Mất khách hàng vì… chiếc túi nylon

Trong kinh doanh, nếu người bán hàng biết trân trọng từng giá trị nhỏ bé thì họ sẽ giữ được những giá trị lớn hơn thế gấp nhiều lần. Có một câu chuyện thế này:
Một vị khách bước vào cửa hàng nọ để mua một chiếc khăn. Người bán hàng để chiếc khăn vào một túi nylon cho khách. Nhưng nhận thấy chiếc túi sẵn đang xách trên tay có thể chứa thêm đồ, người khách lấy chiếc khăn ra khỏi túi nylon và để vào túi của mình, không quên lịch sự gửi trả lại người bán hàng chiếc túi nylon không cần dùng đến.
Không ngờ, trước thái độ nhã nhặn của vị khách, người bán hàng lúc đó đang cắm cúi ghi chép gì đó, thấy khách gửi trả lại chiếc túi thì hơi ngẩng đầu lên, liếc xéo chiếc túi nylon rồi dang tay gạt phắt nó xuống góc nhà mà không thèm đếm xỉa gì thêm, coi như nó đã thành một thứ rác bỏ đi, rồi tiếp tục cúi xuống với mớ giấy tờ.
Vị khách mua hàng vô cùng sửng sốt trước thái độ đó của người bán. Anh ta có cảm giác người bán hàng không chỉ gạt đi mỗi chiếc túi mà còn gạt luôn cả chút thành ý tiết kiệm của anh, dù là anh tiết kiệm cho người bán chứ không phải cho chính mình. Anh rời cửa hàng với một tâm trạng buồn bực xen lẫn tức giận và nghĩ mình sẽ chẳng thể nào có thể bước chân vào cửa hàng đó, tiếp xúc với người bán hàng đó lần nữa.
Vậy là chỉ vì một chút cư xử không tốt, người bán hàng đã để mất một khách hàng. Có lẽ họ không thể tưởng tượng rằng một việc làm nhỏ như vậy của mình lại có thể tạo ra tâm lý vô cùng xấu cho người mua.
Nếu như lúc đó, thay vì gạt tay một cách lạnh lùng, họ nhận lại chiếc túi và không quên nói lời cảm ơn tới vị khách kia thì mọi chuyện đã khác. Người khách đó hẳn sẽ bước ra khỏi cửa hàng với một thái độ nhẹ nhõm và muốn quay lại đó mỗi khi cần.

Ảnh minh họa
Thật khó để có thể luôn giữ thái độ niềm nở, chu đáo với tất cả khách hàng, đặc biệt khi tâm trạng của bạn không được tốt. Nhưng hãy nhớ đừng bao giờ quên những phép lịch sự tối thiểu. Khách hàng không phải là đối tượng để bạn trút giận.
Làm công việc bán hàng, bạn sẽ gặp rất nhiều kiểu khách hàng khác nhau. Có người vô cùng dễ dãi, họ hầu như chẳng để ý đến cách bạn bán hàng như thế nào mà chỉ cốt mua được thứ họ muốn. Có người khó tính một chút, nếu thái độ phục vụ của bạn không tốt, họ có thể không bằng lòng và lộ vẻ khó chịu ra mặt. 
Và có những người kỹ tính tới mức, từng câu nói, cử chỉ của bạn dù là nhỏ nhất cũng gây ấn tượng sâu sắc tới tâm lý mua hàng và ảnh hưởng trực tiếp tới lần mua hàng tiếp theo của họ. Nếu thái độ của bạn tốt, họ sẽ muốn quay lại những lần sau và trở thành khách quen của cửa hàng. Nếu bạn để lại ấn tượng xấu, dù hàng hóa của bạn rất tốt và vị trí cửa hàng rất thuận lợi, họ sẽ không bao giờ muốn quay trở lại. 
Thái độ tốt đôi khi còn khó để ghi nhớ, nhưng thái độ xấu lại luôn để lại những ấn tượng mạnh và khó phai mờ.

Theo DNSG