao.
Ông Tuấn cho hay: “Theo xu hướng mới, yêu cầu thời gian sản xuất phải rất ngắn, hiện nay, có khi vòng thời trang chỉ có 2 tuần/vòng. Nhiều đơn đặt hàng chỉ có 15 ngày, nếu như thiết bị máy móc không tốt sẽ không sản xuất kịp, không ổn định”.
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Christian Guinet, Phó Chủ tịch UCMTF-Liên minh các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần tạo ra sự khác biệt, bằng cách hiện đại hóa công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị.
Ông Alexandre EA, Giám đốc văn phòng UBIFRANCE tại TPHCM, cho biết Pháp là nước đứng thứ 6 trên thế giới về xuất khẩu thiết bị ngành dệt với kim ngạch xuất khẩu 1,2 tỷ USD/năm. Các nhà chế tạo thiết bị ngành dệt của Pháp là những công ty hàng đầu trên thế giới với các thiết bị và công nghệ đặc biệt dành riêng cho một số đối tượng khách hàng nhất định.
Đồng thời đảm bảo giảm thiểu một cách tốt nhất các lo ngại ảnh hưởng tới môi trường, bởi các địa phương Việt Nam khá e ngại về các dự án ngành dệt khi đầu tư có thể gây ô nhiễm môi trường cho địa phương.
“Thủ đô của thời trang thế giới vẫn là châu Âu, hơn ai hết, các nhà sản xuất thiết bị tại châu Âu hiểu được họ cần phải sản xuất những thiết bị gì đề đáp ứng, phù hợp với xu thế thời trang này”, ông Tuấn nói.
Theo baodientu.chinhphu.vn