Thế giới được gì, mất gì khi con thuyền kinh tế của “con rồng châu Á” tròng trành.
Tình hình kinh tế tại Trung Quốc vào thời điểm hiện tại đang được đem so sánh với thời kỳ khủng hoảng tại Nhật Bản những năm 1990. Ảnh: Economist
Với những tín hiệu không mấy tích cực phát ra trong thời gian gần đây, có vẻ kinh tế Trung Quốc đã bước qua giai đoạn “phát triển thần kỳ” với đà tăng trưởng nóng hai con số để đặt chân vào một giai đoạn suy thoái đầy rẫy bất ổn.
Giới chức trách Trung Quốc buộc phải chấp nhận bằng lòng với một đà tăng trưởng kinh tế chậm hơn để phục vụ cho mục đích tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung vào tiêu dùng trong nước.
Nhưng chính sách cái cách này không chỉ tác động nội tại Trung Quốc, mà nó còn lây lan sang các quốc gia vẫn lệ thuộc vào nước này.
Phần 1 bài viết đã chỉ ra thị trường hàng hóa và các quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên vật liệu vào Trung Quốc sẽ là những nạn nhân đầu tiên của kinh tế Đại lục thoái trào, nhu cầu tuột dốc sau một thập kỷ “ngốn” lượng nguyên liệu khổng lồ từ thế giới.
Ngoài các nước xuất khẩu nguyên liệu thô vào Trung Quốc, các nước xuất khẩu thành phẩm khác như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng sẽ chịu tác động.
Ví dụ như Đức, đây là nước có mối ràng buộc giao thương khá chặt chẽ với Trung Quốc trong phân khúc xuất khẩu máy móc.
10 năm về trước, Trung Quốc có thể tự cung tự cấp khi họ chỉ đặt mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm đơn giản và rẻ, nhưng từ khi chính phủ nước này áp dụng chính sách công nghiệp hóa, đưa chất lượng sản phẩm lên một nấc thang mới thì vai trò của máy móc phục vụ sản xuất từ Đức đã được nâng lên đáng kể.
Tính từ năm 2010, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của Đức, có quy mô rộng thứ 7 chỉ sau các nước thuộc Liên minh châu Âu.
Khi các hoạt động sản xuất tại công xưởng, nhà máy tại Đại lục bị thu hẹp do xuất khẩu bị ghìm bớt và hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng hạ nhiệt, nhu cầu đối với các loại máy móc công nghệ cao cũng giảm xuống, từ đó làm giảm lượng tiêu thụ hàng xuất khẩu của các nước này tại Trung Quốc.
Thành phần thứ ba bị tác động là các công ty nước ngoài làm ăn tại Đại lục.
Trong khi xuất khẩu bị thu hẹp, hàng sản xuất không tìm được đường ra nước ngoài sẽ tích tụ trong nước, tạo nguồn cung dư thừa, trong khi mục tiêu kích cầu tiêu dùng của chính phủ Trung Quốc chưa thể phát huy ngay trong vòng 3 đến 5 năm nữa theo nhận định của các nhà kinh tế.
Để kích cầu tiêu dùng, không còn cách nào khác là phải tăng thu nhập bình quân hộ gia đình. Nhưng biện pháp này cũng có giá của nó.
Chi phí nhân công tăng trong khi tính cạnh tranh về giá cả hàng hóa giảm xuống hoặc không đổi, khiến một mặt Trung Quốc khó có thể đối chọi với các nền kinh tế đã phát triển mạnh về công nghệ như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc, mặt khác để mất thị phần xuất khẩu vào tay những nước có chi phí sản xuất rẻ hơn như Ấn Độ, Việt Nam, Indonesia…
Có một cách khác để giải phóng lượng hàng tồn kho này, đó là cắt giảm nguồn cung thừa hiện tại trên thị trường. Với tình hình chính trị và xã hội căng thẳng như hiện nay trong nội tại, khả năng chính phủ nước này liều lĩnh tạo sức ép lên các doanh nghiệp trong nước, ép họ hy sinh vì mục tiêu lớn là rất thấp.
Vì vậy, các công ty nước ngoài làm ăn tại đây sẽ lọt vào tầm ngắm.
Theo bản khảo sát hàng năm của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc vừa được công bố, có đến 80% công ty Mỹ làm ăn tại Trung Quốc “than thở” doanh thu của họ chỉ nhích nhẹ hoặc thậm chí tụt lùi trong những năm vừa qua, đồng thời thể hiện sự bức xúc đối với các cuộc điều tra của Chính phủ nhắm vào các doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực, từ sản xuất sữa bột trẻ em cho đến thiết bị viễn thông liên lạc.
40% doanh nghiệp Mỹ cho rằng các cuộc điều tra chống độc quyền của Chính phủ nhắm vào những công ty nước ngoài một cách có chủ đích, dù Trung Quốc đã phủ nhận ý kiến này.
Qua phản ánh của nhiều công ty Mỹ và châu Âu đầu tư vào Trung Quốc, họ đang phải chịu sức ép cạnh tranh ngày một khó khăn từ các công ty nội địa, đồng thời bị chính phủ Bắc Kinh hạn chế quyền thâm nhập vào các ngành công nghiệp đầy triển vọng như năng lượng sạch.
Tuy Trung Quốc có chào mời các doanh nghiệp đa quốc gia (TNC) đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng khác như thương mại điện tử và giao thông vận tải, nhưng có vẻ các TNC cũng chẳng mấy mặn mà khi họ phải chấp nhận điều kiện nước sở tại đưa ra yêu cầu chuyển giao công nghệ cho các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc.
