Dán logo cho hàng bình ổn tại TP HCM

Từ ngày 1/4, TP HCM bước vào đợt bình ổn cho năm 2014 và Tết Ất Mùi 2015. 

Ảnh minh họa
Chương trình bình ổn giá thị trường vừa được Sở Công Thương TP HCM trình lãnh đạo UBND cho thấy, ba nhóm hàng thực hiện bình ổn thị trường do Sở này chủ trì gồm sữa, đồ dùng mùa khai trường và thực phẩm thiết yếu đều có số lượng tăng từ 25% đến 30% so với năm ngoái và chiếm thị phần lớn. Tổng lượng hàng bình ổn là 2.787,48 tấn/năm (bình quân 232,29 tấn/tháng), tăng 26,3% so kết quả thực hiện năm 2013-2014 và chiếm 39,8% mức tiêu dùng của thị trường TP HCM.
Trong thời gian thực hiện chương trình bình ổn, từ 1/4/2014 đến 31/3/2015, giá bán các sản phẩm có thể tăng hoặc giảm khi giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động khoảng 5%-10%; Trong đó, nhóm các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nằm trong chương trình năm 2014 gồm 9 nhóm hàng là lương thực (gạo thường, mì gói…), đường (RE và RS), dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả và thủy hải sản (chế biến và tươi sống).
Lượng hàng của từng nhóm vào các tháng thường chiếm 25%-30% nhu cầu thị trường và tăng bình quân 30%-35% so kết quả thực hiện kế hoạch năm 2013. Trong những ngày bình thường, giá bán luôn thấp hơn từ 5 đến 10% so với sản phẩm cùng loại và chỉ được tăng khi giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng từ 5% đến 10% và được cơ quan chức năng chấp thuận.
TPHCM cũng tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn thị trường với 3 nhóm sản phẩm phục vụ mùa khai trường từ 1/5 đến 31/10 gồm: tập vở, cặp, ba lô, túi xách và đồng phục học sinh. Khối lượng hàng bình ổn chiếm từ 32,9% đến 65,4% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn. Giá bán các sản phẩm sẽ thấp hơn giá thị trường của các sản phẩm cùng quy cách, chủng loại từ 10%-15%. Doanh nghiệp chỉ được tăng giá khi nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng 10% và được cơ quan quản lý chấp thuận.
Điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm 2014 là các mặt hàng bình ổn sẽ được gắn logo của chương trình nhằm hạn chế các hành vi lợi dụng tên gọi, thương hiệu của chương trình để trục lợi. 
Theo Sở Công thương, các ngân hàng đã đăng ký sẽ dành 8.150 tỷ đồng cho chương trình bình ổn thị trường năm 2014. Các doanh nghiệp thực hiện chương trình bình ổn thị trường tiếp tục không dùng ngân sách địa phương mà vay vốn với lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng thương mại cùng tham gia chương trình.

Theo dddn