Không trụ được trước sóng gió, nhiều công ty đã quyết định bỏ cuộc tại thị trường này, trong đó có công ty mỹ phẩm Revlon của Mỹ và hãng dược phẩm đồng hương khổng lồ Actavis PLC.
Kinh tế khó khăn còn khiến người tiêu dùng Trung Quốc thắt lưng buộc bụng, cắt giảm đáng kể việc chi tiêu vào các mặt hàng xa xỉ khiến doanh số của các cửa hàng đồ hiệu tại đây sụt giảm thê thảm, kéo tụt kết quả làm ăn của công ty mẹ tại nước ngoài.
Ví dụ chỉ trong 12 tháng qua, cổ phiếu hãng Mulberry đã tụt 44,91%, con số này là 11,78% đối với LVMH.
Cổ phiếu hãng thời trang Hermes có trụ sở tại Paris đã trượt dốc 5,24% trong năm qua, cổ phiếu hãng đồ uống Remy Cointreau cũng bốc hơi tới 41% trong 12 tháng.
Nhưng nhìn nhận theo chiều hướng tích cực, không ít quốc gia sẽ được lợi nếu biết nắm bắt cơ hội từ vũng lầy kinh tế Trung Quốc, ví dụ như châu Âu và các nước mới nổi từng bị Trung Quốc cạnh tranh quyết liệt trong 20 năm trở lại đây, sản phẩm của họ sẽ có “đất” làm ăn hơn khi hàng xuất khẩu Trung Quốc giảm thiểu về số lượng.
Khi thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc tăng kéo theo lương công nhân tăng, chi phí sản xuất đội giá làm lợi nhuận cận biên của hoạt động sản xuất tại Đại lục tiêu giảm, nhiều công ty đa quốc gia sẽ chuyển hướng dòng vốn đầu tư ra khỏi đây để tìm đến các thị trường có điều kiện sản xuất tương đương, chi phí rẻ hơn và môi trường kinh tế ổn định, lúc đó những quốc gia láng giềng như Thái Lan, Việt Nam, Indonesia sẽ là các ứng cử viên sáng giá.
Giá hàng hóa cơ bản trên thế giới tuột dốc do ảnh hưởng từ Trung Quốc sẽ khiến các mặt hàng nông sản trở nên rẻ hơn, giảm bớt chi phí đầu vào cho các thị trường nhập siêu hàng nông sản như Mỹ và châu Âu.
Các nước xuất khẩu sản phẩm có khả năng thay thế hàng Trung Quốc như Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam trong lĩnh vực nhựa, dệt may, giày dép… sẽ có cơ hội chiếm lĩnh các thị trường lâu nay vẫn bị hàng xuất khẩu Trung Quốc thống trị.
Nếu chính phủ Bắc Kinh thành công trong việc kích cầu tiêu dùng nội địa, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lúa mỳ nhập khẩu từ Brazil, đậu tương nhập khẩu từ Mỹ và rượu nhập khẩu từ Pháp sẽ trở nên đắt khách, đem lại nguồn thu cho các quốc gia này.
Các quốc gia xuất khẩu xăng dầu vào Trung Quốc cũng sẽ được lợi khi người dân nước này mua nhiều xe hơi hơn, kích thích nhu cầu xăng dầu đi lên, kéo giá dầu leo dốc.
Mặc dù chắn chắn một thời kỳ kinh tế lao đao tại Trung Quốc sẽ biến nhiều khu vực khác trở thành nạn nhân, nhưng kịch bản trong đó Trung Quốc kéo cả thế giới vào một cuộc đại suy thoái mới được nhiều nhà kinh tế đánh giá là khó xảy ra.
Tình hình kinh tế tại Trung Quốc vào thời điểm hiện tại đang được đem so sánh với thời kỳ khủng hoảng tại Nhật Bản những năm 1990 làm kinh tế nước này điêu đứng, để lại nhiều hệ quả đến tận bây giờ.
Từ năm 1988, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của quốc gia so với GDP đã sụt giảm mạnh. Năm 1993, GDP thực tế của Nhật Bản giảm 0,2%, quãng trượt dài nhất nhất kể từ năm 1974 trong cuộc khủng hoảng Dầu lửa đầu tiên.
Các nguyên nhân dẫn đến tình hình suy thoái ở Nhật thời điểm đó cũng có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc thập kỷ này.
Sự xẹp xuống của nền “kinh tế bong bóng” Nhật tạo sức ép nghiêm trọng lên các tổ chức tài chính, đồng thời bóp nghẹt động lực chi tiêu của người dân cũng như đầu tư kinh doanh.
Tình trạng sản xuất dư thừa khiến các công ty Nhật Bản vấp phải khó khăn trong việc tìm đầu ra cho khối lượng sản xuất thặng dư khổng lồ.
Tuy nhiên, sự sụp đổ của kinh tế đất nước mặt trời mọc hầu như không tác động gì tới thế giới, mà ngược lại, giai đoạn từ 1990 – 2000 là thập kỷ chuyển biến khởi sắc nhất của kinh tế toàn cầu.
Nguyên nhân là do Nhật Bản là nước xuất siêu chứ không tiêu thụ nhiều hàng nhập khẩu, giống như Trung Quốc thời nay.
Dẫu sau đi chăng nữa, kinh tế thế giới đang phải gồng mình trước những xung đột địa chính trị trong trục Nga và phương Tây cùng nền kinh tế châu Âu “vừa ốm dậy”, nên quả thực không ai mong chờ xuất hiện thêm một tâm chấn khủng hoảng nữa trong lúc này.
Theo Bizlive